Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Ai Sẽ Trả Lời Câu Hỏi Của Tôi?

Một lần kia, có một thầy tu Phật giáo đến thăm và kể cho tôi câu chuyện sau đây:

VỊ THIỀN SƯ

Một thanh niên trẻ khao khát đi tìm sự thật, hạnh phúc, niềm vui và một con đường sống. Sau nhiều năm bôn ba tìm kiếm, anh đã trải qua nhiều kinh nghiệm và cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Cuối cùng anh quyết định đi tìm thầy học đạo. Một ngày nọ, anh nghe nói đến một vị Thiền Sư lỗi lạc, ngay lập tức anh tìm đến gặp. Quỳ gối trước mặt vị thiền sư, anh thân thưa: “Xin Thầy nhận con làm môn đệ.”

Vị Thiền sư lắng nghe và chấp nhận lời đề nghị của chàng thanh niên. Hơn thế nữa, ông đã chọn anh làm thư ký riêng cho mình. Bất cứ nơi nào vị sư đi, anh thư ký mới này cũng đi với ông. Mặc dù vị Thiền sư đã gặp gỡ và nói chuyện với rất nhiều người tìm đến ông để xin lời khuyên. Nhưng, vị Thiền sư chẳng bao giờ nói chuyện với thư ký của mình. Sau ba năm theo thầy, chàng thanh niên trẻ quá thất vọng và bực bội đến nỗi anh ta không thể kiềm chế được bản thân. Một ngày nọ, trong tâm trạng rất tức giận, anh hỏi vị sư: “Con đã hy sinh tất cả, đã cho đi tất cả những gì con có để theo thầy, tại sao thầy chẳng dạy con điều gì cả?” Vị Thiền sư trìu mến nhìn anh và nói: “Thế ra con chẳng hiểu gì về tất cả những gì thầy đã dạy con trong mỗi giây mỗi phút con ở với thầy sao? Khi con mang cho thầy một tách trà, chẳng lẽ thầy không uống nó sao? Khi con cúi đầu chào thầy, chẳng lẽ thầy lại không cúi đầu chào lại con sao? Khi con lau bàn cho thầy, chẳng lẽ thầy lại không nói: “Cám ơn con thật nhiều” sao?”

Trước câu nói của sư thầy, chàng thanh niên thật sự cảm thấy rất bối rối vì anh ta không hiểu hết ý nghĩa của những lời đó. Rồi đột nhiên vị Thiền sư cao giọng nói với chàng thanh niên: “Khi con thấy là con thấy trực tiếp.” Ngay lúc đó, chàng thanh niên được giác ngộ.[1]

Sự khác nhau giữa lời dạy của một vị thiền sư Đông phương với chàng sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết và một vị linh hướng Kitô giáo Tây phương trả lời cho một người khao khát tìm kiếm tâm linh là một khoảng cách lớn. Để hai bên có thể gặp nhau thì phải vượt qua một chiếc cầu thật dài.  Tuy nhiên, câu chuyện trên đây đã giúp cho chúng ta thấy được sự khôn ngoan mà chúng ta cần để trả lời cho những câu hỏi, những thắc mắc, khắc khoải của cá nhân cũng như của cộng đoàn, trong việc định hướng cho sứ vụ của mình. Chàng thanh niên trong câu chuyện trên đây có nhiều câu hỏi thầm kín nhưng rất khẩn thiết như: Sự thật là gì? Làm thế nào tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc? Đâu là cách thức đúng đắn để sống? Cũng như anh thanh niên kia, chúng ta cũng có thể thêm những câu hỏi của riêng mình: Tôi phải làm gì cho cuộc sống của mình? Tôi sẽ kết hôn với ai đây? Tôi nên sống ở đâu? Tôi có những khả năng nào và phải sử dụng nó ra sao để có thể chia sẻ cho tha nhân? Tôi phải đối diện với nỗi cô đơn như thế nào? Tại sao tôi khao khát tìm kiếm ảnh hưởng, sự tán dương hay quyền lực? Làm sao tôi có thể vượt thắng được nỗi sợ hãi, mặc cảm, sự nghiện ngập và cảm giác thua thiệt hoặc thất bại?

Cách đây vài năm, tôi được hân hạnh gặp Mẹ Têrêsa Calcuta. Thời điểm đó, tôi gặp rất nhiều vấn đề. Tôi quyết định lợi dụng dịp thuận tiện này để hỏi Mẹ Têrêsa, đồng thời xin Mẹ cho tôi một lời khuyên. Vừa khi chúng tôi ngồi xuống là tôi bắt đầu vào vấn đề ngay. Tôi kể lể và giải thích cho Mẹ tất cả những vấn đề và khó khăn của tôi với chủ đích là để thuyết phục Mẹ về sự phức tạp của những vấn đề đó! Sau khoảng mười phút huyên thuyên giải thích vấn đề cách hùng hồn, cuối cùng tôi cũng chịu im lặng để lắng nghe. Mẹ Têrêsa nhìn tôi và bình tĩnh nói: “Thật ra, cuộc sống của cha sẽ tốt đẹp và mọi vấn đề sẽ trở nên nhẹ nhàng, nếu mỗi ngày cha dành một giờ ở bên Chúa và đừng bao giờ làm những điều mà cha biết điều đó là sai.”

Nghe Mẹ nói, tôi chợt nhận ra rằng Mẹ vừa chọc thủng quả bóng lớn về thói thích phóng đại và thích than phiền của tôi để tôi có thể vượt lên trên chính mình hầu đón nhận một sự chữa lành đích thực. Buổi gặp gỡ hôm đó với Mẹ Têrêsa đã thức tỉnh tôi và giúp tôi nhận ra rằng, bấy lâu nay tôi đã dồn hết tâm trí chỉ để tập trung vào những câu hỏi tầm thường, những chuyện vặt vãnh thuộc hạ giới, còn Mẹ thì lại cho tôi những câu trả lời từ bên trên. Thoạt đầu, tôi cảm thấy câu trả lời của Mẹ dường như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của tôi, nhưng dần dần tôi bắt đầu nhận ra câu trả lời đó không nhắm vào những điều tôi kêu ca phàn nàn, nhưng đến từ nơi Thiên Chúa. Thông thường, khi chúng ta đối diện với những câu hỏi thuộc hạ giới, chúng ta cũng chỉ trả lời theo quan điểm hạ giới, theo những lý luận thông thường của người đời. Và như thế, thay vì giúp giải quyết vấn đề theo cách nhìn của Chúa, chúng ta lại làm cho vấn đề trở nên rối ren, phức tạp hơn. Câu trả lời của Mẹ Têrêsa tựa như một tia sáng chiếu vào chỗ tăm tối của tâm hồn tôi.

Đối với tôi, việc tìm kiếm đồng hành thiêng liêng, có nghĩa là hỏi những câu hỏi quan trọng, mang tính nền tảng, phổ quát trong tương quan hỗ tương của cộng đoàn. Nếu chúng ta biết đặt những câu hỏi đúng và sống những câu hỏi đó, chắc chắn chúng ta sẽ có những hành động đúng. Để sống được những câu hỏi và hành động theo sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa, đòi phải vừa có kỷ luật, vừa có sự can đảm: có kỷ luật để biết “xin, tìm, gõ” cho đến khi cánh cửa mở ra (x. Mt 7, 7-8).

NHỮNG CÂU HỎI NGƯỜI TA THƯỜNG HỎI

Hiện giờ bạn có thể chưa có câu hỏi chủ đạo làm nên cuộc sống. Đôi khi chúng ta phải đối diện với nhiều nỗi khổ đau và sợ hãi đến độ tâm trí chúng ta chỉ tập trung vào những câu hỏi xoay quanh các vấn đề đó. Một khi những câu hỏi được bắt nguồn từ những nỗi đau hoặc sự hoang mang, thì những câu hỏi đó cần được sống thay vì tìm câu trả lời. Điều đầu tiên cần làm trong việc tìm kiếm sự hướng dẫn là dám đối diện với những giằng co, nỗi nghi ngờ và những bất an của bản thân để nhìn nhận cuộc sống tự nó là một câu hỏi – cuộc sống của bạn, của tôi là hồng ân Thiên Chúa ban tặng. Cuộc sống không phải là những vấn đề cần được giải quyết nhưng là những cuộc hành trình cùng đi với Đức Giêsu Kitô – Đấng vừa là bạn, vừa là vị Thầy hướng dẫn tuyệt vời của chúng ta.

Việc linh hướng song song với những kỷ luật bản thân về đời sống thiêng liêng thể hiện qua các phương thế như: giảng thuyết, dạy dỗ, tư vấn, và sự chăm sóc mục vụ giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Các phương thế thực hành cá nhân trên đây cũng giúp cho chúng ta trở nên thân thiện với khoảng không sâu thẳm của tâm hồn, nơi bắt nguồn của cuộc sống. Từ những gì chúng ta cảm nghiệm gợi lên những câu hỏi cần được sống chứ không nhất thiết phải có câu trả lời.

Trong Kinh Thánh, ông Gióp cũng đã đặt câu hỏi và sống những câu hỏi về sự hiện hữu. Đọc kỹ sách Gióp chúng ta khám phá ra một điều, những câu hỏi của ông Gióp được trả lời bởi các người bạn của ông chứ không phải bởi Chúa. Càng sống với những câu hỏi của mình khi đối diện với đau khổ thử thách, trong tất cả mọi tình huống, ông Gióp chỉ có thể thốt lên, “Chúa đã ban cho và Chúa lại lấy đi; Ngài muốn sao nên vậy, xin chúc tụng danh Chúa” (Gióp 1,21).

Câu hỏi của ông Gióp

Ông Gióp là một người tốt, bỗng chốc ông mất tất cả, của cải, đất đai và con cái. Giữa cơn đau khổ tột cùng, ông Gióp đã kêu lên: “Khốn cho ngày tôi chào đời và đêm tôi ở trong bụng mẹ…. Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời? Tại sao lại có cánh tay đỡ lấy tôi và đôi vú đã cho tôi bú mớm? Chẳng vậy thì giờ đây tôi nằm xuống yên hàn, đã an giấc nghỉ ngơi trên đường đến ánh sáng” (Gióp chương 3).

Và các bạn của ông Gióp: Ê-li-phát, Bin-đát, Xô-pha đã nói gì? Họ không thể chịu đựng được những câu hỏi của ông Gióp và họ đã hét lên, “Ông cứ lẩm bẩm như vậy mãi cho đến bao giờ? Ông đang nhét đầy lỗ tai chúng tôi bằng những tư tưởng rác rưởi?” Và một khi họ bịt tai trước lời kêu cầu của ông Gióp, họ đang tìm cách bảo vệ lập trường của mình và gán tất cả cho Thiên Chúa. Thế nhưng ông Gióp đã thốt lên: “Tôi chán ngán với những lời an ủi của các anh lắm rồi. Đến bao giờ các anh còn nói với tôi những lời này? Nếu các anh ở chỗ tôi, tôi muốn chôn các anh cùng với những người tố cáo và những người gài bẫy tôi để thử thách lòng trung thành của tôi.” Ông Gióp đã không nhận được một sự giúp đỡ nào từ các bạn của ông. Bằng cách từ chối câu hỏi về đau khổ của ông Gióp, họ đã khiến cho ông càng thất vọng hơn.

Chúa đã nói với ông Gióp trong cơn lốc rằng, “Khi ta khiến nước ngừng chảy, con có chứng kiến không? Con có thấy Ta lấy mây làm áo mặc cho đại dương và sương mù làm tã che rợp biển cả không? Con có thấy cánh cửa của sự chết hay đứng ở cửa phán xét không?” (Job 38). Khi Chúa lên tiếng nói, ngài nói qua dạng một câu hỏi để biểu lộ một mầu nhiệm về công trình sáng tạo và về một tình yêu tuyệt đối mà không một ngôn từ nào diễn tả được.

Vì vậy, để đón nhận sự trợ giúp thiêng liêng đòi chúng ta phải có những thái độ thích hợp. Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận sự thật là mình cần được trợ giúp. Từ việc ý thức mình cần được trợ giúp sẽ thúc đẩy chúng ta lên đường tìm kiếm. Chúng ta cần can đảm khơi lên những câu hỏi thiết thực của cuộc sống liên quan đến các vấn nạn của đau khổ, sự chết, cần đối diện với những vấn nạn đó và sống những câu hỏi đó. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta phải liên tục chống lại cơn cám dỗ tìm kiếm những câu trả lời đơn giản theo lý luận của người đời, hơn là phải trung thành với Thiên Chúa, với truyền thống của Giáo hội. Kinh nghiệm cho thấy những lời biện hộ phản chiếu sự phẫn nộ, giận dữ, và cuối cùng là ngày càng xa tránh những người hoặc những gì chúng ta đang cố gắng để bảo vệ. Phải cẩn thận khi những câu hỏi về cuộc sống bủa vây chúng ta trong lúc đau khổ. Phải hết sức tỉnh thức với những câu trả lời đơn giản hoặc với những lời bảo đảm về một cuộc sống hết khổ đau. Hãy tìm đến với những người sẵn sàng làm bạn với chúng ta, sẵn sàng kiên nhẫn lắng nghe khi chúng ta sống những câu hỏi về cuộc sống của bạn.

Chúng ta phải cẩn thận cân nhắc chọn lựa người hướng dẫn thiêng liêng, đặc biệt với những vị luôn muốn tránh né sự tìm kiếm những vấn đề liên quan đến đau khổ và rồi nóng lòng lấp đầy khoảng trống tạo nên bởi những câu hỏi không thể trả lời. Trong khi tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng, chúng ta cần nhạy cảm với một sự tìm kiếm giả tạo hay những câu trả lời dễ dàng và nông cạn. Để giúp ta đi vào một cuộc sống mới trong sự nhận biết chính mình và tiến sâu hơn trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cần có những người đồng hành thiêng liêng vững chắc hoặc những người bạn tâm giao, tri kỷ. Người hướng dẫn tuyệt vời là người sẵn sàng hiện diện trong thinh lặng và thanh thản trước những điều không biết. Trong việc hướng dẫn thiêng liêng, Chúa Thánh Thần đóng vai trò chủ động và là nguồn mạch của mọi sự hiểu biết, niềm an ủi.

Người thanh niên trong câu chuyện thiền trên đây và câu chuyện của ông Gióp trong Thánh Kinh đã minh họa cách rõ ràng rằng, chúng ta không thể tìm thấy sự thật nếu không có sự tìm kiếm ý nghĩa, ý thức về sự mỏng manh và giới hạn của con người, các mối tương quan với những người bạn đồng hành thiêng liêng, và sự mở lòng đón nhận sự mặc khải mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa, nơi Người mọi câu hỏi đều được trả lời cách thỏa đáng.

HÃY BẮT ĐẦU BẰNG MỘT CÂU HỎI

Chàng thanh niên trẻ trong câu chuyện Thiền trên đây đã đi tìm vị thiền sư vì anh có một câu hỏi. Thực ra, toàn bộ cuộc sống của anh thanh niên là một câu hỏi khẩn thiết và mãnh liệt đến nỗi anh đã nài nỉ vị thiền sư: “Thưa ngài, xin ngài làm sư phụ của con.” Thầy giáo chỉ có thể dạy khi có những học sinh muốn học. Vị linh hướng chỉ có thể linh hướng khi người thụ hướng đến với mình với một câu hỏi. Nếu không có câu hỏi thì câu trả lời cũng chỉ là những giải quyết mang tính áp đặt, điều khiển hoặc truyền lệnh. Nếu không có sự khắc khoải, giằng co, thì việc giúp đỡ cũng chỉ dừng lại ở sự can thiệp, và nếu học trò không muốn học thì việc giảng dạy của giáo viên sẽ dễ trở thành một sự áp chế.

Sống những câu hỏi là đi ngược với khuynh hướng mục vụ Kitô giáo: luôn muốn truyền đạt đủ lượng kiến thức để giúp người nghe có thể hiểu thấu và có thể giải đáp được mọi vấn đề, biết cách sử dụng khả năng để điều hành và dùng quyền lực để thống trị. Ngược lại, trong việc thực hành lắng nghe thiêng liêng, chúng ta gặp gỡ một vị Thiên Chúa,  Đấng chúng ta hoàn toàn không thể hiểu thấu được, không thể kiểm soát được. Chính lúc đó, chúng ta cũng nhận ra rằng niềm hy vọng, cậy trông của chúng ta không hệ tại ở việc nắm giữ quyền lực nhưng ở việc nhìn nhận những yếu đuối của mình.

Những câu hỏi chính yếu cho việc đồng hành thiêng liêng như: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu và sẽ đi về đâu? Cầu nguyện là gì? Chúa là ai đối với tôi? Chúa nói với tôi bằng cách nào? Tôi thuộc về đâu? Tôi phục vụ bằng cách nào? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời nhưng chúng giúp chúng ta đi sâu hơn vào mầu nhiệm của sự hiện hữu mà không một ngôn từ nào có thể diễn đạt được. Điều cần thiết là khẳng định về sự thiết thực của chúng. Chúng ta cần ý thức về sự tồn tại của các câu hỏi đó và cũng đừng ngần ngại khơi lên những câu hỏi này. Đừng sợ khi phải đối diện với chúng, đừng tìm cách né tránh nhưng sẵn sàng sống những câu hỏi đó. Đừng lo lắng nếu chúng ta không có một câu trả lời cuối cùng nào cho những câu hỏi đó.

Việc hướng dẫn thiêng liêng khẳng định những thắc mắc căn bản về ý nghĩa của cuộc sống. Trong việc hướng dẫn thiêng liêng cần tạo một không gian nơi đó giá trị và hiệu lực của câu hỏi không hệ tại vào câu trả lời nhưng là khả năng mở ra cho những viễn tượng và chân trời mới. Niềm vui, sự cô đơn, nỗi sợ hãi, lo âu, bất an, nghi ngờ, sự thiếu hiểu biết, nhu cầu được ảnh hưởng, được giúp đỡ, được hiểu và niềm khao khát được yêu, được nhìn nhận, tất cả những điều này phải được nhìn nhận như là phần thiết yếu của việc tìm kiếm đời sống nội tâm.

Việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống có thể trở nên căng thẳng và mãnh liệt, bởi sự tìm kiếm đó không dẫn chúng ta đến những câu trả lời sẵn có, nhưng lại là khởi điểm cho những câu hỏi mới. Khi chúng ta ý thức rằng nỗi đau khổ của việc tìm kiếm là một đau khổ cần thiết, chúng ta đón nhận nó như một sự thúc đẩy để chúng ta được lớn lên trong đời sống thiêng liêng, đồng thời giúp chúng ta sống tâm tình tạ ơn về hành trình dài của niềm tin.

CHỨNG TÁ VỀ SỰ MỎNG GIÒN CỦA CON NGƯỜI

Khi chàng sinh viên trẻ trong câu chuyện thiền sư trên đây phàn nàn vị sư phụ của mình về việc ngài không dạy anh một điều gì sau ba năm theo học, sư phụ trả lời: “Chẳng lẽ con không hiểu những gì ta đã dạy con trong mọi giây mọi phút con ở với ta sao?” Câu trả lời của vị thiền sư nêu rõ vai trò của người đồng hành thiêng liêng. Sau những điều đã làm và đã nói, những gì người đồng hành có thể cho chính là con người thực của họ trong tương quan với người khác. Điều quan trọng và có sức biến đổi hơn cả là ảnh hưởng của lòng khiêm nhường, là chứng tá cho sự thật về những giới hạn của phận người.

Một trong những mục tiêu của việc đồng hành thiêng liêng là giúp cho người khác khám phá ra rằng họ cũng có rất nhiều điều để cho, để trao ban. Vì thế, vị linh hướng cần đặt mình ở vị trí của người nhận để nói với người thụ hướng rằng, “Tôi nhận thấy nơi bạn có nhiều điều tôi muốn được đón nhận.” Bằng cách này, người cho nhận ra những khả năng của họ qua ánh mắt của người nhận.

Tuy nhiên, điều chính yếu của việc đồng hành thiêng liêng là giá trị chứng tá, và chứng tá này là một sự công bố về “điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến” (1Ga 1,1).  Chứng tá này chính là hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu, là trở nên một vị “tử đạo” trong ý nghĩa nguyên thủy của từ “chứng tá”. Trở nên chứng tá cũng có nghĩa là trao ban những kinh nghiệm đức tin và chia sẻ cả những nỗi nghi ngờ, niềm hy vọng, thành công cũng như thất bại, nỗi cô đơn cũng như những vết thương của mình cho những ai đang phải chiến đấu với cuộc sống của chính họ và mong mỏi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Thông thường chúng ta thường dùng những mặt nạ của đời sống thiêng liêng, tình cảm và lý trí để che đậy những yếu đuối, giới hạn của mình. Chẳng mấy ai nghĩ rằng chính khi mình chia sẻ những giằng co, sự yếu đuối và những chiến đấu của mình cho người khác lại có thể trở nên một động lực giúp người nghe hiểu và lớn lên trong cuộc sống của họ? Ai lại muốn nhắc đi nhắc lại những yếu đuối và giới hạn, sự nghi ngờ và nỗi bấp bênh của mình? Ai lại muốn thú nhận rằng Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu thấu, và kinh nghiệm của nhân loại là điều không thể giải thích được, và những câu hỏi lớn về cuộc sống không nhằm tìm kiếm câu trả lời nhưng nhắm đến những câu hỏi sâu hơn? Ai lại muốn trở nên yếu đuối, dễ bị tổn thương và nói một cách đầy tự tin rằng, “Tôi không biết!” Để trao ban hay đón nhận sự đồng hành thiêng liêng mời gọi cả hai phía phải can đảm đi vào một sự tìm kiếm chung, đối diện với những đổ vỡ của đời mình để giúp nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và sự hiểu biết.

Đồng hành thiêng liêng có nghĩa là lắng nghe người khác mà không bị một nỗi sợ hãi nào điều khiển mình, đồng thời biết khám phá ra sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa ngay giữa những sóng gió của lịch sử đời mình. Đồng hành thiêng liêng là giúp cho người khác nhận biết rằng những câu hỏi của họ cũng là những câu hỏi của cả nhân loại, sự kiếm tìm của họ cũng là sự kiếm tìm chung của cả nhân loại, và những khắc khoải của họ cũng là những khắc khoải của trái tim con người – và của chính trái tim bạn.

Với những người đang gặp những thử thách lớn lao và những khắc khoải nóng bỏng, tôi cần đến với họ bằng sự cảm thông thương xót và nói với họ rằng: “Bạn tìm câu trả lời về điều mà bạn thực sự không thể thấu hiểu. Tôi cũng chẳng biết và cũng không có câu trả lời nào cho bạn, nhưng tôi sẽ giúp bạn tìm kiếm. Tôi không cho bạn một giải pháp nào cả và cũng không có câu trả lời cuối cùng nào. Tôi cũng yếu đuối và đầy giới hạn như bạn. Tuy nhiên, chúng ta không bước đi một mình. Nơi nào có tình yêu ngự trị, nơi đó có Thiên Chúa hiện diện. Cùng với nhau, chúng ta xây dựng cộng đoàn. Cùng với nhau, chúng ta tiếp tục hành trình tìm kiếm thiêng liêng.”

HÃY HỎI VÀ SỐNG NHỮNG CÂU HỎI

Như người đệ tử thiền tông đang lần mò đi tìm ý nghĩa những lời của sư phụ, thì vị sư phụ đột nhiên hét vào tai người đệ tử: “Khi con thấy, con thấy cách trực tiếp.” Ngay lúc ấy, người đệ tử trẻ được giác ngộ. Điều này dẫn chúng ta đến khía cạnh thứ ba của việc sống những câu hỏi, hay nói cách khác: sống những điều mình khắc khoải cho đến khi Thiên Chúa tỏ lộ đủ sự hướng dẫn, đôi khi như một tia sáng, giúp bạn tự tin sống trong giây phút hiện tại.

Để sống những điều bạn khắc khoải hay những câu hỏi bạn đang có, trước tiên, bạn phải nhìn vào tâm hồn của mình, tin tưởng rằng Thiên Chúa đang hiện diện và làm việc trong bạn. Đây là một công việc rất khó khăn bởi vì thế giới mà chúng ta đang sống liên tục kéo chúng ta ra khỏi căn phòng nội tâm của minh và khuyến khích chúng ta đi tìm những câu trả lời ở bên ngoài mình. Điều đó ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn và làm cho bạn nghĩ rằng, nếu bạn cô đơn, bạn hy vọng người khác có thể mang đến cho bạn những câu trả lời thỏa đáng. Bạn muốn họ có mặt ở đây ngay lập tức để giải tỏa nỗi cô đơn đó. Bạn tìm đủ mọi cách để có thể lấp đầy khoảng trống cô đơn trong tâm hồn mình đến nỗi không còn một khe hở nào để bạn có thể đặt câu hỏi, để chờ đợi hay lắng nghe. Tuy nhiên, nếu chúng ta dám đối diện với sự cô đơn nội tâm, dám sống thân mật với sự tĩnh lặng tâm hồn nơi Thiên Chúa hiện diện, chúng ta có thể lắng nghe được tiếng lòng của mình, tâm sự với chính mình trước khi tìm kiếm sự trợ giúp của người khác. Điều này không phải là quy ngã, tập trung về mình hay một cái nhìn lệch lạc, nhưng là điều mà ông Rainer Maria Rilke đã khuyên những nhà thơ trẻ rằng, “Những gì đang diễn ra trong sâu thẳm tâm hồn là những điều bạn cần quan tâm hơn cả và hãy xây dựng đời mình trên những điều xuất phát tự đáy lòng mình, những điều bạn yêu thích với trọn trái tim.”[2] 

Thông thường, chúng ta tìm kiếm những câu trả lời bằng cách đi hỏi từ người này qua người khác, từ nhà này qua nhà nọ, từ chỗ này qua chỗ kia, từ giáo xứ này qua giáo xứ nọ, mà chẳng mấy khi chúng ta quan tâm đến việc chăm chú lắng nghe và bén nhạy với những câu hỏi phát xuất từ nội tâm của chúng ta. Rilke một lần nữa nhắc lại cho các nhà thơ trẻ: “Tôi tha thiết xin anh … hãy kiên nhẫn với mọi điều còn chưa được giải đáp trong trái tim anh, và hãy thử yêu lấy chính những câu hỏi, … Bây giờ anh đừng truy tìm những lời giải đáp mà anh không thể tìm được, vì đàng nào anh cũng không thể sống chúng. Mà vấn đề quan trọng là sống tất cả. Vậy giờ đây anh hãy sống những câu hỏi. Có thể dần dần đến một ngày nào đó, anh sẽ đi vào câu trả lời lúc nào chẳng hay. … hãy tin tưởng chấp nhận cái sẽ đến, ngay cả khi nó chỉ xuất phát từ ý chí, từ một thúc bách nào đó trong tâm hồn anh, thì cũng xin anh chấp nhận và đừng ghét bỏ gì hết.”[3]

Khi Chúa đi vào trung tâm của cuộc sống chúng ta để lột bỏ chiếc mặt nạ của sự ảo tưởng về việc chúng ta muốn nắm được giải pháp cuối cùng và trang bị cho chúng ta bằng những câu hỏi sâu xa hơn, khi đó không hẳn cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hoặc đơn giản hơn, nhưng chắc chắn đó là một cuộc sống trung thực, can đảm, và đánh dấu bởi việc không ngừng tìm kiếm sự thật. Đôi khi, ngay khi chúng ta sống những câu hỏi, lại là lúc chúng ta tìm thấy câu trả lời. Thông thường, những câu hỏi và vấn đề của chúng ta được trải nghiệm, được lớn lên và giải mã chính trong sự cô tịch của tâm hồn.

Tìm kiếm sự đồng hành và giúp đỡ không nhất thiết là tìm được một giải pháp dễ dàng hoặc một câu trả lời cho việc tìm kiếm bên trong về ý nghĩa cuộc đời. Bất cứ một vị linh hướng hay vị hướng dẫn thiêng liêng nào cũng chỉ đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu một cảnh quan hoặc đôi khi là một mũi tên nhắm vào những điểm xa hơn. Như vị thiền sư trong câu chuyện trên đây, vị linh hướng không phải là người tạo ra sự giác ngộ nhưng là giúp cho người thụ hướng tỉnh thức để nhận ra ánh sáng của Chúa như một món quà Chúa ban tặng cho mình.

Lời mời gọi cao quý nhất của một vì linh hướng là khai mở những cánh cửa giúp cho người thụ hướng được tăng trưởng về đời sống nội tâm, đồng thời khơi lên những tia sáng trong nguồn ánh sáng nhiệm mầu được ẩn đằng sau tấm màn cuộc đời. Vị linh hướng cũng được mời gọi để phản chiếu về một Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi sự hiểu biết và là nguồn ban phát sự sống. Đón nhận sự đồng hành thiêng liêng là nhận ra rằng Thiên Chúa không giải quyết mọi vấn đề của chúng ta, Ngài cũng không trả lời hết mọi câu hỏi của chúng ta, nhưng Ngài sẽ dẫn chúng ta đến gần hơn với mầu nhiệm của sự hiện hữu nơi mà tất cả mọi câu hỏi sẽ được giải đáp một cách thỏa đáng.

NHỮNG THỰC HÀNH CHO VIỆC ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG

Hãy tìm một không gian yên tĩnh và thời gian thích hợp cho việc cầu nguyện.

Trong khi sống sự tĩnh lặng và cô tịch, hãy đọc cách chậm rãi ba chương đầu của sách Gióp. Dừng lại để suy nghĩ và cầu nguyện trên những lời của ông Gióp và các bạn của ông, và trên những câu hay những chữ nào bạn cảm thấy được đánh động. Hãy để cho những suy nghĩ của bạn di chuyển từ cái đầu đến con tim của bạn và hãy lắng nghe những lời đó.

Hãy liệt kê danh sách những người bạn bên cạnh bạn. Trong số những người đó, có người bạn nào sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe bạn chia sẻ về những câu hỏi hoặc những băn khoăn trăn trở của bạn về cuộc sống, hoặc đơn giản chỉ là hiện diện ở đó với bạn không? Nếu có, hãy vun trồng tình bạn đó. Nếu không, hãy bắt đầu cầu nguyện để xin Chúa ban cho mình một người bạn tri kỉ, một vị hướng dẫn thiêng liêng, hay một nhóm nhỏ nào đó.

Hãy viết câu hỏi của bạn vào sổ để sau này bạn có thể suy niệm lại và hãy chia sẻ với vị linh hướng hoặc với nhóm cầu nguyện của bạn. Việc viết nhật ký về những cảm nghiệm thiêng liêng sẽ là một thực hành rất hữu ích cho việc phân định, giúp bạn lớn lên rất nhiều về đời sống nội tâm.

Một trong những kỷ luật về đời sống thiêng liêng là viết nhật ký về những cảm nghiệm thiêng liêng được gợi hứng từ bài Tin Mừng bạn đang đọc, hoặc trong giờ cầu nguyện, kinh nghiệm của bạn với một vị linh hướng, với nhóm cầu nguyện, hoặc tất cả những gì Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của bạn.

Mục đích của việc viết và suy niệm trên những trang nhật ký là để giúp bạn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng chứ không phải là một công việc hay bổn phận bạn phải làm. Theo thời gian, sự trung thành với việc viết nhật ký trở thành một kỷ luật thường xuyên cho việc huấn luyện thiêng liêng.

Trung thành với việc viết nhật ký là một phần trong tiến trình hỏi những câu hỏi sâu hơn trong đời sống thiêng liêng, là cách để bạn ghi lại những điều bạn nghĩ về những gì bạn quan sát, những điều bạn trình bày, những ý tưởng và lời rao giảng về những gì mà bạn tin là ở trong khung cảnh của việc cầu nguyện và lắng nghe.

Việc viết nhật ký được trợ giúp bằng những phản hồi từ người khác. Trong việc kiếm tìm một đời sống thiêng liêng đích thực, tôi mời bạn hãy chọn ít là hai người để đọc những đoạn nhật ký của bạn và cho bạn những lời khuyên cũng như lời bình luận liên quan đến việc huấn luyện thiêng liêng

Gợi ý suy niệm

Nhận diện và nêu tên một câu hỏi thường xuyên cật vấn bạn trong thời điểm này. 

Hãy nhớ lại một thời điểm nào đó khi người khác tìm cách gạt bỏ hoặc trả lời một cách chắc chắn cho nỗi khắc khoải không nguôi của bạn về ý nghĩa cuộc sống cũng như của đau khổ.

Những câu trả lời đó có ảnh hưởng như thế nào trên cuộc đời bạn?

Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà

Nguồn:“Spiritual Direction: Wisdom for the Long Walk of Faith.” By Henri Nouwen with Michael J. Christensen and Rebecca J. Laird. Pp. 3-13.

[1] “Living the Questions: The Spirituality of the Religion Teacher” (Union Seminary Quarterly Review, Fall 1976).

[2] Rainer Maria Rilke, Letters to a Young Poet, translated by M.D. Herter (Norton, 1954), pp. 46-47.

[3] Ibid., pp. 34-35