Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

TINH THẦN GIÁNG SINH

Có một sự thật minh nhiên tồn tại mà ai cũng đồng ý sử dụng – và vui mừng lắm, kể cả những người hiên ngang vỗ ngực xưng danh là “vô thần”. Đó là điều gì?

Trong khoảng thời gian này, cả thế giới đang nô nức chờ đón mừng Lễ Giáng Sinh. Ai giáng sinh? Chúa Giêsu giáng sinh. Chúa Giêsu là ai? Là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng tạo thành mọi sự – hữu hình và vô hình.

I. TÂM TÌNH GIÁNG SINH

Ngày Chúa Giêsu giáng sinh được người ta gọi theo Anh ngữ là CHRISTMAS. Chữ Christmas tạo thành bởi chữ CHRIST (Đức Kitô) và tiếp vĩ ngữ MAS (lễ). Do đó, Christmas nghĩa là Lễ Giáng Sinh (mặc nhiên hiểu là Chúa Giêsu giáng sinh). Tương tự, chúng ta cũng có Candlemas– tức là Lễ Nến (Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu, sau Lễ Giáng Sinh 40 ngày).

Người ta dùng “mốc” Chúa Giêsu giáng sinh để tạo nên công lịch (dương lịch). Và rồi cả thế giới cũng đồng ý sử dụng vì thấy chuẩn lý. Không chỉ vậy, người ta còn gọi Năm Dương Lịch là “Year of our Lord”, nghĩa là “Năm của Chúa” (sát nghĩa là “Chúa của chúng ta”). Thật là kỳ diệu quá chừng!

Từ cổ chí kim, trên thế giới này có vị lãnh đạo nào hoặc vị lập đạo nào được cả thế giới đón nhận minh nhiên như vậy? Chắc chắn là KHÔNG. Tạ ơn Chúa và thật hãnh diện được nhận ra Chúa Giêsu là Ánh Sáng của Thiên Chúa và Ánh Sáng soi chiếu thế gian.

Thời nào cũng thế, người ta tìm mọi cách bách hại Giáo hội của Đức Kitô, họ muốn chối bỏ vì cảm thấy mình yếu thế, yếu bóng vía, sợ người khác giỏi hơn mình, giống như Hêrôđê sợ hãi mà hóa hèn nhát, thế nên đã lệnh cho quân lính sát hại tất cả trẻ em từ hai tuổi trở xuống. (Mt 2:16) Thật tồi tệ! Thế nhưng ác nhân cũng chẳng làm gì được Thiên Chúa, vì Ngài còn tạo dựng nên họ kia mà!

Người ta có câu: “Dù bạn có cố gắng khoác bộ lông sặc sỡ lên con chim Trĩ thì nó cũng không thể biến thành con Công.” Cái gì tốt hay xấu, đúng hay sai, chẳng chóng thì chày, rồi người ta sẽ nhận ra và ủng hộ sự thật. Cái gì xấu xa và sai lạc thì rồi người ta cũng đào thải, có biện hộ hoặc che phủ lớp áo hào nhoáng thế nào cũng không thể lừa được người ta mãi. Đúng như người ta ví von: “Trời có mắt.”

Con người chẳng là gì trước các dạng tai họa, vậy mà vẫn kiêu ngạo. Thiên Chúa toàn năng mà sao lại muốn loại bỏ Ngài? Hãy trả lời câu hỏi này: “Nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời thì sao lại không sớm nhận ra Đấng Chủ Tể của những sự vật đó?” (Kn 13:9) Càng hiểu biết nhiều thì người ta càng nhận ra Thiên Chúa trong mọi sự. Đừng “giả mù sa mưa” hoặc “cố chấp”. Nếu cứng lòng thì khốn thay!

Kinh Thánh nói: “PHÚC THAY KẺ ĐẶT NIỀM TIN VÀO ĐỨC CHÚA, và CÓ ĐỨC CHÚA LÀM CHỖ NƯƠNG THÂN.” (Gr 17:7) Người ta nói: “THIÊN VÕNG KHÔI KHÔI, SƠ NHI BẤT LẬU – LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG, KHÔNG AI THOÁT ĐƯỢC.”

EMMANUEL – IMMANUEL – IMANU’EL (עִמָּנוּאֵל) – ĐẤNG THIÊN-CHÚA-Ở-CÙNG-CHÚNG-TA. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao của nhân loại. Và người ta vui mừng chúc nhau: NOËL JOYEUX – MERRY CHRISTMAS – GIÁNG SINH AN LÀNH.

II. S THT MINH NHIÊN

Giáng Sinh về, vui mừng tưng bừng! Nhưng có thể vẫn có điều khiến bạn quan ngại là sống đúng tinh thần Giáng Sinh với 3 K. Đó là: Khiêm hạ, Khó nghèo, Kính mến.

Hang đá cho thấy một gia đình đúng nghĩa: Cha, Mẹ và Con. Nhiều người trong chúng ta không có một gia đình đúng nghĩa, có thể chỉ còn mẹ, chỉ còn cha, hoặc không còn cha mẹ. Chắc chắn họ sẽ cảm thấy mủi lòng khi ngắm nhìn hang đá trong đêm Giáng Sinh.

Giáng Sinh là dịp người ta gởi thiệp cho nhau, chúc nhau hạnh phúc và thánh đức. Đó cũng là một cách Phúc Âm hóa lẫn nhau, truyền giáo cho những người trong gia đình mình, thậm chí là truyền giáo cho chính mình. Có nhiều cách truyền giáo, cách cũ sẽ không thích hợp với thời đại mới, vì thế mà Giáo hội kêu gọi Tân Phúc Âm hóa, Truyền giáo theo cách mới.

Thiết tưởng đây là vài cách đơn giản…

1. TNG PHM THC T

Cách truyền giáo đích thực là bắt đầu bằng tình yêu thương và lòng tin tưởng trong các mối quan hệ. Đối với Lễ Giáng Sinh, hãy dành cho người khác những món quà thực tế, đơn giản chứ không cần cầu kỳ: Uống cà-phê, ăn khuya sau lễ đêm Giáng Sinh (gọi là Réveillons, nghĩa là “canh thức”), ăn cơm trưa ngày lễ Giáng Sinh, mời nhau chiếc bánh, dĩa xôi,… Đó là sống kính mến (yêu thương – mến Chúa và yêu người).

Cố gắng tạo mối liên kết tốt hơn trong các mối quan hệ. Nếu có khủng hoảng, hãy loại bỏ càng sớm càng tốt, lễ Giáng Sinh là dịp thuận tiện để tái lập “sự bình thường hóa”. Khi nào mối quan hệ đời thường phát triển tốt đẹp thì niềm tin tôn giáo dễ phát triển.

2. QUYT KHÔNG TRANH CÃI

Nếu bạn thấy mình đang có “rắc rối” với gia đình về vấn đề gì đó, hãy cố gắng cởi mở giao hòa trước. Đó là khiêm hạ và cũng là sống phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã từng bị đánh đập tệ hại, dở sống dở chết, thế nhưng thánh nhân vẫn chịu đựng và tha thứ. Giáng Sinh là Mùa Giao Hòa, chắc chắn không thể có những cuộc tranh cãi hoặc chia rẽ.

3. NOI GƯƠNG THÁNH GIA

Đối với những người nặng gánh gia đình, hãy ngắm nhìn Thánh Gia để được an ủi, vì khó nghèo là một nhân đức được Thiên Chúa đề cao. Khó nghèo chứ đừng khó mà nghèo! Giữa đêm tối tăm, giá lạnh, không chỗ trú đêm, phải vào hang lừa nghỉ qua đêm, thật là gian truân biết bao! Thế mà Đức Maria và Đức Giuse vẫn bằng lòng chấp nhận mọi gian khó vì Chúa.

4.  CHIA S NIM VUI

Không gì thu hút hơn một người sống vui vẻ, thể hiện qua nét mặt, nụ cười, lời nói,… Thấy người là thấy cười, ai lại không thích? Thấy người là thấy cằn nhằn, ai lại không chán? Kitô hữu là người “có Chúa”, thế thì phải giống Chúa là thân thiện với mọi người, đặc biệt là gần gũi những con người bé nhỏ, nghèo khổ, bị ruồng bỏ,…

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin biến đổi chúng con càng ngày càng nên giống Ngài về mọi phương diện, nhất là trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen.

TRẦM THIÊN THU