Nếu bạn có thể làm điều gì đó để giảm đi nỗi đau của người khác, để người khác bớt phải chịu đựng đi một chút, hãy làm. Đừng đợi đến một ngày nào đó xa vời. Hãy để ngày đó chính là hôm nay.
Một hôm, sau ca làm thêm, tôi quyết định tự thưởng cho mình bằng cách mua một chiếc pizza ở trung tâm thương mại làm bữa tối. Khi chuẩn bị ra về, tôi chợt nhìn thấy một cô gái ngồi dựa vào cái cột ở gần cửa bên ngoài trung tâm, mái tóc cô rối bù và lòa xòa che hết cả khuôn mặt; vóc dáng cô thì gầy gò, yếu ớt hơn cả một bà cụ.
Tôi quyết định đi qua cô ấy, bởi vì đó là điều mà hầu hết mọi người trong xã hội đều làm – chúng tôi đi ngang qua những người mà mình không quen biết, đặc biệt là những người vô gia cư. Như thế sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi. Họ chỉ là một vài khuôn mặt trong đám đông, những khuôn mặt vô danh.
Nhưng không hiểu có điều gì đó khiến tôi quay lại. Tôi ngồi xuống bên cạnh, hỏi tên cô ấy, hỏi tại sao cô ấy phải đi ăn xin và sống lang thang như vậy. Hóa ra, bố mẹ cô ấy qua đời từ nhiều năm trước và cô ấy bị bệnh Lupus (bệnh ban đỏ hệ thống). Cô ấy không có việc làm, thực ra là không thể làm việc do khuyết tật của mình, và hàng ngày, cô sống ở bất kỳ nơi nào có thể trú chân. Cô ấy 22 tuổi. Cô ấy từng ở trong nhà tạm, nhưng ở đó, cô ấy bị lạm dụng. Thỉnh thoảng, cô ấy trú tạm trong trung tâm thương mại vào những ngày quá lạnh, nhưng đây cũng không phải là nơi dành cho cô bởi vì một số nhân viên bảo vệ khó tính sẽ bắt cô tránh thật xa.
Tôi là một trong những người từng tin rằng xã hội có một hệ thống hoàn chỉnh để hỗ trợ những người gặp khó khăn. Một cách lý tưởng, tôi muốn tin như thế. Bởi như vậy, tôi sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Nói cho cùng, tôi cũng có những lo lắng riêng của mình cơ mà. Tôi từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ giúp đỡ họ. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Có thể một ngày nào đó hệ thống hỗ trợ xã hội sẽ giúp đỡ họ. Nhưng khi tôi gặp cô gái ấy, tôi tự nhủ: sẽ thế nào nếu ai cũng nghĩ như tôi? Sẽ thế nào nếu không ai giúp cô ấy cả? Sẽ thế nào nếu hệ thống gì đó của xã hội lại không biết đến sự có mặt của những người như cô ấy? Sẽ thế nào nếu tôi không bao giờ kiếm được rất nhiều tiền để có thể giúp người khác? Sẽ thế nào nếu cô ấy còn chẳng tồn tại đủ lâu để nhìn thấy “một ngày nào đó” ấy?
Nên tôi gạt hết những suy nghĩ đầy lý trí như là “mình có thể giúp cô ấy được một lần này, còn ngày mai thì sao, cũng chẳng ăn thua gì cả”. Tôi chẳng quan tâm đến việc ngày mai thì sẽ thế nào. Tôi đưa cho cô ấy một nửa chiếc pizza và toàn bộ số tiền tôi đang có trong túi. Khi một nhân viên bảo vệ đến, tôi đề nghị anh ấy gọi điện cho một trung tâm bảo trợ xã hội – và anh ấy đã làm theo, để nhờ ai đó đến đón cô ấy về trung tâm, thay vì chỉ đuổi cô ấy đi như mọi khi.
Tôi chia sẻ lại câu chuyện này không phải để mình làm tấm gương. Tôi chỉ muốn nói rằng, chúng ta đừng đợi đến “một ngày nào đó” để giúp đỡ người khác. Bây giờ chính là “một ngày nào đó” đấy. Không phải ngày mai, không phải tuần sau, không phải năm sau. Bởi vì, những món đồ vật chất mà bạn có thể rất coi trọng cũng không thể tồn tại mãi mãi và đem lại cho bạn hạnh phúc lâu dài (cho dù đôi khi bạn có thể nghĩ như thế). Chỉ khi bạn nghĩ ra bên ngoài bản thân mình và giúp đỡ người khác, thì hạnh phúc của bạn mới lâu dài và lan tỏa. Vì vậy, nếu bạn có thể làm điều gì đó để giảm đi nỗi đau của người khác, để người khác bớt phải chịu đựng đi một chút, hãy làm. Đừng đợi đến một ngày nào đó xa vời. Hãy để ngày đó chính là hôm nay.
Sưu tầm