Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Tìm Hiểu Thêm Về Kinh Lạy Cha (Mt 6,9-13)

Vài hàng dẫn nhập:
Sách Giáo Lý khẳng định: ”Kinh của Chúa (*) chính là Bản Tóm Lược Phúc Âm.” Thánh Tôma Aquinô gọi Kinh Lạy Cha là Lời Cầu Nguyện tuyệt hảo. Được xếp vào trọng tâm Bài Giảng trên núi (Math. 5,7), và dưới hình thức lời nguyện, Kinh Lạy Cha diễn tả lại nội dung cốt yếu của Phúc Âm. Kinh gồm có bảy phần: ba lời đầu đặc biệt dành cho Thiên Chúa (theologal). Nhưng, trước khi đọc ba lời nguyện ấy, Kitô hữu phải thưa với Chúa lời nầy: ”Lạy Cha chúng con ở trên Trời.” Sau ba lời nguyện là bốn điều cầu xin, tức là bày tỏ với Cha Nhân Từ nỗi thống khổ và lòng trông chờ của chúng ta.

Theo tinh thần vừa nêu, nhắm tìm hiểu thêm về ý nghĩa tuyệt vời của Kinh mà Chúa Giêsu đã dạy, trước hết, tôi xin mạo muội viết về lời thưa với Chúa: ”LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI.” Đồng thời, tôi cũng viết về chữ ”cha” mà Chúa Giêsu đã dùng để khai tâm cho thành phần Do-thái muốn giết Ngài. (Trong bảy bài sau này, tôi sẽ lần lược viết thêm về bảy phần của Kinh Lạy Cha.)

A. Chữ LẠY
Chữ nầy biểu hiện nét văn hóa đặc thù của người Việt. Ví dụ: ”Lạy Trời mưa xuống…; Lạy cha, lạy mẹ, con đi; Lạy ông đi qua, lạy bà đi lại; Tao lạy mầy! Mầy đừng làm chuyện thất đức đó, mầy ơi! Con kính lạy Cha; Kính lạy Mẹ Maria; Con thờ lạy Chúa đang ngự trong lòng con….”

Như vậy, từ LẠY có nghĩa khác nhau tùy đối tượng của nó. Ai dè tâm tình ”Lạy Trời” của người Việt lại trùng hợp trong chừng mực nào đó với Kinh Thánh (Philip 2,10) như sau: ”ngõ hầu, trước Danh Hiệu Giêsu, tất cả trên trời, ở địa cầu và dưới gầm đất đều phải quì gối bái LẠY… – that, at the Name of Jesus, every knee should bow in heaven and on earth, and under the earth…”

B. Chữ CHA
Chữ CHA trong Kinh Lạy CHA dùng để kính chào THIÊN PHỤ và tôn thờ Ngài! Sách Giáo Lý số 239 cũng khẳng định: ”Không ai là CHA như Thiên Chúa!”

1. CHA là Thiên Chúa trong Cựu Ước
Thiên Chúa đã mạc khải Danh Xưng của Ngài là CHA nhân hậu trong Cựu Ước như sau: ” Ta sẽ ban cho con một miền đất ân sủng làm gia nghiệp rạng rỡ giữa các dân tộc… Con sẽ gọi Ta là CHA và con sẽ không quay mặt xa Ta nữa.” (Giêrêmia 3, 19) ”Ngài sẽ cầu với Ta: “Ngài là CHA, là Thiên Chúa, là núi đá cứu độ cho con!” (TV 89, 27)

2. CHA là Thiên Chúa trong Tân Ước
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhiều lần với CHA của Ngài, chẳng hạn nơi Vườn Cây Dầu hay trên Thập Giá. Ngoài ra, thiết tưởng cần nêu thêm lời dạy của Thánh Phaolô về ý nghĩa của chữ CHA trong Thư của Thánh Nhân như sau: ”Nhưng anh em đã nhận lãnh Thần Khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó, chúng ta kêu lên: ABBA, lạy CHA!” (Roma 8,15)

3. Chữ CON tự nó diễn nghĩa rằng người con đương nhiên có CHA

a. Trong Cựu Ước
Thiên Chúa dạy ông Maisen nói với Pharaon, vua Ai-cập: ”Thiên Chúa phán: Con đầu lòng của Ta là Israel. Ta đã phán với ngươi: Hãy thả con Ta ra để nó đi thờ phượng Ta.” (XH 4, 22-23)

b. Trong Tân Ước
Tin Mừng theo Thánh Mathêô 2, 14-15 ghi: ”Thế là Giuse trỗi dậy trong đêm, đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai-cập. Ông ở lại đó đến mãn đời Hêrôđê ngõ hầu ứng nghiệm điều Chúa đã phán qua ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.” (xem thêm Hôsê 11,1) “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng lời Ngài.” (Marcô 9,7) ”Hãy xem tình yêu, mà CHA tặng chúng ta, lớn biết bao: Chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa.” (1Gioan 3, 1-2) ”Vì chưng tất cả những ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn dắt thì họ là con cái Thiên Chúa…” (Roma 8, 14) ”Cho nên bạn không còn là nô lệ, mà là con; nhưng là con thì bạn cũng là người thừa tự qua Thiên Chúa.” (Galat 4,7)

C. Phạm trù ”cha” mà Chúa Giêsu đề cập đến
Thánh Gioan ghi lại Lời Chúa nói với người muốn giết NGÀI về ”cha” khác nhau như sau: ”Họ trả lời Ngài: “CHA chúng tôi là Abraham!” Chúa Giêsu nói với họ: “Nếu các người là con cái của Abraham, ắt các người đã xử sự như Abraham. Nhưng nay, các người muốn giết Ta là người đã công bố sự thật cho các người, sự thật mà Ta đã nghe tự Thiên Chúa. Abraham đã không xử sự như thế! Các người đang thực hiện công việc của CHA các người!” Họ bèn phản đối Ngài: “Chúng tôi không phải là con hoang! Chúng tôi chỉ có một CHA là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói với họ: “Nếu như Thiên Chúa là CHA các người, các người hẳn yêu mến Ta; vì Ta tự Thiên Chúa mà phát xuất và đến. Ta không đến nhân danh riêng Ta, nhưng chính NGÀI đã gởi Ta đến. Tại sao các người không hiểu điều Ta nói? Vì các người không có khả năng nghe lời Ta. Các người có CHA LÀ QUỶ, cho nên các người muốn làm theo nguyện vọng của CHA CÁC NGƯỜI. Ban đầu, NÓ là kẻ sát nhân nên NÓ không đứng vững trong sự thật vì không có sự thật trong NÓ. Khi nói láo, NÓ nói điều tự chính NÓ mà ra; vì NÓ là tên nói láo nên NÓ là CHA CỦA SỰ LÁO KHOÉT.” (Tạm dịch theo Bản thống nhất của Công Giáo và Tin Lành Đức.)

D. Trả lời cho người thắc mắc về ý nghĩa của câu ”Lạy Cha chúng con ở trên Trời.”
Có người nói thế nầy: ”Cha Thánh của Dòng nào đó đã lên Thiên Đàng. Vậy, Nhà Dòng thưa với Cha Thánh của mình bằng câu ấy được không?” Tôi trả lời: Thì Nhà Dòng cứ nêu quý danh Thánh Nhân của mình trong câu ấy. Còn câu mà Chúa Giêsu dạy thì chỉ dùng cho Thiên Chúa Cha của Ngài và của chúng ta mà thôi vì chữ Father được viết hoa. Vả lại, trong bốn câu đầu (5-8) trước Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã nói về Thiên Chúa Cha. Xin lưu ý thêm rằng các Cụ người mình ngày xưa giỏi nhiều thứ tiếng, nhất là La-Hy nên đã dịch thật hay, không chê chỗ nào được. Để chứng minh lý do các Cụ dịch câu đầu sang tiếng Việt thật ngắn gọn, tôi xin phân tích văn phạm trong câu tiếng Anh (vì nó thông dụng) và trích câu bằng tiếng Đức, La-Hy, rồi đối chiếu với câu tiếng Việt như sau:

1. Tiếng Anh:
”Our Father who are in heaven” là mệnh đề độc lập. Tuy nhiên, ”who are in heaven” còn được gọi là mệnh đề liên kết, làm bổ ngữ cho ”Our Father” (That is an independent clause. But ”who are in heaven” is also a relative clause, modifying/modifier of ”Our Father”.)

Chữ ”Father” được xác định bởi từ ”Our: của chúng con”. Vì thế, theo văn phạm, phải có dấu phẩy sau chữ ”Father”!Nhưng, ngược lại, sau chữ ấy, không có dấu phẩy vì lý do sau đây:

a. ”Father” viết hoa là Thiên Chúa CHA trên trời, khác với cha ruột thịt, cha Abraham hay cha Satan. Đành rành như thế, nhưng không có dấu phẩy để nhấn mạnh thêm đó là Cha nào!!! Ví dụ khác: ”He is a friend of my brother who is a doctor.” có nghĩa: Ông ta là bạn của anh tôi làm nghề bác sĩ; còn anh kia (hay các anh khác) thì ông ta không quen biết. Ngoài ra, nhờ không có dấu phẩy, mệnh đề ”who are in heaven” còn được gọi là mệnh đề định nghĩa (defining clause), khác với mệnh đề không định nghĩa (non-defining clause) có dấu phẩy trước nó!

b. Nếu thêm dấu phẩy sau chữ ”brother” thì ý không được nhấn mạnh như trong câu vừa nêu. Cho nên, hầu hết các bản tiếng Anh không có dấu phẩy sau chữ FATHER! Do không có dấu phẩy sau chữ ”Our Father”, nhiều dịch giả mới dám diễn giải hay dịch như thế nầy:

Our heavenly Father hay Our Father in heaven! Chữ ”heavenly” là tính từ (adjective); còn ”in heaven” là ngữ tính từ (adjective phrase). Và ”who are in heaven” còn được gọi là mệnh đề tính từ (adjective clause). Như vậy, cả ba cách: tính từ, ngữ tính từ và mệnh đề tính từ đều có chung nhiệm vụ (function) là bổ nghĩa cho ”Our Father” (modifying, modifiers of ”Our Father”).

2. Tiếng Đức:
Vater unser im Himmel: Người Đức không dịch thành ”Unser Vater”, mà ”Vater unser” để cách thưa với Cha giống như trong tiếng La-tinh: Pater noster! Còn ”im Himmel” cũng là ngữ tính từ, bổ ngữ (Attribut) cho ”Vater unser”. Nếu viết về Cha trên Trời, người Đức có thể dùng tính từ như sau: Unser himmlicher Vater. Người Pháp cũng viết: Notre Père céleste/aux cieux!

3. Tiếng La-Hy:
Trong Sách Giáo Lý và ở nơi khác, đương kim Giáo Hoàng không ghi dấu phẩy ở sau chữ ”Pater noster” như sau: ”Pater noster qui es in caelis,”! Tiếng Hy-lạp: Πάτερ ἡμῶν ὁ ἐν τοῖσ οὐρανοῖσ,…

4. Tiếng Việt:
Văn phạm của các tiếng vừa nêu đã giúp tôi tâm đắc cách dịch tuyệt vời của các Cụ Nhà Mình ngày xưa: ”Lạy Cha chúng con ở trên Trời.”! Các Cụ không dịch đại từ QUI thành ”ĐẤNG”, cũng chẳng dịch động từ ngôi thứ hai là ES thành ”NGỰ” (regnas)! Lý do là các Cụ dùng nhóm từ Ở TRÊN TRỜI như là bổ ngữ của chữ CHA CHÚNG CON. Vả lại, Ở TRÊN là giới từ như TRÊN! Cho nên, có thể viết: Lạy Cha chúng con TRÊN Trời (không có chữ Ở) thì vẫn cùng một nghĩa!

E. Lời kết
Chữ TRỜI là từ cuối trong câu thưa với CHA (trên) Thiên Đàng. Đó là NƠI không nằm nơi nào trong Vũ Trụ do CHA dựng nên bằng LỜI là CON ở trong Ngài, cũng là Thiên Chúa! Thiên Chúa là Tác Giả của thời gian và không gian. Cho nên Ngài là Đấng phi thời gian và không gian!!!
* * *
Ghi chú:
* Kinh của Chúa: The Lord’s Prayer; L’Oraison Dominicale; Das Gebet des Herrn. Đức Quốc, 18.8.2011

Nguồn: http://www.daminhvn.net/…/5346-thu-tim-hieu-them-ve-kinh-la…