Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Lo gì, ngày mai ta sẽ lo

Thưa Bạn, nếu có ai hỏi, ngay hôm nay, điều gì làm cho bạn băn khoăn nhất? Vâng, có lẽ, không ít người trong chúng ta sẽ có câu trả lời rằng, đó là vấn đề “kinh tế”, hay nói theo ngôn ngữ bình dân, đó là chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Khi nói đến chuyện cơm áo gạo tiền, nhất là trong tình trạng nền kinh tế xuống dốc như hôm nay, lạm phát, xăng lên giá, thực phẩm lên giá, tiền học phí tăng, tiền thuê nhà tăng, nói chung là nhiều thứ tăng, nhưng thu nhập không tăng, chưa kể nguy cơ nhiều công ty làm ăn thua lỗ dẫn tới tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt v.v… Vâng, có lẽ không ai trong chúng ta lại không mang tâm trạng ưu tư và lo lắng.

Thật ra thì, cuộc sống của mỗi chúng ta trên thế gian này là một chuỗi dài những lo lắng. Ở bất cứ lứa tuổi nào, chúng ta cũng có những nỗi lo lắng riêng của mình. Chỉ có điều chúng ta phản ứng ra sao, chúng ta sẽ sống thế nào khi phải đối diện với những lo lắng ấy?

Nói về sự lo lắng, có một câu chuyện được kể rằng: “Vào một buổi sáng, có môt người đàn ông gặp thần chết xuất hiện trong thành phố của mình. Người đàn ông đó hỏi thần chết: Ngài làm gì trong thành phố của tôi? Thần chết trả lời: Ta sẽ lấy đi mạng sống một trăm người trong ngày hôm nay.

Nghe thế, người đàn ông vội loan báo cho mọi người trong thành phố về kế hoạch mà thần chết sẽ thực hiện. Và quả thật, vào cuối ngày, cả thành phố đều nhuốm màu tang tóc. Người ta cho biết có tới một ngàn người đã chết, chứ không phải một trăm như lời thần chết nói.

Thấy sự việc như thế, người đàn ông đó bèn đi gặp thần chết để hỏi cho ra lẽ. Trả lời cho sự thắc mắc đó, thần chết đáp rằng: Ta vẫn giữ lời đấy chứ. Ta chỉ lấy có một trăm, sự lo lắng đã lấy đi số người còn lại”. (nguồn: internet)

Về sự lo lắng, Dale Carnegie, tác giả cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống”, có nói: “Our fatigue is often caused not by work, but by worry, frustration and resentment – Sự mệt mỏi thường không xuất phát từ công việc, mà từ lo lắng, thất vọng và oán trách”.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã để lại cho nhân loại nhiều lời khuyên chân tình về sự lo lắng. Một trong những lời khuyên đó đã được ghi lại rằng “Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (x.Mt 6, 34).


**
Vâng, lo lắng cho chuyện cơm-áo-gạo-tiền là chuyện phải lo, bởi vì, sống thì phải ăn, và ăn là để sống. Thế nhưng, sống, nói rõ hơn “mạng sống”, là phàm nhân, ai đã có thể giữ được nó?

Chính vì thế, một hôm, khi các môn đệ thắc mắc về chuyện cơm ăn áo mặc, Đức Giê-su đã có một bài dạy dỗ để đời. Hôm đó, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc”. (Mt 6, 25)

Lo gì, ngày mai ta sẽ lo

Thật vậy, lúc khởi nguyên, sau khi sáng tạo trời đất cùng các loài sinh vật cỏ cây. Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người… để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (Stk 2,26).

Và rồi, sau khi Thiên Chúa sáng tạo con người, Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”.

Tiếp đến, Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi”. (Stk 2, 29).

Đúng là, con người chẳng phải “Lo gì… mặc chi… ăn uống chi”. Tiếc rằng, chỉ vì con người quá chú trọng đến của ăn -đã ăn “trái trên cây giữa vườn” – hậu quả là con người đã không giữ được mạng sống của mình.

Bài học đó, có lẽ các môn đệ đã quên chăng? Cho nên, hôm đó, Đức Giê-su đã cảnh báo các ông rằng “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?”

Lấy hình ảnh “chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho” Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng, “Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?”. Lấy hình ảnh “hoa huệ ngoài đồng mọc lên… không làm lụng, không kéo sợi”, đem so sánh với “vinh hoa tột bậc của vua Salomon”, Đức Giê-su kết luận, “cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”.

Khép lại lời khuyên dạy, Đức Giê-su đã tuyên bố một cách mạnh mẽ với các môn đệ, rằng “Hỏi ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Và sau đó, Đức Giê-su dạy rằng: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 31-32)
***
Chúng ta có tin không? Hay chúng ta cho rằng, đó là điều khó tin, không thực tế? Đừng lo lắng ư! Vậy thì cứ nằm đó chờ sung rụng sao đây? Xin thưa, suy nghĩ như thế, là suy nghĩ nông cạn. Đức Giê-su nói “đừng lo lắng” không có nghĩa là Ngài nói “đừng lo liệu”.

Lời Chúa luôn dạy cho con người biết sống khôn ngoan và lo liệu. Sách Châm ngôn dạy rằng: “Hãy đến xem loài kiến sống thế nào và nhờ đó mà trở nên khôn ngoan. Nó chẳng có thủ trưởng, chẳng có giám sát, chẳng có lãnh đạo. Nhưng mùa khô đến, chúng biết tích trữ thức ăn, tới mùa gặt, chúng thu gom lương thực” (Cn 6, -8).

Cũng trong sách Châm ngôn (10, 4), có lời khuyên dạy rằng: “Kẻ biếng nhác phải chịu cảnh nghèo hèn, người siêng năng được giàu sang phú quý”.

CON TIM THIÊN CHÚA LÀ NƠI TRÚ ẨN CỦA TỘI NHÂN

Như vậy, “đừng lo lắng” không có nghĩa là đừng lo liệu tính toán. Đừng lo lắng, theo lời dạy của Đức Giê-su, có nghĩa đừng để nhu cầu vật chất chiếm trọn cuộc sống của chúng ta, đừng để nhu cầu cơm áo gạo tiền là nhu cầu duy nhất trên trần gian này.

Chính vì thế, chúng ta đừng để bị cám dỗ bởi những gì người đời thường suy nghĩ. Đừng nghĩ rằng “có thực mới vực được đạo” mà quên đi lời Đức Giê-su khuyên dạy, rằng: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).
****
Một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta để bao nhiêu tiếng dành cho Thiên Chúa? Bao nhiêu tiếng cho công việc mưu sinh?
Có bao giờ chúng ta bớt chút thời giờ, chiêm ngắm cảnh hoàng hôn, nhìn ngắm những bông huệ ngoài đồng? hoặc những đàn chim sẻ ríu rít, là những tác tạo của Thiên Chúa?

Giữa Thiên Chúa và tiền bạc, đâu là chính yếu đâu là thứ yếu? Chúng ta tìm Chúa “trước hết” hay tìm tiền “trước hết”?

Đừng quên lời Chúa có phán rằng “Người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (x.Mt 4,4)

Cũng đừng quên, dụ ngôn nói về người phú hộ giàu có. Ông ta “ê hề của cải, dư sài nhiều năm.” Ông ta tuyên bố “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã”. Nhưng Chúa phán với ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, Ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ thuộc về ai?”

CON TIM THIÊN CHÚA LÀ NƠI TRÚ ẨN CỦA TỘI NHÂN

Hãy nghĩ xem, nếu đêm nay, thần chết gọi tôi, tôi có thể nói với thần chết rằng, hãy khoan, để tôi kiếm cái ăn, để tôi kiếm cái mặc, để tôi kiếm thêm một ít tiền làm của hồi môn?

Chính vì thế, đừng để cái ăn, cái mặc lệ thuộc quá nặng nề vào đời sống của chúng ta. Lệ thuộc vào nó, chúng ta sẽ lệ thuộc vào tiền bạc. Lệ thuộc vào tiền bạc, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi kiếp nộ lệ cho tiền bạc, nô lệ cho tiền bạc, chính là lúc chúng ta làm tôi cho tiền bạc.

Làm tôi cho tiền bạc… Chúa Giê-su cảnh cáo, rằng “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.

Giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng, nhớ lại những lời khuyên dạy của Đức Giê-su và hãy tự hỏi: Là một Ki-tô hữu, tôi đã thực sự “làm tôi Thiên Chúa”?
Nếu chúng ta không làm tôi hai chủ, và chỉ làm tôi Thiên Chúa, vâng, có như thế, chúng ta mới có thể được Thiên Chúa nhìn nhận là đã “Ký thác đường đời cho (Người)”.

Đừng quên, Lời Chúa có hứa: “Ký thác đường đời cho CHÚA, tin tưởng nơi Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).

Vâng, chúng ta hãy dành thêm một phút hồi tâm, hồi tâm và tự hỏi: tôi đã ký thác đường đời cho Chúa? Nếu đã có… hãy ngước mắt lên trời và cùng nhau cất tiếng hát, hát rằng:

“Cuộc đời bon chen giữa muôn con người,
Cùng nhiều lo lắng, áo cơm bạc tiền.
Này người bạn ơi! Chớ quá buồn lo…
Hãy cứ tin yêu, CHA quan phòng là THIÊN CHÚA…
***
Lo gì, ngày mai ta sẽ lo,
Lo gì, mặc chi, ăn uống chi…
Lo gì, tìm vui công chính Cha. Lo tìm, tìm cho ta nước Cha.”

(Trích nhạc phẩm: Lo gì – tác giả: Đức Dũng)

Petrus.tran