Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Bài giảng

01.21 Thứ Năm tuần 2 Thường niên * Thánh Anê Đồng Trinh Tử Đạo (290-304): Dt 7, 25 – 8, 6; Mc 3, 7-12

Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên:
“Ông là Con Thiên Chúa!”
(Mc 3,11)

BÀI ĐỌC I: Dt 7, 25 – 8, 6“Người chỉ dâng của lễ một lần khi hiến dâng chính Mình”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.

Điểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Đấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa – chứ không phải người phàm – đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: “Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi”. Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.    

Đó là lời Chúa.


“Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người”. (Mc 3,10)

PHÚC ÂM: Mc 3, 7-12 “Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: ‘Ngài là Con Thiên Chúa’, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

Đó là lời Chúa.

https://www.facebook.com/100000177968300/videos/4437532252929330/

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, lòng thương xót của Chúa thật bao la, Chúa cùng các môn đệ muốn lánh đi một chút trước con mắt ngờ vực và âm mưu của nhóm Biệt phái và phe Hêrôđê. Nhưng Chúa không thể cầm lòng được trước cảnh tượng người ta lũ lượt đến với Chúa. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân, nhiều kẻ bị quỷ ám. Chúa đã thương chữa lành tất cả.

Lạy Chúa, xin Chúa tỏ lòng thương xót chúng con. Những người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng Chúa biết chúng con cần đến Chúa. Con xin đặt vào bàn tay Chúa tất cả những yếu đuối, khổ đau và bệnh tật của con, của gia đình con và của toàn nhân loại. Mọi âu lo con xin trao phó cho Chúa. Con biết Chúa vui khi con chân thành và khiêm tốn kêu cầu Chúa. Và con muốn Tin Mừng Chúa lan rộng hơn nữa, để người người mọi nơi đến với Chúa và được ơn cứu độ. Amen.

Lm Phê-rô Maria Bùi Công Minh

THÁNH ANÊ TRINH NỮ, TỬ ĐẠO (290-304)Lễ Nhớ

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Từ thế kỷ thứ IV, thánh Agnès là một trong các vị thánh được tôn kính nhất trong Giáo Hội Rôma. Ngày kỷ niệm được ghi nhận trong lịch Rôma cổ là ngày Chuyển di hài thánh nữ (Depositio martyrum) vào ngày 21.01.354. Nhiều Giáo phụ đã tôn kính nữ thánh : thánh Ambroise đã viết một Hạnh tử đạo về thánh nữ và đã viết một bài thánh thi ca tụng, và còn có các thánh Prudence, Jérôme, Augustin… Tên thánh nữ đã được ghi vào Kinh Nguyện Thánh Thể Rôma cùng với các nữ thánh Agatha, Lucie, Cécile… và trên ngôi mộ của bà, hoàng đế Constantin đã cho xây một đại thánh đường : Sainte-Agnès-hors-les-Murs.

Agnès (tiếng Hy Lạp là Agnè = ”thanh sạch”, tiếng La Tinh là Agnus ”con chiên”) là một thiếu nữ Rôma khoảng 12,13 tuổi dưới thời bách hại của hoàng đế Dioclètien. Nhiều truyền thuyết La Tinh và Hy Lạp diễn tả cuộc khổ nạn của bà. Agnès là Kitô hữu vào thời các môn đệ của Đức Kitô bị bách hại và bị giết. Lúc đó, một số người Kitô hữu chối đạo vì sợ, Bà liền ra trước mặt nhà chức trách Rôma, tuyên xưng vững vàng đức tin của mình và khao khát được tử đạo. Bà đã trả lời với vị thẩm phán nghi ngờ về đức khiết tịnh của Bà : “Tôi đã đính ước với Đấng các Thiên thần phải cung phụng. Tôi giữ niềm tin vào Người và tôi hoàn toàn thuộc về Người”. Bị bắt đem vào một chỗ đồi bại, một ánh sáng từ trời đã bao phủ bà. Bị kết án thiêu sống, các ngọn lửa bao quanh bà, nhưng không đốt nóng. Bà nói với lý hình sắp chặt đầu mình : ”Đừng sợ, hãy mau chặt đầu tôi, để tôi sớm về với Đấng tôi yêu”.

Đại thánh đường thánh Agnès luôn là một nơi hành hương. Ngày lễ kính thánh nữ, người ta sẽ đem hai con chiên đến gần bàn thờ, trước khi dâng cho Đức Giáo Hoàng. Lông của hai con chiên này dùng để dệt các Pallium : một dấu hiệu mà Đức Giáo Hoàng mang và ngài cũng ban cho một số vị xứng đáng trong Hội thánh.

Thánh nữ Agès được tôn kính là thánh quan thầy cho đức trinh khiết. Trong ảnh hình, Bà xuất hiện với con chiên, và đôi khi, với một chim bồ câu, mỏ ngậm một chiếc nhẫn.

2. Thông điệp và tính thời sự

Trong một bài giảng kính thánh nữ Agnès vào năm 376, thánh Ambroise đã nói : ”Các anh chỉ có một nạn nhân, nhưng lại có một cuộc tử đạo hai mặt : sự trinh khiết và đức tin. Bà đã giữ được đức trinh khiết và Bà đã được phúc tử vì đạo”.

a. Sự trinh khiết của thánh Agnès, được nhấn mạnh kỹ lưỡng trong Hạnh tử đạo, cũng được làm nổi bật trong Phụng Vụ. Thánh Ambroise đã lấy Agnès làm mẫu gương cho các trinh nữ trong chuyên khảo về Đức Khiết tịnh, đã nói trong bài giảng : “Bà như một trinh nữ đã tiến lên với những bước vui mừng đến pháp trường… Đáp lại với những hăm doạ vuốt ve, lời hứa của kẻ bách hại. Bà nói : “Đấng đầu tiên đã chọn tôi, chính Người sẽ đón tôi”.

b. Con chiên, biểu trưng sự thanh khiết, cũng là biểu trưng sự tử đạo cao cả nhất. Bài đọc một trong Thánh lễ, rút từ sách Khải Huyền, nói về đám người đông đảo đứng trước ngai vàng và trước con chiên, mặc áo trắng, cành lá dừa cầm trong tay. “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9-17).

Thánh Agnès xứng đáng đứng gần Con Chiên. Bà cầu nguyện : ”Con sẽ đến với Ngài, Chúa Cha rất thánh, Đấng con yêu mến, con tìm kiếm và luôn khao khát” Đối lại với những quyền lực thế gian, thánh Ambroise nói : ”Một bé gái đứng lên, cầu nguyện và giương cổ chờ đợi..”. vì sức mạnh Thiên Chúa bao trùm lên sự yếu đuối con người. Chính vì thế mọi dân tộc đều ca ngợi.