Chúng ta có cám dỗ nghĩ rằng chỉ việc sống tốt đời sống Kitô hữu là mình có thể khiến các đau khổ rời xa. Và chúng ta hình dung lời hứa chúc lành của Thiên Chúa đồng nghĩa rằng Ngài sẽ loại bỏ mọi đau khổ khỏi chúng ta. Nhưng thực ra không phải thế. Chúa Giêsu đã cho thấy đau khổ là một phần của đời sống Kitô hữu. Người đã hứa ban cho các môn đệ của Người nhiều mối phúc, nhưng thêm vào cuối các mối phúc đó là một lời hứa về đau khổ mà họ có thể chờ đợi: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau “ (Mc 10, 29-30). Cho nên, đối với Ki-tô hữu, đau khổ không phải là một điều tuỳ chọn, nhưng đó là điều chắc chắn.
Về cơ bản, từ “đau khổ” có nghĩa là việc chịu đựng sự đau đớn và khốn cùng, chịu mất mát hay thiệt hại, chịu bệnh tật hay yếu đau và sau cùng là cái chết. Đau khổ đến từ tất cả những điều trên. Những phiền toái hàng ngày làm chúng ta thất vọng. Những thất bại lặp đi lặp lại khiến chúng ta ngã lòng. Những hóa đơn không thể thanh toán đè nặng trên chúng ta. Một mối quan hệ tan vỡ làm chúng ta buồn lòng. Sự căng thẳng chống lại chúng ta. Bạo lực gây tổn thương chúng ta hay gây hại cho người mà chúng ta yêu thương. Bệnh tật tàn phá chúng ta hoặc có thể xảy đến bất ngờ với một thành viên trong gia đình. Đau khổ dày vò tất cả mọi người.
Chúa Giêsu không chỉ hứa sự đau khổ, mà Người cho thấy, việc mang lấy những thập giá mình lại là một đòi hỏi hằng ngày dành cho tất cả những ai bước đi theo Người (x. Lc 9,23). Việc làm dấu Thánh Giá nói lên sự chấp thuận của chúng ta đối với điều kiện này của người môn đệ. Khi chúng ta làm dấu, chính chúng ta đang vác thập giá của mình và đón nhận bất kỳ đau khổ nào trong cuộc sống. Với hành vi ấy, chúng ta cũng đang sẵn sàng mang lấy đau khổ theo những điều kiện của Thiên Chúa. Chúng ta đặt ý muốn của mình vào Thiên Chúa, giống như Đức Giêsu đã lệ thuộc ý muốn của mình vào Chúa Cha khi người trao hiến chính mình trên thập giá. Cho nên, việc làm dấu Thánh Giá có những kết quả thực sự.
An toàn dưới bóng đôi cánh của Người
Các Kitô hữu cố gắng ủi an những người đau khổ bằng việc đưa ra những giá trị của việc chịu đau khổ. Chúng ta có thể nói “Việc chịu khổ đau làm nên nghị lực”. Nhưng người đau khổ nói “tôi không muốn nghị lực”, “tôi muốn được yên.” Khi ấy, có những câu hỏi không thể tránh được: “tại sao Thiên Chúa để cho những điều tồi tệ xảy ra?”; “Thiên Chúa ở đâu khi họ bị khổ đau?”
Sự săn sóc mà cha mẹ dành cho con cái gợi ra câu trả lời cho hai câu hỏi trên. Giả sử, một bé gái 7 tuổi lần đầu tiên đi xe đạp. Cha của bé chạy bên cạnh và thấy rằng cô bé có thể loạng quạng nhưng ông nén những thúc đẩy trong mình để không chìa tay giữ cho xe được vững. Người cha muốn cô con gái nhỏ của mình học cách để điều khiển xe với sự tự tin, nên ông không ngăn cản cô bị ngã. Khi chiếc xe bị xóc lên, cô bé hoảng sợ, bổ nhào xuống hè đường và bị quẹt khuỷu tay, đầu gối xuống. Người cha nâng cô con gái dậy bằng đôi tay và an ủi nó. Khi ấy ông đưa cô bé vào nhà, rửa sạch và băng bó vết thương nhẹ, ôm cô con gái vào lòng và kể cho nó nghe một câu chuyện nó thích.
Thiên Chúa cũng giống như người cha ấy. Người để chúng ta bước đi trên con đường của ta, nhưng người luôn bên cạnh chúng ta. Người không ngăn cản những điều xấu xảy đến vì Người muốn chúng ta học để đối diện với nỗi khó khăn cách tự tin. Nhưng khi chúng ta đau khổ, Người nâng ta dậy và ở với chúng ta. Người chia sẻ nỗi khổ đau, đón nhận và ủi an chúng ta.
Đó là thông điệp của thập giá và việc làm dấu là lúc chính chúng ta mở lòng mình để lắng nghe. Người Con duy nhất của Thiên Chúa trở nên con người trong Đức Kitô. Trong bản tính loài người, chính Thiên Chúa chịu cảnh loại trừ, sỉ nhục, nhạo báng, bỏ rơi, chịu đánh đập và chịu chết. Người đã mang trọn nỗi khổ đau như một con người nên Người có thể ủi an chúng ta trong khi cơn khổ đau.
Khi chúng ta làm dấu Thánh Giá, chúng ta mời Thiên Chúa thông dự vào nỗi khổ đau của chúng ta. Đưa tay lên trán, xuống ngực, nói với Thiên Chúa qua hành vi này rằng, chúng ta muốn Người cúi xuống nhìn đến chúng ta. Chúng ta vác thập giá trên vai trong tâm tình xin Người nâng đỡ chúng ta-đôi vai của ta- trong nỗi truân chuyên. Trong nhiều đoạn thánh vịnh, Vua Đavít hát về việc ẩn náu trong đôi cánh của Đức Chúa, đôi cánh mà các Giáo Phụ hiểu như là một lời tiên tri về việc tìm thấy sự an toàn dưới cánh tay chịu đóng đinh của Người (x. Tv 17,8; 36,7. 57,1; 61,4; 63,7). Đôi tay dang rộng của Đức Chúa cho thấy, Người hiểu nỗi thống khổ của chúng ta và chia sẻ với chúng ta.
Như trong các thánh vịnh báo trước về ân sủng từ cuộc đóng đinh của Đức Kitô, sách Đnl đưa ra hình ảnh tiên trưng về thập giá như là nơi náu nương. Cuốn sách đã nói đến lời tạm biệt của ông Môsê, nơi đó ông dường như diễn tả bóng hình của thập giá từ xa. Ông củng cố lòng tin cho dân Israel, rằng cánh tay của Đức Chúa sẽ bảo vệ họ trong mọi nỗi truân chuyên: “Thiên Chúa của thời thái cổ là một nơi ẩn náu; dưới đất này, cánh tay Người đã hành động từ xưa” (Đnl 33,27).
Ngày nay, chúng ta nhìn nhận rõ ràng thập giá như một dấu chỉ của lòng thương xót và niềm ủi an của Thiên chúa. Tôi nhận lãnh ân sủng và sự nâng đỡ của Thiên Chúa dành cho tôi với vòng tay rộng mở của Người. Khi nỗi phiền muộn ập đến, tôi thường làm dấu và thân thưa: “Lạy Chúa, xin đỡ nâng con trong vòng tay của Ngài mãi, xin giúp con vượt qua thử thách này và an ủi con.” Được củng cố bởi lời đáp trả với hành vi và cầu nguyện đơn sơ ấy, tôi tìm được cách chịu đựng khó khăn gian khổ.
Tác giả: Bert Ghezzi
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
https://www.loyolapress.com/our-catholic-faith/prayer/personal-prayer-life/experiencing-prayerful-moments/an-acceptance-of-suffering