Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

03.20 * Sứ Điệp Thập Giá với HỘI CẦU NGUYỆN ĐỨC MẸ LA VANG NEW YORK

Sứ Điệp Thập Giá với HỘI CẦU NGUYỆN ĐỨC MẸ LA VANG NEW YORK
6:30 PM – 7:30 PM giờ California
8:30 PM – 9:30 PM giờ Texas
9:30 PM – 10:30 PM giờ New York & Washington D.C.
9:30 AM – 10:30 AM giờ sáng Việt Nam
Quý vị có thể gọi vào hiệp thông cầu nguyện qua đường dây điện thoại (USA) 712-775-7035, bấm mật mã 358878# (dấu thăng)
Nếu là khách hàng của hãng điện thoại T-Mobil quý vị có thể gọi 716-293-9622 sau đó bấm vào đường dây điện thoại 712-775-7035# và mã số 358878# sẽ không bị tính tiền phút khi gọi vào hiệp thông.

Chương Trình cầu nguyện như sau:
• Suy Niệm Kinh Mân Côi.
• Phúc Âm và Chia Sẻ do Lm. Antôn Nguyễn Văn Trung, Dòng Cát Minh
• Cầu Nguyện và ban Phép Lành Kết Thúc.

፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨

Các bạn hữu thân mến chỉ còn ít tuần nữa là chúng ta bước vào tuần thánh đặc biệt là Tam Nhật Thánh. Hình ảnh Thánh Giá mà chúng ta được xức lên trán trong ngày Thứ Tư Lễ Tro bắt đầu hiện lên trong các bài đọc ngày Chúa Nhật đặc biệt là trong hai tuần vừa qua. Tuần trước Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.” Tuần này Chúa Giêsu lại nói với những người Hy Lạp muốn đến gặp Chúa rằng: “Khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” Những câu nói đó những hình ảnh đó đều nói về cuộc khổ hình thập giá mà Chúa sẽ chịu để cứu chuộc chúng ta. Chúa đã mang tất cả tội lỗi của nhân loại vào thân mình của mình và treo lên cây thập giá để nó không còn ra oai tác quái trong đời sống nhân loại nữa. Chúa đã biến đổi thập giá từ chỗ là biểu tượng của đau khổ và sự chết trở nên biểu tượng của tình yêu, niềm hy vọng, lòng khiêm nhường, sự hy sinh phục vụ, niềm bình an tâm hồn, niềm khao khát tâm linh, sự biến đổi trong đời sống, và đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa. Ước mong sao khi nhìn lên Thánh Giá chúng ta thấy được những bài học mà Chúa đã hy sinh sẵn lòng chịu chết để bày tỏ cho chúng ta. Trên thế gian không gì đẹp bằng Chúa Giêsu, và trong cuộc đời Chúa Giêsu không gì đẹp bằng cây Thánh Giá và những bài học mà Chúa muốn để lại cho chúng ta và cho các thế hệ mai sau. Mời các bạn hãy cùng tôi suy gẫm những bài học này.

Bài học đầu tiên mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về tình yêu. Nhìn lên Thánh Giá hôm nay chúng ta có nhìn thấy tình yêu Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta hay chưa. Nếu các bạn nào đã nhận được rồi thì xin thành thật chúc mừng các bạn những nếu các bạn vẫn chưa nhận ra thì đây là lúc thích hợp để nhận ra điều này. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ.” Chúa không chỉ tạo dựng chúng ta trong lòng dạ mẫu thân nhưng Chúa còn cứu chuộc chúng ta bằng cách ban chính con một của Người xuống thế gian sống như chúng ta và sẵn sàng chịu chết vì chúng ta.

“Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu.” Chúa đã trở nên bạn hữu của chúng ta và chết vì chúng ta. Chúa đã chết trên Thánh Giá để dạy cho chúng ta bài học về yêu thương vậy chúng ta phải làm sao? “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” Tình yêu không chỉ là những lời nói suông, bằng những lời đầu môi trót lưỡi nhưng phải làm bằng những điều cụ thể. Nói cách khác tình yêu phải thể hiện qua việc tình nguyện hiến thân chịu chết vì anh em, noi gương Đức Giêsu yêu thương và đã phó nộp mình chịu chết để đền tội thay cho các môn đệ và các tín hữu chúng ta.

Bài học tiếp theo mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về niềm hy vọng. Các bạn thân mến đặc biệt là những ai đang sống trong đau khổ và thất vọng. Mong rằng các bạn sớm nhận ra điều này nơi Thánh Giá của Chúa Giêsu. Thánh Giá là niềm hy vọng của chúng ta. Nhìn lên Thánh Giá trước tiên chúng ta nhận ra rằng chết không phải là hết. Chết là cánh cửa mở ra cho một cuộc sống mới. Chỉ có điều chúng ta không biết cuộc sống mới đó sẽ như thế nào. Giống như một em bé đang còn trong bụng mẹ sẽ không biết cuộc sống bên ngoài sẽ ra sao hay như thế nào. Hay như một con sâu bướm nằm trong tổ kén nó sẽ không biết bầu trời bao la biết là chừng nào. Chỉ khi đã rời bỏ chiếc kén xưa nay luôn bao bọc nó thì nó mới nhận ra được bầu trời bao la và rộng lớn biết chừng nào. Thánh Giá Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta. Trong kinh Kính Thánh Giá có đoạn viết rằng: “Thánh giá là tàu vượt sang qua biển, đem chúng con đến nơi vĩnh phúc. Thánh giá là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho chúng con được vào.” Thánh Giá và ánh sáng sự thật của Chúa muốn chiếu tỏa trên cuộc đời của những ai đang sống trong tối tăm, lầm lạc thật vọng. Mong các bạn hãy cùng tôi bước ra ánh sáng. “Ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”. Cuộc sống hôm nay cần rất nhiều niềm tin và hy vọng. Tuy nhiên niềm hy vọng của chúng ta không phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người chúng ta. Cho dù chúng ta có mạnh khỏe, giàu có và tài giỏi đến đâu thì chúng ta cũng không thể cứu chúng ta. Niềm hy vọng của chúng ta cũng không phụ thuộc vào khoa học cũng như những điều khác. Có thời người ta đã từng nghĩ một ngày nào đó khoa học sẽ thay thế Thiên Chúa nhưng thực tế đã chứng minh rằng dù khoa học có tiến bộ đến đâu thì cũng vẫn cần đến Thiên Chúa vì nó cho đến cùng thì nếu Chúa không soi sáng và ban ơn thì làm sao con người có thể suy nghĩ và sáng tạo. Niềm hy vọng của chúng ta đặt đặt nơi Chúa Giêsu. Trong Thánh Lễ cuối sau kinh Lạy Cha chúng ta thường nghe linh mục cầu nguyện tiếp theo: “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, Chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng con.”

Trong một buổi tiếp kiến của trên 40 ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi đọc và suy gẫm những lời Chúa Giêsu nói về hai tên trộm. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở các khách hành hương rằng Thiên Đàng chính là đích điểm niềm hy vọng Kitô Giáo. Ngài còn nói: thêm “Thiên đàng không phải là một nơi của chuyện huyền thoại, và cũng chẳng phải là vườn thần tiên. Thiên đàng là vòng tay ôm với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu vô biên, và chúng ta vào thiên đàng nhờ Chúa Giêsu, Người đã chết trên thập giá vì chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu, nơi ấy có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Chúa thì chỉ có lạnh lẽo và tối tăm. Trong giờ chết, Kitô hữu lập lại với Chúa Giêsu: “Xin Chúa nhớ đến con”. Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Đó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương.”

Bài học thứ Ba mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về lòng khiêm nhường mềm dẻo và hay tha thứ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Phil 2,6-8). Cám dỗ lớn nhất của con người đó là cám dỗ về sự kêu ngạo và tự mình chứng tỏ mình. Nhiều lần Chúa Giêsu cũng bị ma quỉ dùng chiêu này để cám dỗ Chúa. Trong sa mạc, trên Thánh Giá nhiều khác nữa Chúa đã bị thử thách về nhân đức này. Chúa mời: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.” (Mt. 11,29) Trong khi thế gian đề cao chủ nghĩa cá nhân, cũng như tìm mọi cách để làm cho mình được trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách kể cả bằng thủ đoạn thì Chúa lại mời gọi chúng ta hiền lành và khiêm nhường. Người khiêm nhường thật sự là người nhận biết giá trị thật sự của mình, chứ không phải là người hạ thấp giá trị của bản thân. Thánh Phaolô nói quả thật bây giờ chúng ta là con Thiên Chúa nhưng tương lai như thế nào thì chúng ta không biết. Người khiêm tốn là người không chỉ nghĩ cho bản thân nhưng còn biết nghĩ cho tha nhân và cho người khác. Người khiêm tốt biết tự hạ mình xuống để nâng những người khác lên chứ không phải bằng mọi cách để được ngồi lên trên người khác, thậm trí đè đầu cưỡi cổ người khác để được ăn trên ngồi chốc.

Bài học thứ Tư mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về sự hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa đã nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó.” Phục vụ là hy sinh phục vụ là quên mình, phục vụ không đòi đền đáp phục vụ ơn nghĩa chẳng thành. Dụ ngôn về những nén bạc Chúa cũng dạy chúng ta về đều này. Mỗi chúng ta đã nhận được rất nhiều ơn Chúa ban. Do đó, Chúa muốn chúng ta hãy biết sử dụng những gì Chúa đã ban để phục vụ cho người khác. Đừng bao giờ hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta nhưng hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay. Đừng hỏi Giáo hội đã làm gì cho ta nhưng hãy hỏi ta đã làm gì để đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn hoặc Giáo hội địa phương. Quan sát thực tế chúng ta dễ dàng nhận ra rằng: “thùng rỗng thường hay kêu to” những người thường xuyên đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn, giáo xứ, hay giáo hội thường là những người ý đòi hỏi hay than vãn nhưng những người ít đóng góp về sức lực hay tài lực thì lại thường là những người hay đòi hỏi và kêu ca. Phục vụ là cho đi. Khi nghĩ về việc cho đi chúng thường nghĩ về việc cho về tài sản vật chất nhưng thực ra chúng ta có rất nhiều thứ để cho đi. Tài sản vật chất mà chúng ta cho đi để đóng góp xây dựng hay cho người nghèo khổ hơn chúng ta chỉ là một phần. Chúng ta có thể cho đi thời giờ, tài năng, thậm trí là ánh mắt và nụ cười của chúng ta.

Bài học thứ Năm mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về niềm khao khát tâm linh hãy nói đúng hơn là khao khát gặp Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mô tả những người Hy Lạp muốn được gặp Chúa. Không chỉ bài Tin Mừng hôm nay mà thôi mà còn trong rất nhiều những câu chuyện gặp gỡ khác. Những cuộc gặp gỡ và đối thoại với Chúa đều giúp những người đó thay đổi cuộc đời đặc biệt là cuộc gặp gỡ với Nicôđêmô, Lêvi, Giakêu, hay chị phụ nữ Samaria ở giếng Giacóp và Maria Magdala. Thánh vịnh có câu: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?” Ron Rolheiser, OMI đã nói rằng: “Thiên Chúa xinh đẹp hơn bất kỳ ngôi sao điện ảnh nào. Thiên Chúa thông minh hơn bất kỳ nhà khoa học hay triết gia nào. Thiên Chúa dí dỏm và hài hước hơn hài giả xuất sắc nhất. Thiên Chúa sáng tạo hơn bất kỳ nghệ sỹ, nhà văn hay nhà phát minh nào trong lịch sử. Thiên Chúa có tài tranh biện hơn người học thông biết rộng nhất trên trần gian. Thiên Chúa phóng khoáng hơn bất kỳ người trẻ nào. Thiên Chúa nổi tiếng hơn bất kỳ ngôi sao nào. Và, không kém quan trọng, Thiên Chúa đầy hấp dẫn hơn bất kỳ người nữ người nam, hay hình tượng tình dục nào trên thế gian. Chúng ta không thường nghĩ hay tin những điều này về Thiên Chúa, nhưng những phát biểu trên đầy tín lý nghiêm ngặt theo đường lối Giáo hội. Tất cả mọi sự lôi cuốn trên trần gian đều ở trong Thiên Chúa, trong một dạng còn phong phú hơn, bởi chính Ngài là tạo tác cho tất cả lôi cuốn.”

Bài học thứ Sáu mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về niềm bình an tâm hồn. Khi nhìn lên Thánh Giá đặc biệt là lúc là chứng kiến việc Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu Người đã lo lắng, buồn phiền đến nỗi mồ hôi máu đổ ra nhiều người nghĩ chắc Chúa rất buồn và sợ sệt nhưng khi đọc và so sánh với những đoạn Tin Mừng khác đặc biệt là đoạn văn Chúa từ biệt các môn đệ thì chúng ta thấy rằng Chúa chính là người chủ động một cách hoàn toàn trong toàn bộ biến cố khổ nạn và phục sinh. Người luôn luôn giữ vững niềm tin vào Chúa Cha và phó thác cuộc đời mình cho Cha và quyết tâm thực thi thánh chỉ của Cha. Cuộc sống hôm nay có rất nhiều những lo lắng, sợ hãi luôn tìm cách khủng bố đời sống hàng ngày cũng như đời sống tâm hồn của mỗi chúng ta. Có thể những khủng hoảng đó đến từ đức tin của chúng ta vào Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, những khủng hoảng đó có thể sự bách hại và thủ ghét của những người chống đối hay tìm cách làm hại chúng ta. Cách tốt nhất đó là tìm lại được niềm bình an và niềm vui mà Chúa muốn ban tặng cho chúng ta. Diễn từ từ biệt trong Tin Mừng Thánh Gioan Chúa nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Không như thế gian ban mà chính Thầy ban cho anh em. Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi.” (Ga. 4, 27) Ngoài ra, để có thể vượt qua sự khủng hoảng, lo lắng, sợ hãi tìm được bình an và niềm vui trong cuộc sống chúng ta cũng cần phải biết kết hiệp mật thiệt với Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện và năng chịu các bí tích đặc biệt bí tích Hòa Giải và Mình Thánh Chúa, đồng thời không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thứ về giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội. Hạnh phúc cho những ai yêu mến và tuân giữ mệnh lệnh và thánh chỉ của Chúa. Khi chúng ta làm những điều đó thì Chúa Thánh Thần – Thần Khí của Chúa Giêsu sẽ cư ngụ trong tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta trở nên sống động và ban ơn súc mạnh cho chúng ta vượt qua những cơn gian nan thử thách, cản đảm giữ vững niềm tin, tìm lại được niềm vui và bình an trong cuộc sống hàng ngày cũng như cuộc sống thiêng liêng.

Bài học thứ Bảy mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về sự biến đổi trong đời sống. Khi đi theo chân Chúa trong suốt chặng đường thương khó chúng ta rằng: cuộc đời là một sự biến đổi không ngừng. Phụng vụ trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta biết điều đó. Những người đã được Chúa giảng dạy những điều hay lẽ phải, được Chúa nuôi ăn trong nơi hoang vắng, được Chúa trừ quỉ, chữa bệnh, cho chết sống lại, người què được đi, mù được thấy, người điếc được nghe đã hân hoan đón rước Chúa vào thành Giêrusalem, thế mà khi Chúa bị đưa ra trước quan tổng trấn Phila tô họ đã hô vang hãy giết chết Chúa đi và tha cho tội phạm Baraba. Kể cả những môn đệ thân tín nhất của Chúa là Giuđa và Phêrô. Giuđa là người được Chúa tin cậy giao tất cả tài sản và việc quản lý để chăm sóc cho những nhu cầu cần thiết của cả nhóm thế mà đã đang tâm phản bội bán Chúa chỉ vì 30 đồng bạc. Vì tiền bạc và chút lợi lộc người ta có thể sẵn sàng bán đứng nhau thậm trí có thể giết chết nhau. Biết bao những cuộc chiến tranh, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn đã xảy ra chỉ vì chút lòng tham đó. Phêrô một người đã từng tuyên bố Chúa là Đấng Mêsia, là con Thiên Chúa hằng sống thế mà nay đã chỉ vì một cây nói bâng qua của một cô đầy tớ của thày thượng tế mà đã tìm đủ mọi cách để chối Chúa. Cuộc đời và lòng con người luôn luôn thay đổi một người từ tốt có thể trở nên xấu. Nhưng ngược lại một người từ chỗ không tốt, không quan trọng có thể trở nên can đảm phi thường giống như những phụ nữ đi theo Chúa. Trong khi những môn đệ chạy trốn hết nhưng các bà vẫn đi theo phục vụ Chúa cho đến cùng. Chính vì thế các bà đã được Chúa ban thưởng phần thưởng cao quý nhất đó là được thấy Chúa Phục Sinh sớm nhất như bà Maria Magdala. Bài học rút ra đó là đừng bao giờ nên bám víu vào bất kể điều gì hãy coi mọi việc như nước chảy và gió bay. Hãy nhìn mọi sự với con mắt của sự biến đổi. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Sông có khúc và người có lúc. Hãy cam đảm và chấp nhận tất cả. Những người chê ta có thể là thày của ta. Những người khen ta cũng có thể là kẻ thù của ta.

Bài học thứ cuối cùng mà Chúa muốn bày tỏ cho chúng ta trên Thánh Giá đó chính là bài học về đời sống cầu nguyện kết hợp với Chúa. Ngay trên Thánh Giá trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời con người Chúa vẫn cầu nguyện người không chỉ cầu nguyện một cách âm thầm những người còn lớn tiếng cầu xin Chúa Cha tha cho những người bách hại Người. Lời đầu tiên trong bảy lời sau cùng Chúa đã kêu lên: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng đang làm” (Lc 23,34) và cuối cùng Người đã phó thác: “Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha” (Lc 23,46) Trong suốt cuộc sống và sứ vụ công khai Chúa luôn cầu nguyện và kết hợp với Chúa Cha. Tin Mừng còn tường thuật cho chúng ta nhiều lần Chúa Giê su thức dậy từ sáng sáng sớm để ra nơi thanh vắng cầu nguyện. Có đôi khi Người thức khuya để cầu nguyện với Chúa cha. Chính nhờ việc cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong mọi lúc mọi nơi khi các môn đệ thắc mắc, muốn được Chúa Giê su mặc khải cho thấy Chúa cha. Người đã khẳng định rằng: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” Cầu nguyện theo Chúa Giê su đó chính là cuộc gặp gỡ và đối thoại qua đó Thiên Chúa mặc khải cho con người biết người là ai và đồng thời cho họ biết họ là ai. Cuộc sống của con người đó là nhận biết Chúa, yêu mến Chúa và phục vụ Chúa.

“Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng, chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan, để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay, là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, của các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công lao của bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm Vượt Qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt đối và tha nhân. Amen. (Manna 85).

Lm. Antôn Nguyễn Văn Trung O.Carm., Đức Mẹ LaVang Lavang Tucson