Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

LÀM ĐIỀU ĐÚNG VÌ NÓ ĐÚNG

“Có bao giờ bạn làm một điều gì đó đơn giản vì trên nguyên tắc điều đó đúng, biết rằng bạn không thể giải thích điều đó với bất cứ ai, ngay cả không có cảm giác tốt cho hành động đó của bạn?”

Karl Rahner đã viết như vậy và sau đó ông còn viết thêm: “Nếu bạn từng hành động như thế, bạn đã trải nghiệm Thiên Chúa, mà có lẽ bạn không biết.”

Đức Giêsu sẽ rất đồng tình về điểm đó, hơn thế Người biến điều này vừa thành nguyên tắc trọng tâm của tôn giáo, vừa thành tiêu chuẩn quan trọng nhất cho sự cứu rỗi.

Chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất trong đoạn Phúc Âm nổi tiếng khi Đức Giêsu bảo những gì chúng ta làm cho người nghèo khó trên thế gian này là làm cho Người. Theo Đức Giêsu, khi chúng ta trao tặng một cái gì đó cho người nghèo là trao tặng cho Chúa, làm ngơ trước người nghèo nghĩa là làm ngơ trước Thiên Chúa.

Có một nền tảng quan trọng trong lời giảng này. Một ngày kia, người ta hỏi Đức Giêsu: “Điều gì sẽ là thử thách? Điều gì sẽ là tiêu chuẩn cuối cùng cho phán quyết ai đó sẽ được vào nước trời hay không? Câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho dân chúng ngạc nhiên. Họ mong chờ phán quyết cuối cùng sẽ quay chung quanh các vấn đề liên quan đến đạo, thực hành tín ngưỡng, các lễ nghi thích hợp, và lề luật luân lý. Thay vào đó là câu trả lời: “Khi Con Người đến trong vinh quang, tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển. Muôn dân thiên hạ sẽ quy tụ trước Người, và Người sẽ tách người này với người kia ra như mục tử tách chiên với dê; để chiên bên hữu và dê bên tả.”

Vậy theo Đức Giêsu điều gì sẽ là cơ sở cho sự phân tách này? Chỉ duy nhất điều này: Các con đã từng cho kẻ đói ăn? Đã cho kẻ khát uống? Đã đón tiếp khách lạ? Đã mặc áo cho kẻ trần truồng? Đã viếng thăm kẻ ốm đau, tù tội? Vì khi các con làm những điều này cho kẻ ốm đau, đói khát, khách lạ, và tù tội chính là các con đã làm cho Chúa và ngược lại.

Ngay lập tức có sự lúng túng trong số những người nghe Chúa. Cả hai nhóm, người đã làm và người không làm đều ngẩn ngơ và đều có một thắc mắc như nhau: Khi nào? Có bao giờ chúng con thấy Người đói đâu? Có bao giờ chúng con thấy Người khát đâu? Có bao giờ chúng con thấy Người trần truồng, khách lạ, ốm đau, hoặc ngồi tù để chúng con phục vụ hay không phục vụ Người? Có bao giờ chúng con thấy Thiên Chúa như vậy, để làm điều đó cho Người?”

Cả hai đều bị bất ngờ và cả hai đều có vẻ có cùng thắc mắc như nhau, tuy nhiên cách họ kháng cự thì lại khác nhau: Nhóm thứ nhất, những người trước đó đã có khả năng đáp lại người nghèo thì ngạc nhiên một cách vui vẻ. Những gì họ nói với Đức Giêsu cốt lõi là: “Chúng con đã không nhận ra đó là Người! Những gì chúng con làm lúc đó đơn giản vì đó là điều đúng!” Và Đức Giêsu đáp lại: “Không sao cả! Khi các con phục vụ cho kẻ nghèo khó, là các con đang gặp chính Ta!”

Nhóm thứ hai, những người trước đó không hành động như thế, họ bị sốc mạnh. Họ kháng cự lại như thế này: “Nếu chúng con đã biết! Nếu chúng con biết Người hiện diện trong kẻ nghèo thì chúng con đã không làm ngơ rồi. Chúng con không nhận ra điều đó!” Và Đức Giêsu đáp lại: “Không sao cả! Khi các con không phục vụ người nghèo là các con lãng tránh Ta.”

Bài học ở đây là gì? Điều dễ nhận ra hơn hết, dĩ nhiên đó là thử thách nội dung lời suy niệm nổi tiếng của các ngôn sứ, những người đã phát biểu một cách rõ ràng rằng phẩm cách niềm tin của chúng ta sẽ được phán xét dựa trên phẩm cách công chính trên mặt đất và phẩm cách công chính sẽ được phán xét dựa trên cách đối xử với những người bị thương tổn nhất trong xã hội (góa phụ, trẻ mồ côi, người xa lạ), họ được tiếp đãi như thế nào khi chúng ta còn sống trên thế gian này. Các ngôn sứ Do Thái đã dạy chúng ta rằng phục vụ người nghèo khó là một phần tất yếu của tôn giáo, rằng không một ai có thể vào nước trời mà không có thư giới thiệu của người nghèo khó. Hơn thế, Đức Giêsu còn nói thêm rằng: Thiên Chúa không những chỉ giành ưu tiên cho người nghèo, Thiên Chúa ở trong họ.

Nhưng cũng có một bài học khác, chỉ phảng phất nhưng quan trọng: Trong câu chuyện này, những người đã phục vụ Thiên Chúa hiện diện trong người nghèo khó, và những người đã không phục vụ Thiên Chúa đều không biết những gì họ đang làm.

Nhóm thứ nhất, nhóm đáp trả, họ làm thế đơn giản vì họ thấy đó là điều đúng. Họ không biết Chúa ẩn mình trong người nghèo khó. Nhóm thứ hai, không đáp lại, đã không mở tay ra vì họ không thấy Chúa ở bên trong người nghèo. Không ai trong họ biết Thiên Chúa ở đó và bài học là:
Một tông đồ chín chắn không suy tính hay phân biệt liệu có Chúa ở trong tình huống đó hay không, liệu người này có đáng giá hay không, liệu người này có là kitô-hữu hay không, liệu người kia có là người tốt hay không, khi họ mở lòng ra phục vụ. Một tông đồ chín chắn phục vụ bất cứ ai đang cần phục vụ, không phụ thuộc vào bất cứ suy xét nào cả.
Cám dỗ cuối cùng, đó là phản bội lớn nhất khi làm điều đúng cho một lý do sai trái.
Thi sĩ T.S.Eliot đã nói như vậy. Đức Giêsu cũng sẽ nói thêm làm điều đúng đã đủ là lý do rồi.

Ronald Rolheiser
Sưu tầm