Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Phút suy tư: Khi bạn bố thí

Chìa khóa của lòng quảng đại và lòng trắc ẩn
Cầu nguyện là một sự thách đố không ngừng mở rộng. Có hai sự lựa chọn căn bản: hoặc là chúng ta ngày càng đào sâu đời sống cầu nguyện của chúng ta, hoặc là chúng ta để cho cuộc đời chúng ta trở nên u ám, thiếu ý nghĩa và sự sống.
Những cuộc hôn nhân đối diện với cùng một thách đố. Hoặc là đôi vợ chồng sẽ ngày càng quý trọng nhau, hoặc là họ sẽ xa cách nhau. Tương tự với việc học hành, hoặc là chúng ta tiếp tục học được những điều mới mẻ, hoặc là tâm trí của chúng ta sẽ trở nên uể oải và bị động. Không có mảnh đất nào ở giữa.
Thách đố ấy cũng đúng đối với việc thực hành sự bố thí. Hoặc là chúng ta sẽ ngày càng quan tâm đến những người đang gặp túng quẫn, hoặc là chúng ta sẽ ngày càng trở nên vô cảm với những đau khổ của họ. Vì thế, chúng ta hãy nhìn vào “đôi cánh cầu nguyện” thứ hai này, nó có thể giúp chúng ta đến gần hơn với Chúa Giêsu trong Mùa Chay này. Hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thương những người đang gặp hoạn nạn (túng thiếu, khó khăn).

Trái Tim của Chúa Giêsu dành cho Người Nghèo. Chúa Giêsu luôn luôn dành một chỗ đặc biệt trong trái tim của Người cho những người nghèo, những người vô gia cư, những người đau yếu và những người yếu thế (bị gạt ra ngoài). Thánh Kinh nói với chúng ta rằng đây là những người mà Chúa Giêsu đến để giải thoát (x. Lc 4,18-19). Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về sự quan tâm của Người đối với những người nghèo. Người nói với các môn đệ: “Ai xin, anh em hãy cho” (Mt 5,42). Người kể một dụ ngôn về chiên và dê, cuối cùng với lời tuyên bố đầy ngạc nhiên này là: “Bất cứ điều gì các ngươi đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Và Người kể một dụ ngôn về một người nghèo, tên là Lazarô và ông nhà giàu đã phải trả một giá quá đắt (không thể tin được) vì ông đã không quan tâm đến anh Lazarô nghèo khó (x. Lc 16, 19-31). Chúng ta cũng đừng quên rằng Phêrô, Phaolô và Gioan, với vô số những câu chuyện trong Cựu Ước, cũng nói về giá trị của việc bố thí.
Nhưng không chỉ nói về những người nghèo, Chúa Giêsu còn đồng hóa chính mình với người nghèo. Người dành nhiều thời gian ở với những người nghèo hơn là ở với người giàu. Người bước đi với họ. Người sống như một người trong số họ. Trái tim của Người cùng nhịp đập với họ.

Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu loại bỏ sự giàu có. Người đã dành thời gian hiện diện với một số những người giàu có, chẳng hạn: một người Pharisêu tên là Simon, ông Nicôđêmô và ông Giuse Arimethea. Người chấp nhận sự giúp đỡ tài chính của một số người phụ nữ giàu có: Bà Gioanna, vợ ông Chuza và bà Susanna. Nhưng có lần Người đã khẳng định: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2,17). Vì thế, Người đã dành phần rất lớn thời gian của Người để chăm sóc những người đau ốm hoặc những người đau khổ cách này cách khác.
Một sự quấy rầy? Hay một Người Anh Em? Tình yêu đặc biệt dành cho những người nghèo nằm ở trung tâm (cốt lõi) của lời mời gọi của chúng ta là bố thí. Hơn cả việc cho đi tiền bạc, Chúa Giêsu muốn chúng ta cảm thấy nỗi đau của những người đang gặp hoạn nạn, Người muốn chúng ta phải quan tâm đến những người không có nhà để ở hoặc những người chỉ có tấm dẻ rách làm quần áo che thân. Người muốn chúng ta cho những người đói ăn không chỉ vì đó là một ý tưởng tốt, nhưng bởi vì trái tim của chúng ta cũng biết cảm thương đối với bất cứ người con nào của Chúa đang phải đi ngủ với cái bao tử trống rỗng. Người muốn chúng ta viếng thăm những người lớn tuổi và những tù nhân với khát khao là trao tặng cho họ một tình bằng hữu mà họ đang cần.

Có một sự khác biệt về chữ giữa từ “người anh em” và từ “sự quấy rầy”. Nhưng một chữ đó đánh dấu một thế giới khác biệt. Những người đang gặp khó khăn hoạn nạn không phải là một sự quấy rầy phá vỡ sự thoải mái của chúng ta. Họ là những người anh em và chị em của chúng ta đang mong chúng ta giúp đỡ. Họ cũng chính là con cái Chúa như chúng ta. Họ được Thiên Chúa yêu thương cách sâu sắc như chúng ta. Họ xứng đáng được chúng ta giúp đỡ vì họ là một phần của gia đình chúng ta.

Như thế không quan trọng bạn là ai và không quan trọng bạn có nhiều hay ít thế nào, Chúa Giêsu mong bạn chia sẻ những gì bạn có thể.

Một Vấn Đề của Tấm Lòng (Trái Tim). Một mặt, sứ điệp về sự bố thí đơn giản và rõ ràng. Thiên Chúa muốn chúng ta rộng rãi với tiền của và thời gian của chúng ta. Người muốn nhìn thấy những người có của biết hy sinh cho những người không có. Nhưng mặt khác, Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng đó không chỉ là vấn đề cho đi thời gian, tiền của và khả năng, mà việc bố thí là một vấn đề của tấm lòng.

Một ngày kia, Chúa Giêsu và các môn đệ đang quan sát những người khác bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Chúa nhìn thấy “nhiều người giàu bỏ thật nhiều tiền” (Mc 12,41). Chắc chắn, tất cả những người này đã làm hài lòng Chúa. Nhưng rồi sau đó Người nhìn thấy một bà góa nghèo dâng cúng một vài đồng tiền kẽm. Sự dâng cúng này làm hài lòng Chúa Giêsu hơn mọi sự dâng cúng mà Người đã nhìn thấy ngày hôm ấy. Người liền nói với các môn đệ: “(Thầy bảo thật anh em) Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Mc 12,43-44). Tổng số tiền mà bà góa nghèo đã dâng cúng không quan trọng; đó chính là lòng quảng đại và sự dâng hiến món quà của bà đã làm cho Chúa Giêsu mỉm cười.

Ngay cả hôm nay, Chúa Giêsu nhìn thấy những gì chúng ta cho và Người biết rõ những động cơ của chúng ta. Người biết chúng ta quan tâm đến người nghèo nhiều thế nào. Người biết chúng ta đang cho như thể chúng ta đang cho Chúa hay chúng ta đang cho chỉ vì bắt buộc. Câu chuyện về bà góa nghèo nói với chúng ta rằng ngay cả nếu bạn có ít và chỉ cho đi một phần của cái ít ỏi ấy, bạn cũng sẽ được làm cho vinh dự.

Tiếng Khóc (Tiếng Kêu La) của Những Người Nghèo. Khi chăm sóc cho những người nghèo, một trong những cạm bẫy dễ đánh lừa nhất mà chúng ta có thể rơi vào là một sự tiếp cận tinh thần thái quá và chỉ quan tâm đến sự chăm sóc về linh hồn của những người khác. Trong sự tiếp cận này, một người “nghèo” là người không được nuôi dưỡng bằng các bí tích, bằng lời cầu nguyện hoặc bằng Lời Chúa. Chắc chắn, sự thiếu hỗ trợ về tinh thần này làm cho một người ít phong phú đi, và dĩ nhiên chúng ta nên quan tâm đến bản chất vĩnh viễn của linh hồn người khác. Tuy nhiên, loại suy nghĩ này lại làm chúng ta bị giới hạn. Nó có thể dẫn chúng ta đến chỗ quên đi những người nghèo về vật chất. Nó có thể làm cho chúng ta trở nên thờ ơ với sự đau khổ về thể lý của họ và nó làm cho chúng ta tin rằng loại nghèo khổ căn bản nhất không thực sự là vấn đề của chúng ta.

Chính sự tiếp cận thiển cận này về sự nghèo khổ có thể đóng một phần trong sự lơ đãng của chúng ta đối với những người túng thiếu, lý do quan trọng nhất làm chúng ta không quan tâm đến những người nghèo là vì chính tội lỗi của chúng ta. Chúng ta phục vụ cho sự ích kỷ và lười biếng của chúng ta. Chúng ta không lưu tâm đến những vấn đề xã hội bởi vì chúng ta quá quan tâm đến những nhu cầu và lợi ích riêng của chúng ta. Chúng ta thuyết phục chính chúng ta hoặc là đó không phải là vấn đề của chúng ta hoặc là vấn đề đó quá lớn đến nỗi chúng ta sẽ chẳng làm nên sự khác biệt gì ngay cả nếu chúng ta cố gắng.

Nhưng Thiên Chúa muốn mở đôi tai của chúng ta để chúng ta có thể nghe thấy tiếng khóc của những người nghèo. Người muốn chúng ta biết rằng Người đã mời gọi Giáo Hội của Người hãy trở nên người bào chữa cho những người nghèo, cho những tù nhân, những người yếu thế và những người đau khổ. Nếu Chúa Giêsu đang đứng trước mặt chúng ta ngay lúc này, có lẽ Người sẽ nói “Ta đã mời gọi con chăm sóc những người đang túng thiếu. Giáo Hội của Ta đã được mời gọi thực hiện cho đến cùng sự công bằng vì lợi ích của họ. Ta đã kêu gọi con yêu thương họ”.

Người Samaritanô nhân hậu (tốt lành). Thánh Augustinô một lần đã nói rằng dụ ngôn của Chúa Giêsu về người Samaritanô nhân hậu muốn đề cập đến cách Chúa muốn giúp đỡ chúng ta và chăm sóc chúng ta. Theo Thánh Augustinô, người Samaritanô chính là Chúa Giêsu, Đấng đã nâng chúng ta lên và chăm sóc chúng ta khi không có ai chăm sóc chúng ta. Sau khi đã chăm sóc cho những nhu cầu cấp bách nhất của chúng ta, Người mang chúng ta vào trong Giáo Hội – (như là) “Quán trọ” – để chúng ta được chăm sóc (Lc 10,34). Thậm chí Người đã trả giá cho sự chăm sóc mà chúng ta nhận được.

Chúa Giêsu đã quá quảng đại với chúng ta, vì thế làm thế nào chúng ta có thể đáp trả lại cho Chúa tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta? Bây giờ, chúng ta những người đã được nâng lên từ sự chết đến sự sống và được mang vào trong Giáo Hội, chúng ta cần làm như người Samaritanô – như Chúa Giêsu – đã làm. Chúng ta cần đi ra khỏi cách thức của chúng ta để chăm sóc cho những người nghèo. Cho dẫu chúng ta có thể bị giới hạn về số tiền hoặc lượng thức ăn chúng ta có thể cho, nhưng chúng ta luôn luôn có thể cho những gì chúng ta có. Chúng ta có thể giúp họ vượt qua một sự khủng hoảng về tài chánh hoặc một sự khủng hoảng về sức khỏe để họ có thể đứng vững trở lại bằng chính đôi chân của họ. Mẹ Têrêsa đã thay đổi thế giới bởi vì Mẹ đã đi ra khỏi con đường của mình để giúp đỡ những người nghèo. Nếu hôm nay mẹ hiện diện ở đây, mẹ sẽ nói rằng: “Họ, những người mà tôi đã phục vụ, đã giúp đỡ tôi hơn là tôi giúp họ”.
Nguyện xin Chúa cho tất cả chúng ta đều nghe được tiếng khóc, tiếng kêu la của những người nghèo trong Mùa Chay này. Nguyện xin cho chúng ta tích cực làm những gì chúng ta có thể để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, túng thiếu. Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết dâng những hy sinh – biết chia sẻ một chút thức ăn, tiền của hoặc chút thời gian của chúng ta cho những người đang thực sự cần được giúp đỡ. Nguyện xin Chúa cho tất cả chúng ta biết lựa chọn để trở nên một “Người Samaritanô nhân hậu” đối với bao nhiêu người chúng ta có thể.

Theo the Word Among us
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương