Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Phút suy tư: Hiệp với Chúa Cha trong lời cầu nguyện

Đã đến lúc Chúa Giêsu sẽ phải ra đi về cùng Cha. Khi Chúa Giêsu ra đi và sẽ để ở lại những môn đệ còn rất nhiều ngu ngơ khờ dại, chưa thấu hiểu đường lối của Thiên Chúa, chưa thấm nhuần tinh thần của Thầy; Người ra đi mà lòng còn biết bao trăn trở về những con người mà Ngài yêu thương hết mực – những con người sẽ tiếp nối sứ vụ của Người.

Biết như thế, hiểu như thế để rồi Chúa Giêsu đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất trong tình thương “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ chúng nhờ danh Cha mà Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta” (Ga 17,11.21-23). Người muốn cho họ hiệp nhất trong tình thương để khi nhìn họ, người ta biết được họ là môn đệ của Người “cứ dấu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy là nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,35), đó là cách tín nhiệm Người hơn hết.

Tình thương ấy phải vô điều kiện và cao thượng, tình thương mà Người đã biểu lộ là yêu đến chết và dám chết cho người mình yêu “không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống cho người mình yêu” (Ga 15,13). Và nếu biết rằng yêu là dám chết cho người mình yêu, thì ở đây yêu là đưa người mình yêu được hiểu biết và nhìn nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa, để nhờ đó được hạnh phúc trọn vẹn, tức là được hưởng sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng nêu gương hiệp nhất để họ noi theo, đó là gương hiệp nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha Chí Thánh, xin hiệp nhất để họ nên một như Chúng Ta là một”.

Gìn giữ các môn đệ trong danh Cha để họ nên một như chúng ta là gì nếu không phải là gìn giữ, bảo vệ các môn đệ trong tình yêu của Thiên Chúa, giúp các môn đệ sống tình yêu hiệp nhất như tình yêu Ba Ngôi – Tình yêu vị tha, dâng hiến và kiến tạo hạnh phúc cho nhau, nên một với nhau và phát sinh những điều kỳ diệu, nhờ đó mà danh Cha được cả sáng và nước tình yêu của Cha được hiển trị. Lời cầu xin này của Đức Giê-su cũng là lời cầu nguyện cho tất cả chúng ta, các Ki-tô hữu, những con người đã tin vào Đức Ki-tô nhờ lời chứng của các môn đệ. Chúng ta cũng cần được kiên vững trong tình yêu hiệp nhất; để như tình yêu tràn trề của Ba Ngôi đã sáng tạo nên thế giới, tình yêu của người môn đệ cũng làm cho thế giới ngày càng sáng tươi và phát triển phong phú.

Chúa Giêsu cầu nguyện để gìn giữ cho các Tông đồ và chúng ta sau này khỏi bị ác hại bởi thần dữ. Nói đến ác thần và sự dữ, Chúa Giêsu không những nhớ đến chúng ta phải chịu những đau khổ thử thách hay kể cả bị bắt bớ, vì Người đã biết và nói trước “thế gian ghét anh em, vì Thầy đã chọn anh em và tách anh em ra khỏi thế gian, vì thế mà thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-21). Sống trong tội lỗi là mất thân tình với Thiên Chúa, là xa rời Thiên Chúa, như vậy là phá vỡ sự hiệp thông vơí Chúa và trong Chúa.

Chúa Giê-su nhiều lần dạy các môn đệ cầu nguyện và Ngài quả quyết lời họ cầu xin chắc chắn sẽ được Chúa đáp nhận. Chúng ta vẫn nghĩ Chúa dạy chúng ta cầu xin như thế để đáp ứng nhu cầu cơm ăn áo mặc thường ngày. Nhưng ít khi chúng ta biết rằng lời cầu nguyện tha thiết nhất của Chúa là lời nguyện hiến tế, là lời cầu nguyện cho công trình cứu độ nhân loại được hoàn thành.

Chúa Giêsu đã rao giảng Tin mừng nước Thiên Chúa; Người truyền lại Lời của Cha – Lời có sức cứu độ và đem lại sự sống đời đời; nhưng đó cũng là Lời đòi người ta phải trả giá, lắm khi bằng cả chính mạng sống của mình. Thế gian ghét những môn đệ thực thụ của Chúa bởi họ không chấp nhận, dung túng và vào hùa với những lối sống giả trá, gian tham, ích kỷ, vô luân, thực dụng… của họ. Thế gian ghét môn đệ Chúa bởi vì cuộc sống yêu thương, vị tha, chân thật, ngay thẳng…của họ tố cáo, lên án sự xấu xa của thế gian và làm cho thế gian cảm thấy chướng mắt.

Vậy thế gian ở đây là ai? Thưa là những kẻ đối nghịch với tinh thần của Đức Ki-tô, những kẻ tôn sùng vật chất và nhân danh các ý thức hệ khác nhau mà không chấp nhận Đức Ki-tô làm vua của họ. Như vậy, không cứ gì những kẻ không biết Đức Ki-tô mà kể cả những người mang danh Ki-tô hữu nhưng thực sự họ không sống, không chấp nhận tinh thần của Đức Ki-tô đều không phải là môn đệ của Người – Họ thuộc về thế gian.

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài là con đường, là chân lý và là sự sống. Chỉ ở nơi Ngài có chân lý thực sự, chân lý đem lại ánh sáng và giải thoát con người khỏi những tối tăm lầm lạc. Đức Giê-su nói: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (x. Ga 8, 32b). Thế gian thì ưa chuộng sự gian dối. Và lắm khi sự gian dối được bảo bọc bằng bề ngoài rất đẹp; đó là vẻ đẹp hoa mĩ của những lời đường mật, của những nghĩa cử, những giao tiếp rất ư là nhân bản, lịch sự, thậm chí nhân danh chính nghĩa để hành động, nhưng lại che dấu những động cơ gian trá, lươn lẹo, bỉ ổi và bất chính… ở bên trong. Ngày nay có rất nhiều thứ giả: hàng hóa giả, bằng cấp giả, con người giả; và sự gian dối có mặt ở khắp mọi nơi: trong gia đình, ở lối xóm, nơi học đường, công ty, xí nghiệp….

Và rồi, với tất cả những điều đó làm sao để người môn đệ sống chân thật – một lối sống đòi hỏi họ phải lội ngược dòng và lắm khi trở thành ‘kẻ dị hợm, không giống ai’? Người ta có thể yêu mến người chân thật nếu sự chân thật của người đó không làm ảnh hưởng hoặc gây bất lợi cho họ, hoặc sự chân thật đó mang lại lợi ích cho họ; nhưng người ta sẽ ghen ghét và tìm cách làm hại người sống chân thật nếu sự chân thật đó có thể là mối đe dọa cho lợi ích của họ.

Mặt khác, sự quyến rũ của ‘3 T’ (tình – tiền – tài) luôn có sức mạnh mê hoặc lòng người, do đó dễ lôi kéo con người rơi vào lối sống gian dối nhằm thỏa mãn những đam mê và dục vọng của mình. Vì vậy mà Chúa Giêsu đã xin Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật để có thể đem ánh sáng chân lý Chúa cho thế gian.

Và rồi Chúa Giêsu cầu cho họ được thánh hiến trong sự thật: “Xin Cha dùng Chân Lý Cha mà cho họ nên thánh, Lời Cha tức là Chân Lý, Cha đã sai Con xuống thế làm sao, Con cũng sai họ đến cùng thế gian như vậy. Chính vì họ mà Con đã tự thánh hiến, ngõ hầu họ cũng được thánh hiến trong Chân Lý” (Ga 17,17-19). Chữ “thánh hiến” ở đây đa số các nhà bình giải Thánh Kinh hiểu là thánh hóa và hiến tế Chính Chúa Giêsu hiến thánh chính mình làm lễ vật để kính tiến lên Chúa Cha.

Người được thánh hiến, tức là được xức dầu để làm công việc Chúa Cha sai đi là thánh hóa và cứu chuộc chúng ta, chúng ta cũng được thánh hóa và hiến tế, cũng nhận ba chức vụ là thánh hóa, tư tế và vương quyền để làm nhiệm vụ thánh hóa chính mình và thánh hóa tha nhân. Thánh hiến nhờ Sự Thật và trong Sự Thật. Sự Thật đó là gì? Là Sự Thật của Thiên Chúa, là Cha nhân từ đầy yêu thương, Ngài muốn cho con cái mình được cứu rỗi. Sự thật chúng ta rất yếu đuối vì bị ảnh hưởng của tội lỗi, nhưng nếu chúng ta thật lòng nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa thì chúng ta sẽ lãnh nhận được ơn Chúa cứu chuộc.

Và ta thấy Chúa Giêsu muốn hiến dâng chính mình để thực hiện điều mình khẩn xin đó. Chúa Giê-su hiến dâng chính mình để cầu xin Chúa Cha cứu độ con người. Quả vậy, cả cuộc sống của Chúa Giê-su là lời cầu nguyện hiến tế dâng lên Chúa Cha. Lời cầu nguyện đạt đến đỉnh cao và chiều sâu của nó ở nơi tiếng kêu: “Cha ơi, sao cha bỏ rơi con” ở trên thập giá. Một tình yêu khẩn nài, đã được Chúa Cha đáp lời bằng sự phục sinh vinh hiển và ơn cứu độ cho nhân loại.

Ta cũng xin Chúa cho ta biết bắt chước như Chúa Giêsu để ngày mỗi ngày, giờ mỗi giờ, phút mỗi phút, giây mỗi giây luôn biết kết hiệp với Cha trong đời sống cầu nguyện.

Sưu tầm