Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Bài giảng

07.06 * Thứ Sáu XIII TN-B: Am 8:4-6,9-12; Mt 9:9-13 – Thứ Sáu sau Chúa Nhật 13 Mùa Thường Niên

 

Suy Niệm: Ánh Mắt Giê-su

Mát-thêu là một người thu thuế tại trạm thu thuế. Vào thời Chúa Giê-su, người thu thuế được coi là người tội lỗi và người tay sai cho người Roma vì người Roma đang đô hộ dân tộc Do-thái. Vì thế, Mát-thêu thường bị khinh bỉ và chống đối bởi xã hội và tôn giáo Do-thái. Chính vì vậy, Mát-thêu đã sống trong tủi nhục và đau khổ; Không một ai yêu thương và đón tiếp ông. Trong lúc cô đơn như vậy, Mát-thêu đã tìm thấy được ánh mắt yêu thương, cảm thông, tha thứ và thương xót, đó là ánh mắt Giê-su.

Đức Giê-su đã đi ngang qua trạm thu thuế và đã nhìn Mát-thêu đang ngồi tại trạm thu thuế với ánh mắt của lòng xót thương. Chúa Giê-su bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Lập tức Mát-thêu đã đứng dậy đi theo Đức Giê-su. Chúa Giê-su đã không nhìn bên ngoài người ta nghĩ gì về Mát-thêu, nhưng Chúa đã nhìn con tim, tâm hồn của Mát-thêu. Chúa đã xót thương Mát-thêu và đã chọn ông làm môn đệ.

“Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Lời nguyện:

Lạy Chúa, Chúa không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa đã thương xót con, kêu gọi con và đã chọn con làm môn đệ Chúa dù con đây yếu đuối và bất toàn.

Lạy Chúa, ánh mắt của Chúa nhìn Mát-thêu đã làm cho Mát-thêu lập tức đứng dậy, bỏ lại tất cả: tiền bạc, địa vị, danh vọng, sự nghiệp, gia đình và bạn bè để theo đi Chúa. Xin Chúa cũng hãy nhìn con với ánh mắt thương xót để con có sức mạnh đứng dậy, bỏ lại tất cả để bước đi theo Chúa.

Lm. Phê-rô Maria Bùi Công Minh