…Thiên Chúa là người cha nhân hậu, hết lòng yêu thương con cái. Ngài cũng chờ đợi chúng ta trở về với Ngài…
Trong dịp tết vừa qua chúng tôi đến thăm các gia đình, gặp gỡ truyện trò với các bậc cha mẹ, một trong câu chuyện đầu tiên các bậc cha mẹ nói đến, đó là chuyện con cái. Có những cha mẹ rất vui và hạnh phúc, khoe với các cha: “Nhà con năm nay các cháu về đông đủ, đầy nhà, ăn uống, vui lắm! Bây giờ giải tản về các nhà để đi chúc tết rồi”. Có người buồn bã kể: “Con có đứa con trai, năm nay cả hai vợ chồng nó không đứa nào về, cũng không cho con nó về”. Có gia đình kể: “Ông bà con còn ở quê, năm nay mừng thượng thọ. Con mua vé máy bay cho cả nhà về ăn tết với ông bà và mừng thượng thọ ông bà luôn. Chẳng biết các cụ còn sống được bao lâu nữa! Có tốn kém một chút nhưng làm cho các cụ vui với con cháu là được”. Ngày tết là ngày của gia đình, ngày của tình thân, ngày con cái bày tỏ lòng thảo hiếu với mẹ cha. Có những cha mẹ biết rằng con không về, nhưng vẫn chờ vẫn mong. Cha mẹ chờ mong không phải vì đồng quà, tấm bánh, mà chỉ vì muốn gặp lại con cháu trong những ngày quan trọng linh thiêng này. Có những người con biết nghĩ đến cha mẹ, hy sinh gác lại công việc, chấp nhận tốn kém để về với ông bà cha mẹ.
Thiên Chúa là người cha nhân hậu, hết lòng yêu thương con cái. Ngài cũng chờ đợi chúng ta trở về với Ngài. Ngài muốn chúng ta sống sao cho trọn đạo làm con đối với Ngài. Lời Chúa Chúa nhật II mùa chay hôm nay nói cho chúng ta về một Thiên Chúa là cha yêu thương và cũng giới thiệu cho chúng ta gương mẫu những người con hiếu thảo.
Bài đọc hai hôm nay là những lời tán tụng thật xúc động về tình thương của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cho ta thấy hình ảnh Thiên Chúa là cha, Ngài như lá chắn che chở cho con cái, luôn bênh vực con của mình: Có Thiên Chúa bênh vực chúng ta, nào ai chống lại được chúng ta? Hơn thế nữa, Thiên Chúa không hề tiếc chúng ta điều gì: Đến như chính con ruột của Ngài, Ngài còn chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp Người Con ấy vì chúng ta. Như vậy chắc chắn Thiên Chúa sẽ không tiếc gì với chúng ta nữa. Tác giả cũng cho thấy, Thiên Chúa còn rộng lượng để tha thứ cho chúng ta tất cả, cho dù chúng ta có phản nghịch chống lại Chúa. Chúa Giêsu cũng không kết án chúng ta, vì chính Ngài đã chết và sống lại là để cứu chuộc chúng ta và Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho chúng ta.
Vì Thiên Chúa hết mực yêu thương như vậy, Ngài không được lợi gì khi yêu thương chúng ta, Ngài chỉ mong muốn một điều duy nhất là chúng ta cũng yêu mến Ngài và sống xứng đáng là những người con của Chúa.
Bài đọc một cho chúng ta hình ảnh thảo hiếu của tổ phụ Apbraham. Ông sống với Chúa chân thành như con cái đối với cha mẹ và thân thiết với Thiên Chúa như bạn hữu. Ông hết lòng tin tưởng vào tình thương và lời hứa của Thiên Chúa không hề từ chối Chúa một điều nào. Cuộc sống của ông đang yên ổn, giàu có tại thành Ur, Thiên Chúa đã gọi ông và muốn ông rời bỏ quê cha đất tổ, để đi đến một vùng đất mới, cùng với lời hứa: Ta sẽ ban cho ngươi một vùng đất, sẽ cho ngươi con cháu đông như sao trên trời và ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi. Tất cả lời hứa còn ở phía trước và cũng không biết đến bao giờ Chúa sẽ thực hiện, nhưng Apbraham vẫn tin và bước đi theo lời gọi của Chúa.
Câu chuyện hôm nay cho thấy, Thiên Chúa đã tự mình ký kết giao ước với Apbraham để củng cố thêm lòng tin của ông. Tự ký kết giao ước với Apbraham, có nghĩa là Thiên Chúa tự trói muộc mình vào với ông. Kể từ khi đáp lại lời Chúa để ra đi, Apbraham đã trở thành người bạn thân với Chúa. Có những lúc ông bị thử thách nặng nề, như khi ông đã già mà vẫn chưa có con. Khi ông có được một người con, Thiên Chúa lại muốn ông sát tế con cho Chúa. Apbraham đã không từ chối, không hồ nghi cũng không hề tiếc với Chúa điều gì. Ông sẵn sàng làm tất cả những gì Chúa muốn, vì ông tin Chúa luôn có phương án tốt nhất cho ông.
Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy sự thảo hiếu của Người Con Một của Thiên Chúa đó là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã không từ chối Chúa Cha điều gì, Ngài luôn hết lòng yêu mến và vâng phục Chúa Cha kể cả chấp nhận cái chết. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa tỏ vinh quang cho các môn đệ trên núi cao trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Các môn đệ thân tín đã được Chúa cho xem thấy giây phút vinh quang rự rỡ: Mặt Người sáng như mặt trời, áo Ngài trắng như tuyết, có ông Mose và Elia hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cho các tông đồ xem thấy trước vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài để cũng cố đức tin cho các ông, trước khi chứng kiến cuộc khổ nạn thập giá. Hai vị ngôn sứ là Mose và Elia xuất hiện như đại diện cho truyền thống Lề luật và Ngôn sứ, tức là đại diện cho toàn bộ Cựu Ước để làm chứng về Chúa Giêsu trước mặt các môn đệ.
Có lẽ mục tiêu chính của cuộc biến hình này, là dịp để Thiên Chúa Cha giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ và cũng là dịp Thiên Chúa bày tò “sự hài lòng” của Ngài đối với Chúa Giêsu. Trong lúc các tông đồ đang kinh hoàng, sợ hãi, thì có tiếng Chúa Cha từ trời phán: Đây là Con Ta yêu dấu! Hãy vâng nghe lời Người. Đây là lần thứ hai, Thiên Chúa Cha đã công khai giới thiệu Con của Ngài cho nhân loại và nói lên sự hài lòng về Người Con của mình.
Thiên Chúa Cha hài lòng về Người Con là Chúa Giêsu và gọi Chúa Giêsu là Con rất yêu dấu, vì Chúa Giêsu luôn sống hiếu thảo với Cha và luôn làm đẹp lòng Cha. Chúa Giêsu thể hiện sự hiếu thảo bằng việc hoàn toàn vâng lời, vâng lời cho đến nỗi chịu chết, chết trên cây thập giá. Chúa Giêsu sống hiếu thảo bằng cách thường xuyên “thăm hỏi, truyện trò” với Cha qua cầu nguyện. Người nhận ra ý Chúa Cha và sẵn sàng thi hành trong suốt cuộc đời. Thiên Chúa Cha hài lòng và hoàn toàn trao phó chương trình cứu độ, phục hồi nhân loại cho Chúa Giêsu, đồng thời căn dăn các tông đồ: Hãy vâng nghe Lời Người.
Thiên Chúa Cha muốn các tông đồ và mỗi chúng ta vâng nghe lời Chúa Giêsu, tức là nghe trong sự vâng phục, tin tưởng và phó thác cho Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu vâng nghe và tin tưởng phó thác cho Chúa Cha. Trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ về cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Ngài nói về việc Con Người từ cõi chết sống lại. Đây là điều rất khó chấp nhận đối với các tông đồ. Vì các tông đồ theo Chúa, cho đến lúc này, vẫn tìm kiếm địa vị danh vọng theo kiểu trần gian. Các ông chưa dễ dàng chấp nhận Thầy Giêsu sẽ vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết một cách đau đớn nhục nhã. Các tông đồ càng khó chấp nhận việc các ông cũng sẽ phải vâng nghe để bước vào cùng một con đường với Thầy Giêsu
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một Thiên Chúa là Cha gần gũi, yêu thương con người và mời gọi chúng ta sống tình thảo hiếu với Thiên Chúa như con cái với cha mẹ. Mùa chay chính là dịp để chúng ta làm mới lại tương quan của chúng ta với Chúa, và rà sóat lại bổn phận của ta đối với Ngài. Có thể chúng ta đã mải mê với công việc và cuộc sống, bị lối kéo bởi những thú vui và lo tìm kiếm của cải vật chất, đến độ bỏ quên bổn phân đối với Chúa. Mặc dù chúng ta lười biếng, cố tình xa tránh Thiên Chúa, để mình lấm lem trong tội, nhưng Thiên Chúa vẫn không thể quên và không thể bỏ chúng ta. Thiên Chúa vẫn luôn nhớ đến và ban ơn trợ giúp cho ta mỗi ngày và vẫn chờ đợi chúng ta quay về với ngài. Mùa chay là cơ hội tốt nhất để trở về với lòng Chúa xót thương, bằng việc lãnh nhận Bí tich Giải tội và Thánh Thể Chúa.
Giống như con cái thu xếp công việc để về với ông bà cha mẹ ngày tết thế nào, chúng ta cũng được mời gọi để sắp xếp, đều chỉnh lại nếp sống của cá nhân và gia đình để mọi thành viên để trở về gặp gỡ Thiên Chúa qua các giờ lễ mỗi ngày. Cần sắp xếp để gia đình có giờ kinh cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa; sắp xếp để gia đình có những bữa cơm tối xum họp với nhau trong tình thân và hãy sắp xếp để cha mẹ con cái có nhiều giờ hơn ở bên nhau, đi chơi, nói chuyện, vui đùa với nhau.
Xin Chúa giúp mỗi người biết để tâm lắng nghe và sẵn sàng vâng theo lời Chúa truyền dạy, dù lúc vui cũng như lúc buồn, để nhờ biết vâng nghe và thực hành, chúng ta trở nên những người con hiếu thảo của Chúa. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí