Có một lần dạy giáo lý tôi hỏi các em: Thông thường khi phạm tội điều đầu tiên mình phải làm gì?
Một em trả lời: Thưa cha, bỏ chạy ạ!
Nghe cũng lạ những mà sao cũng đúng thế! Vì phản ứng đầu tiên của người thấy mình sai là bỏ chạy, chạy không được thì đổ tội, đổ tội không được mới nhận tội. Quy luật vẫn là thế.
Có vị linh mục kia thấy một em bé đang kiễng chân lên để nhấn chuông một căn hộ, mà em thì thấp, lên kiễng mãi cũng chẳng với tới. Vị linh mục đó đã đến bế em đó lên để em nhấn chuông. Nhấn xong. Đặt em bé xuống đất, linh mục hỏi: Con còn muốn ta giúp gì nữa không? Nó liền nói: bỏ chạy! Thế là nó ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Hóa ra nó đang nhấn chuông để phá nhà hàng xóm . . . Hú hồn cho vị linh mục.
Con người thường có khuynh hướng chối tội, hay đổ lỗi cho người khác. Đành rằng ai cũng nói “dám làm dám chịu”, thế nhưng, “đào vi thượng sách” vẫn là kế hay. Và nếu không chạy được thì đổ tội cho người khác, hay hoàn cảnh mà ra.
Từ nguyên thủy Adam- Eva cũng có thái độ ấy. Khi phạm tội họ nghe tiếng chân Chúa nên cũng bỏ chạy. Chạy không được thì Adam đổ tội cho Eva “Tại người đàn bà này mà tôi ăn trái cấm”. Eva đổ tội cho con rắn . . . .
Nhưng có một Đấng đã không hề phạm tội lại nhận hết tội lỗi về mình. Ngài tự nguyện gánh lấy tội trần gian. Ngài là con chiên vẹn tuyền chịu hiến tế để đền tội cho con người. Vâng, Đức Giê-su thành Nagiaret là Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng đã mặc lấy thân xác con người. Ngài đã trở nên giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài tự nhận mình là tội nhân khi hòa mình vào dòng người tới nhận phép rửa của Gioan. Hành vi này như muốn dạy con người chúng ta hãy biết liên đới trách nhiệm với tha nhân. Liên đới để giúp nhau thăng tiến. Liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau. Tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Người ta thường kể về thị trưởng đầu tiên của thành phố New York với giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “Gia đình tôi đang chết đói”.
Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la”. Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền và trao tất cả cho ông lão.
Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.
Nếu cuộc đời con người biết sống có tình liên đới thì cuộc đời đẹp biết bao! Người ta sẽ “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”. . .
Nếu cuộc đời ai cũng có trách nhiệm liên đới với người nghèo, người bệnh tật, người bất hạnh thì cuộc đời hạnh phúc biết bao! Người ta sẽ không có thái độ dửng dưng với nhau nhưng biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, và chắc chắn sẽ không có những phận người cô đơn buồn tủi.
Nếu cuộc đời ai cũng cảm thấy có trách nhiệm với cả những lỗi lầm của người khác thì xã hội sẽ thăng tiến biết bao. Vì ai cũng nỗ lực sống chu toàn bổn phận của mình, sống gương mẫu và chắc chắn sẽ không làm gì để gây gương mù gương xấu cho tha nhân.
Ước gì cuộc đời chúng ta cũng được hiến tế cho anh em. Một cuộc hiến tế không bằng máu mà bằng hy sinh từ bỏ thói hư tật xấu, hy sinh hãm dẹp tính xác thịt, hy sinh để sống làm gương sáng cho tha nhân. Ước gì tình liên đới của con người luôn là mối dây hiệp nhất yêu thương để tình người mãi gắn kết và cùng nhau xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền