Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Gương Soi Tâm Hồn Bạn

Một hôm, bạn đi tham dự Thánh Lễ, và có điều gì đó trong Tin Mừng làm bạn chú ý hơn và chợt thức tỉnh.

Có lẽ điều đó làm cho bạn muốn lớn lên (thăng tiến) trong tinh thần biết ơn hoặc xem xét một mối tương quan. Cho dẫu đến phần cuối phụng vụ, bạn không thể nhớ những bài đọc, hãy để ý tưởng của bạn hướng dẫn. Bạn biết có điều gì đó đặc biệt đã xảy ra, nhưng bạn không nhớ đó là gì.

Bạn đã từng có một sự trải nghiệm như thế chưa? Tôi thì chắc chắn có. Đã nhiều lần tôi nguyện Kinh Phụng Vụ, suy niệm Lời Chúa, hoặc được truyền cảm từ một bài giảng hoặc từ ý tưởng của tác giả viết sách tâm linh, nhưng rồi để quên tất cả trong suốt ngày sống

Nếu bạn có khuynh hướng này và ngay cả nếu bạn không có, thì thật hữu ích để bạn duy trì việc nhật ký cầu nguyện. Có lẽ bạn đã bắt đầu trong quá khứ, nhưng nó đã không thành công vì thiếu thời gian hoặc vì bạn đã không chắc chắn điều gì để viết. Điều đó cũng đã xảy ra cho tôi. Nhưng tôi vẫn kiên trì cầu nguyện hằng ngày suốt hai mươi năm qua và tôi có thể thấy hoa trái của việc cầu nguyện đã mang lại trong cuộc sống của tôi.

Bạn và Chúa. Nhật ký cầu nguyện là một cuốn nhật ký tâm linh, một sự giao tiếp riêng tư giữa bạn và Chúa. Đó là nơi bạn có thể tâm sự mọi suy nghĩ của bạn với Người.

Bạn viết gì? Bất cứ điều gì chạm đến hay tác động bạn về tâm linh: Lời Chúa và sự đáp trả của bạn; những chuyện bình thường xảy ra nơi làm việc hay ở nhà; những niềm vui và thành công của bạn, đau khổ và thất vọng, kể cả những biến cố lớn nhỏ. Việc ghi chép nhật ký hằng ngày giúp bạn biết được những gì xảy ra khi bạn ngồi với Chúa và tự hỏi xem Người đang nói gì với bạn qua Thánh Kinh và qua những kinh nghiệm của bạn.

Nếu bạn cần sự khích lệ để bắt đầu (hoặc bắt đầu lại) nhật ký của bạn, hãy nghĩ đến Vua Đa Vít, một người rất đẹp lòng Chúa (một người cận kề bên lòng Chúa). Nhiều thánh vịnh được cho là của Vua Đa Vít và là một phần làm nên bộ sưu tập các lời cầu nguyện được những người Do Thái sử dụng khi họ đến thờ phượng tại Đền Thờ.

Thực sự, toàn bộ Sách Thánh Vịnh đọc giống như một cuốn nhật ký cầu nguyện toàn diện. Một số thánh vịnh là những diễn tả về tình yêu ngọt ngào đối với Thiên Chúa. Một số là những bài ca ngợi hùng hồn. Những thánh vịnh khác diễn tả niềm vui về thiên nhiên, sự thất vọng về những thất bại, hoặc nỗi đau đớn sâu xa và sự sám hối về tội lỗi. Sự chữa lành, sự đau khổ, sự an ủi – những thánh vịnh là nguồn cảm hứng phong phú!

Hãy bắt đầu ở đây. Bạn hãy bắt đầu nhật ký cầu nguyện của bạn bằng cách thực hiện một vài lựa chọn. Trước hết, hãy quyết định những gì bạn sẽ sử dụng: một cuốn tập, một máy tính, một vòng kẹp giấy (có thể mở ra) một cuốn nhật ký mới (chưa viết), hoặc có thể một cuốn nhật ký cầu nguyện. Hãy chọn khi nào bạn sẽ cầu nguyện (tốt hơn là cùng thời gian mỗi ngày) và ở đâu (một nơi yên tĩnh và không bị chia trí).

Khi bạn cầu nguyện, hãy lắng đọng những suy nghĩ của bạn. Nếu hữu ích, hãy thắp một ngọn nến hoặc nghe nhạc đạo. Hãy cầu nguyện lớn tiếng hay âm thầm trong tâm hồn của bạn, hãy mời Chúa Giêsu đến ở với bạn.

Không có một mẫu thức nào cho những gì phải làm hoặc khi nào. Bạn có thể đọc Thánh Kinh – Bài Tin Mừng của Chúa Nhật tới, hoặc có thể là một Thánh Vịnh. Hoặc chỉ cần nói với Chúa về bất cứ điều gì trong tâm trí của bạn. Tôi thường cầu nguyện lớn tiếng; điều đó nhằm giữ tôi tập trung.

Thế rồi hãy viết lại một đoạn Lời Chúa và cố gắng ghi nhớ nó. Chẳng hạn, trong đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca 11,1-13, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện, tôi được đánh động bởi những từ xin, tìm kiếm và gõ cửa. Tôi nhớ một vài đoạn và suốt cả tuần đó, tôi chân thành cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa sự hiện diện của Chúa Giêsu. Nếu bạn không cảm thấy được truyền cảm hứng gì cách đặc biệt, chỉ cần đơn giản chiêm ngắm Tượng Chịu Nạn và cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng.

Cho dẫu bạn làm gì khác, hãy cố lắng nghe trong sự thinh lặng thánh thiện. Đôi khi, dường như là sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Những lần khác, bạn có thể cảm nhận rõ  sự hiện diện của Chúa Giêsu.

Những Hoa Trái. Việc duy trì viết nhật ký cầu nguyện có thể giúp bạn trung thành với kỷ luật của việc cầu nguyện hằng ngày và tiến xa hơn nữa. Nếu bạn ghi ngày cho mỗi mục, bạn có thể biết mình đang tiến bộ ở đâu và cần thay đổi chỗ nào. Ghi chép lại những lời cầu xin khi cầu nguyện, bạn sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa đã trả lời những lời cầu nguyện ấy từ một tháng hoặc thậm chí cả năm trước. Bạn sẽ thấy chính mình quay trở lại các mục đã đánh động bạn. Đối với tôi, nhiều mục trong số này tập trung vào Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, Đấng ban cho tôi tất cả những gì tôi cần. Trong nỗi cô đơn, Người là bạn của tôi; khi tôi bị cám dỗ, Người là sự giải thoát (ơn cứu độ) của tôi; những lúc yếu đuối, Người là sức mạnh của tôi.

Khi viết nhật ký, bạn sẽ tìm thấy những cách sáng tạo để đáp lại Chúa. Khi tôi gặp những đoạn trích đầy cảm hứng, tôi viết chúng vào trong cuốn nhật ký của tôi. Đôi khi, tôi tạo nên các bản vẽ hoặc các biểu đồ hoặc liên kết một số bản văn từ tất cả những gì tôi đã suy niệm. Tôi có thể viết nhanh một từ hoặc cụm từ quan trọng từ nhật ký của mình – để mang theo và đọc lại trong cả ngày hầu in sâu Lời Chúa vào trong tâm hồn tôi.

Nếu bạn hỏi mọi người tại sao họ duy trì những nhật ký cầu nguyện, bạn sẽ nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. “Nó giúp tôi phân định rõ những suy nghĩ của mình và chân thành hơn với Chúa”. “Khi tôi thấy cách Chúa trả lời những lời cầu nguyện của tôi, nó giúp tôi xây dựng niềm tin của mình”. “Nó giúp tôi tập trung vào những điều quan trọng”.

Trong Lâu Đài Nội Tâm, Thánh Têrêsa Avila so sánh mỗi người với một lâu đài với 7 dinh thự. Những điều đánh động tôi là Chúa Giêsu, (Đấng là) Chúa và Vua trong dinh thự trung tâm, Người đang mời tôi thực hiện hành trình đến trung tâm này mỗi ngày! Người cũng đang mời bạn. Vì thế bạn hãy thử đi. Hãy viết một lá thư cho Chúa Giêsu. Hãy trải lòng bạn (với Người). Hãy ngồi thinh lặng. Và sau đó… hãy lắng nghe!

Về cơ bản, tất cả các lý do đều quy về điều này: nhật ký cầu nguyện là một công cụ giúp đào sâu mối tương quan của bạn với Chúa.

“Tôi” trong bài viết này là một nhóm vợ chồng. Don Swenson là giáo sư xã hội học tại Đại học Mount Royal, Calgary, Canada. Angela là một y tá và nữ hộ sinh đã nghỉ hưu.

Tác giả: Don và Angela Swenson

Nguồn: https://wau.org/resources/article/re_a_mirror_of_your_soul/