Đức Giáo Hoàng Sixtô III là người đã thiết lập Thánh lễ nửa đêm Giáng Sinh.
Giáo Hội quy định lễ Giáng Sinh được cử hành với 4 Thánh lễ trong 4 thời điểm khác nhau, từ đêm 24 đến hết 25/12: lễ Vọng cử hành sau 4 giờ chiều 24/12; lễ Đêm cử hành sau 10 giờ tối 24; lễ rạng đông vào sáng 25 và lễ ban ngày Giáng Sinh. Mỗi Thánh lễ đều có lời nguyện, bài đọc và thánh vịnh khác nhau.
Lễ Vọng, không luôn được cử hành, sử dụng bài đọc trong Tin Mừng Mátthêu về gia phả Chúa Giêsu. Trong lễ nửa đêm Giáng Sinh, chúng ta nghe bài đọc trong Tin Mừng Luca kể câu chuyện súc tích về đêm Chúa sinh ra. Vào lễ rạng sáng, nhiều nơi không cử hành lễ này, bài đọc là chuyện các mục đồng đến viếng Chúa ở Bêlem trong Tin Mừng Luca. Và trong lễ ban ngày Giáng Sinh, chúng ta đọc chương đầu Tin Mừng Gioan nói về “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”.
Nhưng tại sao có đến 4 Thánh lễ khác nhau về phụng vụ trong cùng một ngày lễ như vậy? Có nhiều lời giải thích cho điều này.
Vào thời điểm năm 385, các tín hữu ở Giêrusalem tổ chức lễ Chúa Giáng Sinh, Hiển Linh và Dâng Chúa vào Đền Thánh vào cùng ngày 6/1. Nghi thức bao gồm việc tập trung ở Bêlem và cử hành một buổi tế tự, sau đó là đi rước dưới ánh đuốc đến Giêrusalem. Khi đến Giêrusalem thì trời đã hừng sáng, người ta cử hành một Thánh lễ nữa.
Thời gian đó, có một Kitô hữu người Rôma tên là Egeria đến Giêrusalem và quan sát nghi thức này. Trở về Rôma, cô kể lại với một người đàn ông. Người đàn ông đó 47 năm sau trở thành Giáo Hoàng, chính là Đức Sixtô III. Hứng thú với câu chuyện của Egeria, ngài cho thiết lập Thánh lễ Giáng Sinh nửa đêm. Ngài là người đầu tiên cử hành Thánh lễ nửa đêm tại “hang động Giáng Sinh” mà ngài đã cho xây ở Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để lưu giữ thánh tích chiếc máng cỏ thật Chúa đã nằm.
Một truyện tích khác kể lại như sau. Ngày xưa người ta chỉ cử hành một Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào lúc 9 giờ sáng ngày 25/12. Nhưng có một điều không hay là ngày 25/12 trùng với ngày dân ngoại thờ thần mặt trời. Người tín hữu Rôma cũng học theo thói dân ngoại, trước khi vào lễ thì quỳ lạy mặt trời rồi mới vào. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả không chấp nhận chuyện này, ngài muốn tín hữu chỉ quỳ lạy một mình Chúa Giêsu mà thôi, nên ngài thêm một Thánh lễ vào nửa đêm 24/12 để người ta không thể lạy mặt trời trước khi vào lễ.
Còn về lễ rạng đông thì nguyên nhân như sau. Vào thế kỷ 6, nhiều Thánh Tử Đạo được mừng kính vào cùng ngày 25/12, trong đó có Thánh Anastasia Sirmium. Sáng sớm Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng phải đi đến một nơi ở thành Rôma mà triều đình Byzantine sống để cử hành Thánh lễ riêng mừng Thánh Anastasia. Cuối cùng, vì tính chất quan trọng của lễ Giáng Sinh, lễ Thánh Anastasia bị dời đi hoặc huỷ bỏ, và buổi sáng 25/12 được lấp vào bằng Thánh lễ rạng đông Giáng Sinh, thường được gọi là “Lễ Mục Đồng”.
Lễ rạng đông được cử hành rộng rãi ở nhiều nơi. Ở Mỹ Latinh và Philippines, nó được gọi là “Misa de Gallo” tức là “Lễ của Gà Trống.”
Theo Aleteia.org
Gioakim Nguyễn lược dịch