Lời nhập thể là một minh chứng sống động về Lòng thương xót của Thiên Chúa. Thực tế cho thấy, Lòng thương xót đã được tiếp diễn liên tục và xuyên suốt trong lịch sử loài người.
Mầu nhiệm Thập giá là đỉnh cao của Lòng thương xót, là chóp đỉnh mà ơn Cứu độ đã đổ tràn trên nhân loại khi Máu và Nước từ cạnh sườn Đức Kitô chảy ra. Lòng thương xót đã không dừng lại khi Chúa Giêsu về Trời mà còn tiếp tục được tái hiện nơi Chúa Thánh Thần – Đấng mà Thiên Chúa đã gửi đến để bảo trợ và hướng dẫn chúng ta trên hành trình trần gian.
Thật thế, Chúa Thánh Thần chính là hiện thân Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Một cách nào đó, Thiên Chúa muốn Lòng thương xót của Ngài luôn hiện hữu và đồng hành cùng con người. Từ ngày lễ Ngũ tuần, dòng chảy của Lòng thương xót ngang qua Chúa Thánh Thần đã luôn chèo lái và hướng dẫn con thuyền Giáo Hội vượt qua mọi sóng gió trần gian.
Chúa Thánh Thần đã trở nên khí cụ của Lòng thương xót trước hết nơi tâm hồn các tông đồ. Ngang qua ân sủng bình an và ngọn lửa yêu mến của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã được biến đổi thành con người mời: từ ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, nhút nhát, yếu lòng… đã trở nên can đảm, hân hoan, mạnh mẽ tuyên xưng và loan báo về Tin Mừng cứu độ.
Những dấu ấn của Chúa Thánh Thần được thể hiện rõ nơi Giáo Hội từ những ngày sơ khai. Cho đến bây giờ, trải qua hơn 2000 năm, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động và nhờ sự hướng dẫn đó, kho tàng Lòng thương xót của Thiên Chúa luôn hiện hữu cách sống động nơi Giáo Hội.
Vì Lòng thương xót, Chúa Thánh Thần đã đến thế gian và ngự trị nơi mỗi một con người chúng ta, cách đặc biệt ngang qua ấn tín của Bí tích Thêm sức. Là Kitô hữu trong gia đình Giáo Hôi, chúng ta cũng được mời gọi sống Lòng thương xót của Thiên Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Ơn thánh của Chúa Thánh Thần không chỉ dừng lại nơi bản thân mình, mà phải sinh hoa kết quả trong cuộc thường ngày, để mọi người đều được chia sẻ ơn thánh đặc biệt đó. Hay nói cách khác, chúng ta cần sống Lòng thương xót cách triệt để nơi thực tại trần thế để qua đó sức mạnh và ân sủng Chúa Thánh Thần được hiện hữu cách rõ ràng hơn.
Sống Lòng thương xót trước hết là nhìn lại tương quan của mình với Thiên Chúa: chúng ta có còn cậy trông và tin tưởng nơi tình thương của Ngài hay không? Đã bao lần ta thờ ơ, khước từ ơn Chúa đến với mình. Không ít lần vì những lợi ích vật chất, ta đã gạt Chúa ra khỏi cuộc đời.
Sống Lòng thương xót là sống tình yêu thương và tôn trọng nhau trong tương quan với mọi người: đã bao lần ơn Chúa bị đóng chặt và bị bóp nghẹt ngay trong bản thân mình, để rồi ta trở nên vô cảm trước những kêu than của những mảnh đời nghèo khổ, đói khát bên lề cuộc sống. Đã nhiều lần ta câm lặng, bịt mắt trước những bất công của xã hội, trước những tệ nạn hay xu thế đã và đang huỷ hoại môi sinh cũng như nhân phẩm con người.
Sống Lòng thương xót là nhận thức chính Chúa Thánh Thần đang hoạt động nơi mỗi người chúng ta: biết bao lần ta chọn lựa sự thờ ơ, mang trong mình sự hận thù ghen ghét, đã nhiều lần ta phớt lờ tiếng nói của lương tâm để buông thả trong những thú vui trụy lạc, tội lỗi mà quên đi mình là một người tín hữu.
Lễ Hiện xuống mời gọi mỗi người chúng ta ghi nhớ sự hiện hữu sống động của Chúa Thánh Thần nơi chính bản thân mình. Đồng thời, nhắc nhở chúng ta luôn lắng đọng tâm hồn để lắng nghe và cảm nghiệm tiếng nói của Chúa Thánh Thần – hiện thân Lòng thương xót Chúa nơi thâm sâu cõi lòng. Nếu ý thức được điều đó, đời sống chúng ta sẽ là minh chứng sống động cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và mỗi chúng ta trở nên nhịp cầu cho Lòng thương xót Chúa được sinh sôi và nảy nở giữa nhân gian đầy khô cằn hôm nay.
J.B Lê Đình Nam