Vatican. Chiều ngày 02.02.2018 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ, thường gọi là Lễ Nến. Đây cũng là thánh lễ cầu nguyện cho ơn gọi nhân ngày Quốc tế Đời sống Thánh hiến lần thứ XXII. Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Nếu không có cuộc gặp gỡ ấy, sẽ chẳng thể có ơn gọi thánh hiến.
Sau đây là toàn văn Bài giảng của Đức Thánh Cha:
Bốn mươi ngày sau Lễ Giáng Sinh, chúng ta mừng lễ dâng Chúa trong Đền Thờ, và cũng là dịp để Chúa gặp gỡ dân của Người. Đối với các Kitô hữu Đông phương, ngày lễ này được gọi là ngày lễ của sự gặp gỡ. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa nơi một hài nhi với toàn nhân loại đang đợi chờ Ngài với đại diện là các bậc cao niên trong Đền Thờ.
Người trẻ gặp gỡ bậc cao niên với tâm điểm là Chúa Giêsu
Trong Đền Thờ cũng có cuộc gặp gỡ khác. Đó là cuộc gặp gỡ giữa gia đình trẻ là thánh Giuse và Mẹ Maria với các bậc cao niên là cụ ông Simeon và cụ bà Anna. Bậc cao niên đón nhận người trẻ, và người trẻ yêu mến kính trọng bậc cao niên. Mẹ Maria và thánh Giuse tìm thấy nơi Đền Thờ căn cội của dân tộc mình. Điều này rất quan trọng, bởi vì lời hứa của Thiên Chúa không được nhận ra một cách cá nhân đơn lẻ, nhưng trong một cộng đồng, một dân tộc, trong dòng lịch sử.
Các ngài tìm thấy căn cội của đức tin không phải là những gì được ghi chú trong sách vở, nhưng là nghệ thuật sống với Thiên Chúa, để học được kinh nghiệm Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta trên suốt hành trình. Và như thế, hai người trẻ là Mẹ Maria và thánh Giuse gặp gỡ hai bậc cao niên là cụ Simeon và cụ Anna, hai người trẻ gặp gỡ hai bậc cao niên như thế là tìm thấy chính mình. Hai bậc cao niên cho đến cuối cuộc đời, đã được đón nhận Hài Nhi Giêsu. Các ngài mãn nguyện với cuộc đời đầy tràn ý nghĩa. Điều này được nói tới trong sách tiên tri Gioen rằng: “Người già sẽ được báo mộng, thanh niên sẽ thấy thị kiến” (3,1). Trong cuộc gặp gỡ ấy, người trẻ đã nhìn thấy sứ mạng cuộc đời mình, còn bậc cao niên thì nhận thấy ước mơ của họ. Trong tất cả những điều ấy, tâm điểm là cuộc gặp gỡ, mà nơi đó có Chúa Giêsu.
Gặp gỡ Chúa và sống kinh nghiệm của sự đảo ngược
Chúng ta hãy nhìn chính mình, nhìn những anh chị em thân thân mến của chúng ta, nhìn những anh chị em đang sống đời thánh hiến. Tất cả đều bắt đầu với cuộc gặp gỡ với Chúa. Từ cuộc gặp gỡ ấy, từ lời kêu gọi ấy, làm nảy sinh hành trình của đời thánh hiến. Chúng ta cần ghi khắc điều ấy. Nếu chúng ta còn nhớ rõ, chúng ta sẽ thấy, trong cuộc gặp gỡ ấy, không chỉ có Chúa Giêsu, mà còn có dân Thiên Chúa, có Giáo Hội, có người trẻ, có bậc cao niên. Những điều ấy giống như trong Tin Mừng. Có một điều thú vị ở đây. Trong khi những người còn trẻ là Mẹ Maria và thánh Giuse thì giữ trung thành Lề Luật, còn các bậc cao niên lại đi nói tiên tri. Thông thường thì ngược lại. Thường thì người trẻ nói về tương lai còn người già nói về quá khứ. Nhưng trong Tin Mừng có sự đảo ngược, bởi vì khi chúng ta gặp gỡ Chúa, chúng ta sẽ được dẫn tới những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. Để điều ấy tiếp tục diễn ra trong đời sống thánh hiến, chúng ta cần khắc ghi cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, luôn có Chúa làm trung tâm cuộc sống, và luôn làm mới lại cuộc gặp gỡ ấy trong từng ngày sống. Nếu như những người trẻ được kêu gọi để mở ra những cánh cửa mới, thì người cao niên có những chìa khóa. Sự tươi trẻ của một học viện nằm ở chỗ nó trở về căn cội, ở chỗ các người trẻ lắng nghe bậc cao niên. Sẽ không có tương lai nếu không có cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và bậc cao niên. Sẽ không có sự phát triển, nếu không có gốc rễ. Sẽ chẳng có hoa trái, nếu không có chồi non. Sẽ chẳng bao giờ có tiên tri nếu không có ký ức, sẽ chẳng có ký ức nếu không có tiên tri. Những điều ấy luôn luôn gặp nhau.
Gặp gỡ Chúa Giêsu nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục
Cuộc sống ngày nay quá bận rộn làm cho chúng ta đóng cửa trước nhiều cuộc gặp gỡ, thường là vì chúng ta sợ người khác, nhưng cửa của các trung tâm và mạng lưới mua sắm thì lúc nào cũng mở. Trong đời sống dâng hiến thì không được như thế. Các anh em chị em mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, là một phần của lịch sử, là quà tặng mà chúng ta cần trân quý giữ gìn. Đừng nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn là nhìn vào ánh mắt của các anh chị em, hoặc đừng bị dính chặt vào các chương trình hoạch định hơn là kết nối với Chúa. Bởi vì một khi các chương trình, các kỹ thuật, các cấu trúc được đặt ở trung tâm, thì đời sống thánh hiến không còn hấp dẫn và không còn kết nối nữa. Khi ấy, đời sống thánh hiến không được nuôi dưỡng vì nó đã bị lãng quên giống như nén bạc bị chôn giấu.
Đời sống thánh hiến nảy sinh và tái sinh từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục. Điều ấy luôn luôn có hai chiều. Một mặt là sáng kiến của tình yêu Thiên Chúa, để từ đó mọi sự khởi đầu và cũng từ đó chúng ta phải trở về luôn luôn. Mặt khác là sự đáp lại của chúng ta với tình yêu mến chân thành, muốn theo gương Chúa Giêsu nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Vì thế, trong một thế gian luôn tìm cách tích trữ, thì trong đời sống thánh hiến, chúng ta từ bỏ giàu sang để có được Chúa là gia tài duy nhất. Giữa một thế gian theo đuổi các thú vui và ước muốn của bản thân, thì đời sống thánh hiến được tự do khỏi những tình cảm muốn sở hữu, để có thể hoàn toàn yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân. Trong một thế gian bị buộc phải làm theo những gì nó muốn, thì đời sống thánh hiến lại chọn việc vâng phục khiêm tốn là tự do lớn nhất. Và trong một thế gian trắng tay và con tim trống rỗng, thì đời sống thánh hiến theo Chúa Giêsu tràn ngập bình an, và cho đến cuối cuộc đời, như Tin Mừng kể lại về cụ Simeon và cụ Anna, họ có Chúa để ẵm trên tay và niềm vui ngập tràn tâm hồn.
Không còn tay trắng, không còn trái tim trống rỗng
Thật là tuyệt vời biết bao cho chúng ta, khi có Chúa để bồng ẵm trên tay giống như cụ Simeon (Lc 2,28). Không chỉ trong trí khôn hay trong tâm hồn, mà còn trên đôi tay nữa, trong mọi việc chúng ta làm: trong cầu nguyện, trong làm việc, trên bàn ăn, khi nghe điện thoại, khi đi học, lúc đi thăm người nghèo, mọi nơi mọi lúc. Khi có Chúa ở trên tay, cũng là lúc chúng ta được giải thoát khỏi thứ chủ nghĩa huyền bí nhưng kỳ thực ra sức cô lập và trống rỗng, chúng ta được giải thoát khỏi thứ chủ nghĩa quá ham thích hoạt động nhưng kỳ thực chỉ gây rối loạn. Sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong đời sống cũng là phương thuốc chữa trị tình trạng tê liệt, và mở ra ân sủng. Hãy để cho mình bước vào cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu, hãy gặp gỡ Chúa Giêsu. Đó là bí quyết duy trì sức sống của đời sống thiêng liêng. Đó là cách để mình không bị cuốn vào vòng xoáy của đời sống ngột ngạt với những cay đắng, thất vọng. Hãy gặp gỡ Chúa Giêsu trong những anh chị em, trong người già người trẻ, để vượt thắng những cám dỗ theo kiểu: ôi những đẹp của quá khứ đã qua, ôi ở đây chẳng có gì tốt cả. Nếu hàng ngày chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em mình, thì trái tim chúng ta không bị phân cực thành quá khứ và tương lai, nhưng chúng ta sống cái hiện tại của Thiên Chúa trong bình an với mọi người.
Trong phần cuối của các sách Tin Mừng, có một cuộc gặp gỡ khác với Chúa Giêsu. Câu chuyện ấy có thể gợi ý nhiều điều cho đời tận hiến. Đó là câu chuyện về những người phụ nữ đi thăm mộ. Họ đi tìm người chết nơi nấm mộ. Hành trình ấy dường như vô vọng. Anh chị em cũng thế, anh chị em đang đi trong một thế giới gạt bỏ lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Nhưng cũng giống như các phụ nữ, anh chị em vẫn tiếp tục tiến bước, mặc cho nỗi lo lắng rằng: ai sẽ lăn giùm chúng ta tảng đá ra khỏi cửa mộ (Mc 16,3). Và cũng giống như những người phụ nữ ấy, những người đầu tiên được gặp Chúa sống lại và đang sống (Mt 28,9), những người ngay lập tức loan báo tin vui với các anh em. Họ loan báo với ánh mắt trong sáng và niềm vui ngập tràn. Do đó, anh chị em thân mến, anh chị em là bình minh của Giáo Hội. Cha muốn chúc mừng anh chị em, muốn nhắc lại cho anh chị em cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, để anh chị em cùng nhau bước đi với Chúa. Kinh nghiệm ấy sẽ rọi sáng ánh mắt và từng bước chân của anh chị em.
Chuyển ngữ: Tứ Quyết SJ