Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Lắng nghe nhịp tim của Chúa Ki-tô

Câu chuyện về bữa ăn tối cuối cùng trong Phúc âm thánh Gio-an cho chúng ta một hình ảnh bí ẩn tuyệt vời. Thánh sử mô tả vị tông đồ yêu quý tựa đầu vào ngực Chúa Giê-su. Hình ảnh này chứa đựng điều gì? Rất nhiều điều:

Thứ nhất, khi bạn tựa đầu vào ngực người khác, tai của bạn nằm ngay bên trên trái tim người đó, bạn có thể nghe nhịp đập trái tim của họ. Vì vậy, trong hình ảnh của thánh Gio-an, chúng ta thấy vị tông đồ yêu dấu áp tai lên trái tim Chúa Giê-su, lắng nghe nhịp đập trái tim của Chúa, và từ đó nhìn ra thế giới. Đây là hình ảnh tối thượng về sứ vụ tông đồ của thánh Gio-an: Vị tông đồ lý tưởng là người hòa nhịp với nhịp tim của Chúa và nhìn thế giới với âm thanh của nhịp đập đó trong tai mình.

Và còn có một tầng mức thứ hai của hình ảnh này: Đó là biểu tượng của bình an, hình ảnh em bé ngả đầu vào ngực mẹ, hài lòng, thỏa mãn, êm dịu, không căng thẳng, không muốn ở đâu khác hơn nơi này. Đây là hình ảnh của tình mật thiết tối thượng, của sự nhất thể cộng sinh, một mối liên hệ còn sâu sắc hơn cả tình yêu lãng mạn.

Và đối với thánh Gio-an, đó còn là hình ảnh của bí tích Thánh thể: Điều mà chúng ta thấy trong hình ảnh một người áp tai lên trái tim của Chúa Giê-su, là cái cách mà thánh Gio-an muốn chúng ta hình dung chính mình khi tham dự bí tích Thánh thể, bởi vì, rốt cuộc, đây chính là ý nghĩa của bí tích Thánh thể, dựa đầu vào ngực Chúa Giê-su. Trong phép Thánh thể, Chúa Giê-su dành cho chúng ta, về mặt thực thể, một lồng ngực để dựa đầu vào, để được nuôi dưỡng, để cảm thấy an toàn và vững chãi, và từ đó nhìn ra thế giới.

Cuối cùng, đây còn là hình ảnh về cách chúng ta cần chạm đến Chúa và được Chúa duy trì trong sự cô tịch như thế nào.

Cha Henri Nouwen từng nói: “Bằng cách chạm vào tâm điểm của sự cô tịch chúng ta, chúng ta cảm thấy mình đã được những bàn tay thương yêu chạm đến.” Sâu thẳm trong lòng mình, giống như một dấu ấn, có một nơi Chúa đã chạm đến, đã vuốt ve và đã hôn chúng ta. Rất lâu trước khi ký ức của chúng ta có thể nhớ được, rất lâu trước khi chúng ta có thể nhớ được đã chạm tới hay đã thương yêu hay hôn ai hay cái gì, hay nhớ được mình đã được ai hay cái gì trên thế gian này chạm tới, đã có một thứ ký ức khác, một ký ức đã được những bàn tay thương yêu nhẹ nhàng chạm đến. Khi áp tai vào trái tim Chúa – vào lồng ngực của những gì tốt lành, chân chính và đẹp đẽ – chúng ta đã nghe một nhịp tim nào đó và chúng ta nhớ mãi, trí nhớ cất giữ ở một nơi ban sơ nào đó, ở một cấp độ vượt lên trên suy nghĩ, rằng mình đã từng được Chúa hôn dịu dàng.

Tựu trung, đây là điều sâu sắc nhất trong lòng chúng ta. Có một huyền thoại cổ xưa nói rằng khi tạo ra một em bé, Chúa hôn linh hồn của em và hát cho em nghe. Khi vị thiên thần hộ mệnh mang em xuống trần gian để nhập vào thể xác của em, vị đó cũng hát cho em. Huyền thoại này nói rằng nụ hôn và bài hát của Chúa, cũng như bài hát của vị thiên thần, mãi mãi lưu lại trong linh hồn em – để được đánh thức, nâng niu, chia sẻ, và trở thành nền tảng cho tất cả các bài hát của chúng ta.

Nhưng để cảm nhận được nụ hôn đó, để nghe thấy bài hát đó, cần có sự cô tịch. Bạn không cảm thấy được sự dịu dàng khi trong lòng và tất cả xung quanh bạn đều ồn ào, khó chịu, giận dữ, chua chát, ganh tị, tranh giành, và hoang tưởng. Âm thanh nhịp đập trái tim của Chúa chỉ có thể nghe được trong một cô tịch nào đó và trong sự dịu dàng mà nó mang lại. Thánh Gio-an Thánh giá từng định nghĩa cô tịch là “đem cái nhẹ nhàng hòa hợp với cái nhẹ nhàng.” Đó là cách ông nói về việc chúng ta sẽ bắt đầu nhớ lại cái chạm nguyên thủy của Chúa, khi, qua sự cô tịch, chúng ta dọn dẹp hết khỏi trái tim mình tất cả những gì không nhẹ nhàng, nghĩa là ồn ào, giận dữ, chua chát, và ganh tỵ. Khi chúng ta trở nên nhẹ nhàng, chúng ta sẽ nhớ lại rằng mình đã được đôi tay thương yêu chạm vào, và, giống như vị tông đồ yêu dấu, lúc đó chúng ta sẽ áp tai mình vào nghe nhịp đập trái tim của Chúa.

Vậy, trong mỗi chúng ta đều có một nhà thờ, một nhà nguyện, một nơi thờ phụng, một nơi tôn nghiêm không phải do bàn tay con người tạo nên. Và đó là nơi dịu dàng, nơi trinh trắng, nơi thiêng liêng, nơi không hề có giận dữ, không cảm thấy bị lừa dối, không cần phải tranh giành, và không cần phải bất an. Đó là nơi dịu dàng; nhưng nó có thể bị xâm phạm, bằng việc cam kết với chính mình nhưng lại không tôn trọng chính mình, và đặc biệt, bằng dối trá rồi duy lý hóa và tiếp theo đó là chai sạn, sa đọa và khô cứng của trái tim. Tuy nhiên, trái lại, đó cũng là nơi có thể vẫn không hề bị xâm phạm, thiêng liêng, không bị hề hấn gì kể cả khi bị lạm dụng và xâm hại.

Chính tại nơi đó, nơi chỉ vào được qua sự cô tịch và dịu dàng của tinh thần, mà chúng ta có được đặc ân tiếp cận với Chúa vì đó là nơi Chúa đã chạm đến chúng ta và nơi mà chúng ta nhớ lại điều đó, cho dù mờ nhạt đến đâu.

Chúng ta đã từng được chạm đến bằng đôi tay dịu dàng hơn nhiều và đầy thương yêu hơn nhiều so với đôi tay của chính chúng ta. Ký ức về cái chạm đó là một dấu ấn – ấm áp, sâu đậm, dịu dàng. Bước vào miền ký ức đó là dựa vào ngực Chúa, giống như vị tông đồ yêu dấu đã làm tại bữa ăn tối cuối cùng. Từ nơi đó, tai áp trên trái tim của Chúa Ki-tô, chúng ta có cái nhìn chân thật nhất về thế giới của chúng ta.

Sưu tầm