Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Xin cho chúng con lương thực hằng ngày..

“con” hay ‘chúng con”?

Hầu hết ai tin vào Chúa Giêsu đều biết đến lời kinh này. Đây là Kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ, khi các ông xin Ngài dạy họ cầu nguyện. Lời kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ tại một cánh đồng trống, không phải là hội trường hay nhà thờ. Ý muốn nói là lời kinh này không thuộc về riêng ai, nơi đồng trống nên lời kinh này thuộc về mọi người. Lời kinh đã được đọc 2000 năm qua. Một lần nữa trong những ngày của đại dịch Covid-19, chúng ta hãy nhìn chung quanh nhất là ở những nước tân tiến để cùng nhau ôn lại lời kinh này .

Chúa Giêsu hiểu được nỗi lo lắng của con người nặng trĩu với miếng cơm manh áo, nên lời khẩn cầu của Chúa Giêsu với Chúa Cha đã khởi đi từ một lời xin cấp thiết, như một người ăn xin đang trong cơn đói khát: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày!” Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã từng nói “lời cầu nguyện này xuất phát từ một thực tại mà chúng ta thường quên, đó là chúng ta không phải là những thụ tạo tự mình làm đủ và mọi ngày chúng ta cần được nuôi dưỡng.”

Hơn lúc nào hết, vì một thế giới có quá nhiều biến động nên chúng ta cần gặp gỡ Chúa Giêsu qua Tin Mừng của Ngài. Các thánh sử đã kể lại rất nhiều về những lời van xin của nhiều con người van nài lòng thương xót của Chúa. Có người xin lương thực, người khác xin chữa lành; vài người xin thanh tẩy, người nữa thì xin được thấy, được nói, được nghe hoặc xin cho người thân được sống lại. Các thánh sử cho chúng ta thấy Chúa Giêsu không bao giờ đi qua một cách hững hờ bên cạnh những lời cầu xin đau khổ đó. Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nhau liên lỉ cầu nguyện và van nài lòng thương xót Chúa Cha nơi Chúa Giêsu.

Hãy cầu nguyện vì thảm họa của Covid-19 đang làm cho cả thế giới khủng hoảng, mọi thứ hình như ngừng hoạt động. Nỗi lo lắng đã bao trùm cả thế giới. Số người chết và ca nhiễm mỗi ngày càng gia tăng. Truyền thông Hoa Kỳ hôm vừa qua cho biết trong vòng 24 giờ có trên 2000 ca tử vong. Và các quốc gia khác cũng trên đà gia tăng. Làm cho bao người đau khổ vì phải đối diện những mất mát của bệnh dịch gây ra, mất người thân, mất tiền của, mất việc làm, mất những ngày của bình an. Không biết sẽ còn mất gì nữa không? Các nơi thờ phượng cũng đã đóng cửa hoặc từ từ đóng cửa để tuân theo lệnh của chính phủ quốc gia. Rất nhiều người công giáo hoang mang vì họ phải đối diện thêm một cái mất nữa – đó là mất Thánh Lễ. Vì hiện nay trên thế giới cũng như tại nước Úc có nhiều nhà thờ đã đóng cửa. Thánh Lễ là nơi giáo dân lãnh nhận lương thực hằng ngày của đời sống thiêng liêng.

Chúng ta xin Chúa điều gì trong lúc này? Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày? Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ? hay xin cho chúng con thêm lòng tin, cậy, mến? Có lẽ, trong lúc này tất cả các lời khẩn cầu của chúng ta đều chứa đựng nỗi lo lắng về thảm họa Covid-19 đã và đang hoành hành mỗi ngày. Như một mối đe dọa đến sự sống còn của chúng ta. Nhất là các bậc lớn tuổi. Các nhà tâm lý học cũng đã cho biết hơn lúc nào hết người già cảm thấy cô đơn. Cách đây vài hôm tôi thăm bà nội tôi, năm nay bà bước vào tuổi 96. Bà rất khỏe và minh mẫn, bà có nói với tôi và mọi người trong gia đình rằng “chết thì không sợ nhưng bệnh gì mà ác nhân cách ly không cho ai gặp ai” . Tôi hiểu ý bà muốn nói, cái chết không đáng sợ, nhưng cái chết không người thân bên cạnh mới là nỗi lo âu!

Trở lại với chủ đề, xin Chúa cho chúng con lương thực hằng ngày. Chúng ta là những người được gọi là “quá may mắn” nên đừng quên không phải vì bệnh dịch mà chúng ta thiếu lương thực hàng ngày vì trên thực tế trong thời điểm này còn có biết bao con người đi ngủ với sự lo lắng và đau khổ vì không biết có đủ lương thực cho gia đình vào ngày mai không? Những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến những cuộc xô đẩy người lớn tuổi, cũng như đấu đá nhau tại các siêu thị chỉ gì miếng ăn. Chẳng lẽ miếng ăn cũng là miếng tồi tàn trong một đất nước được cho là “đầy văn minh” này sao? Đến nỗi thủ tướng quốc gia phải thất vọng lên tiếng vì những hành vi này ông cho rằng là “shame” xấu hổ, ông nói thêm “đây không phải là hành động của người Úc.” Nói cách khác đây không phải là phong cách và tác phong của người Úc.

Vậy lời cầu nguyện của Chúa Giêsu “xin cho chúng con lương thực hằng ngày” có còn thực hiện trong bối cảnh Covid-19 không? Có thể trước khi đại dịch, lời kinh này chỉ thật sự được nghe tha thiết tại những khu nhà ổ chuột, thiếu thốn trăm bề. Còn những nơi an toàn của những tòa nhà cao vút, những lâu đài, biệt thự nguy nga tráng lệ hay những nước giàu có và tân tiến thì sao? Có cầu nguyện tha thiết không? Vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án. Có lẽ mỗi người chúng ta sẽ có câu trả lời cho riêng mình trong lúc này.

 Tôi mong rằng lời kinh Lạy Cha không phải là lời kinh chỉ đọc suông. Nhưng trong lời kinh này Chúa Giêsu cho chúng ta một sức mạnh mới. Tất cả những lời nguyện xin của chúng ta xin phải có sức mạnh đổi mới chúng ta. ĐGH Phanxicô đã từng nói kinh nguyện này “không phải là sự tập luyện khổ chế; nhưng khởi đi từ thực tại, từ trái tim và từ xương thịt của con người sống trong nhu cầu cần thiết hoặc cùng chia sẻ điều kiện của những ai không có nhu cầu thiết yếu để sống.” Trong thời đại dịch Covid-19 chúng ta hãy cùng nhau xin Chúa là Cha ở trên trời cho chúng con và cho tất cả mọi người có lương thực cần thiết. Lương thực có thể hiểu là nước, thuốc, nhà cửa, công việc… những điều cần thiết để sống.

Là người Kitô giáo chúng ta đừng quên sự khác biệt giữa hai chữ “tôi” và “chúng tôi”  hay trong kinh Lạy Cha giữa “con” và “chúng con”. Lời kinh mà chúng ta cầu hình như có sự biến chuyển từ “chúng con” qua “con”. Xin cho “con” lương thực hằng ngày. Theo lẽ thường tình thì lương thực mà chúng ta xin trong lời nguyện này không phải “của con” mà là “của chúng con”. Mỗi khi chúng ta đọc lời kinh này, thật chúng ta thật sự hiểu hay hỏi Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì không? Lời cầu xin đó Ngài muốn chúng ta hiểu rằng không chỉ xin cho chính bản thân mình nhưng cho tất cả mọi người trên thế giới. Làm sao khỏi đau lòng trong những ngày qua, trên các trang mạng truyền thông đã ghi lại những hình ảnh xô đẩy, đấu đá, vơ vét cho riêng mình, không phải dùng đủ hằng ngày mà là hằng chục ngày.

Vì thế, nếu chúng ta chỉ cầu “xin cho chúng con lương thực hằng ngày” rồi chỉ thực hành ở chữ “con” thôi mà không phải là “chúng con” thì chúng ta vẫn chưa thể hiện ý nghĩa trọn vẹn của kinh lạy cha. Đức Thánh Cha cũng đã nói: “Nếu lương thực Thiên Chúa ban cho chúng ta và chúng ta lấy cắp của nhau, như thế nào chúng ta có thể gọi chúng ta là con của Ngài? Lời nguyện này chứa đựng sự thấu cảm, một thái độ của tình liên đới.”

Như thế Chúa Giêsu dạy chúng ta biết thương xót, biết đâu là đủ để còn sẻ chia với những người xung quanh vì tất cả chúng ta là con cái Thiên Chúa. Thủ Tướng Úc không ngừng nói với dân rằng nước Úc sẽ không thiếu lương thực nếu mỗi người biết chia sẻ và biết mua dùng đủ. Tất cả sẽ không đủ nếu chúng ta không biết sẻ chia. Chúng ta nên biết thêm rằng còn rất nhiều người trên thế giới hôm nay nhất là nhiều trẻ em chết mỗi ngày vì thiếu lương thực như ở Yenmen, Siria, Phi Châu, Nam Sudan v.v. chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện 5 chiếc bánh và 2 con cá mà các môn đệ đã tìm thấy nơi một cậu bé có và sẵn sàng để chia sẻ và chính Chúa Giêsu đã hóa bánh ra nhiều (x. Ga 6,9). Đứa trẻ ấy hiểu rằng lương thực không phải là sở hữu riêng nhưng là sự quan phòng để chia sẻ với ân sủng của Thiên Chúa tất cả sẽ không thiếu.

Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày. Amen

Lm Phêrô Dương Thanh Liêm