Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

08.15 NGUỒN GỐC LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Lễ Mẹ hồn xác lên trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội.  Toàn thể ở đây được hiểu là bao trùm cả Giáo hội Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo.  Theo truyền thống của Giáo hội Đông phương dành 15 ngày đầu tháng 8 để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn.

Trong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc.  Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.  Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính.  Chân lý đó là: “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không những là lễ cổ xưa nhất về Đức Mẹ.  Nhưng ngày 15-8 hằng năm còn có một ý nghĩa rất đặc biệt.  Đa số ngày tháng của các ngày lễ trong Kitô giáo đều bắt nguồn từ những ngày lễ ngoại giáo.  Lễ Giáng sinh chẳng hạn, không gì khác hơn là lễ của thần mặt trời của đế quốc La-mã được rửa tội lại theo Kitô giáo mà thôi.

Đây không phải là trường hợp của Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.  Đế quốc La-mã vốn dành ngày đầu tháng tám để tôn vinh hoàng đế.  Trong khi đó lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào ngày 15-8.  Như vậy lý do chọn ngày 15-8 để cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không bắt nguồn từ đế quốc La-mã, mà từ chính Giêrusalem cổ.

Trước thời hoàng đế Constantinope, trong ngày này đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi cây dầu tại Jerusalem.  Truyền thống đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc.

Trong đế quốc La-mã ngoại đạo, không có bất cứ nguồn gốc nào về ngày lễ này đã đành, mà kể từ đó về sau cũng chẳng có đế quốc nào xóa bỏ hay thay thế được lễ này.  Những cố gắng vô ích của một hoàng đế Napoléon của Pháp là một bằng chứng.

Ngày 15-8-1769 tại Ajaccio đảo Corse chào đời một đứa bé mà cha mẹ đã đặt cho một tên hiếm có là Napoléon.  Nếu ngày 15-8-1637 vua Louis XIII đã ban hành một sắc lệnh để đặt toàn nước Pháp dưới sự che chở của Mẹ Maria thì năm1806 sau khi đã đăng quang làm hoàng đế của nước Pháp và khắp Âu Châu.  Napoléon tước đoạt mọi danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa, để biến thành một ngày lễ dành riêng cho ông.

Sinh trùng vào ngày 15-8, Napoléon bắt toàn dân nhớ đến ngày sinh của ông là điều dễ hiểu, là ngày được cha mẹ đặt tên cho là Napoléon.  Ông đã cố lục lọi trong danh sách các thánh trong Giáo hội tìm cho bằng được một vị thánh có tên là Napoléon.

Với sự đồng ý của một vị giám mục cung đình, ông đã tìm được mục danh sách các vị tử đạo Rôma, trong đó có một vị tên là Néopoli.  Không rõ do những lèo lái như thế nào mà cuối cùng cả triều đình của ông đều đồng thanh nhận á thánh Néopoli với tên gọi Napoléon của ông.  Vậy là ngày 15-8 không những là ngày sinh nhật của ông mà còn là ngày lễ bổn mạng của ông nữa.

Danh dự đã dành cho Mẹ Thiên Chúa được ông hoàng đế này đương nhiên chiếm đoạt.  Tại Roma, Đức Giáo Hoàng Piô VII tuyên bố rằng : “Việc quyền bính thế tục thay thế việc tôn kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng việc tôn kính một vị thánh không có tên trong lịch Phụng vụ là điều không thể chấp nhận được”.

Đây là một hành động xen lấn không thể dung thứ và chấp nhận được, không thể lấy thế quyền thay cho thần quyền.  Nhưng vì những hành động của bạo chúa Napoléon quá tàn nhẫn, cho nên bức kháng thư đã không được công bố.  Tột cùng hành động ngang ngược của Napoléon là ra lệnh đưa Đức Giáo Hoàng về giam giữ tại Fontainebleau bên Pháp.

Dĩ nhiên, rồi cuối cùng Trái Tim Mẹ vẫn thắng, sự cáo chung của đế quốc do Napoléon dựng nên cũng chấm dứt việc chiếm đoạt danh dự dành cho Mẹ Maria.  Vị thánh Napoléon được Napoléon tự phong cũng tự ý rút lui để trả ngày 15-8 lại cho Mẹ Thiên Chúa.  Điều kỳ diệu mà Mẹ Maria đã thực hiện là việc tôn kính vị thánh Napoleon do những kẻ dua nịnh bịa đặt ra hơn là đòi hỏi của lịch sử đã để lại một hậu quả không lường được.  Đó là kể từ ngày đó 15-8 hằng năm đã biến thành một ngày lễ buộc trên toàn nước Pháp.

Trên đây là một trong những vị dụ cho thấy những sự vụng về kỳ lạ của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa.  Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.

Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria.  Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm.  Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông.  Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.

Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa.  Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat: “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc”.

Sưu tầm