Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Lòng Thương Xót

Sống và loan báo Lòng Thương Xót Chúa

Giáo hội bước vào Mùa vọng, khởi đầu cho năm phụng vụ mới. Đây cũng là thời điểm hướng về Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa.

Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam (17.09.2015) mời gọi chúng ta bước vào Năm Thánh.

“Ngày 11.04.2015, áp Chúa Nhật Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành Tông sắc: “Dung nhan Lòng Thương Xót Chúa” (Misericodiae Vultus). Năm Thánh được khai mạc từ 08.12.2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội và kết thúc vào lễ Chúa Ki-tô Vua 20.11.2016. Các Giáo hội địa phương cử hành nghi thức mở cửa Năm Thánh vào ngày 13.12.2015 tại nhà thờ chánh tòa.

“Mục đích của Năm Thánh là kêu gọi các tín hữu chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhờ đó chúng ta cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và trở nên dấu chỉ cụ thể của Lòng Thương Xót trong cuộc sống. “Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót.” (Lc 6,36) (Thư chung số 2)

I. TÌM HIỂU NĂM THÁNH

1. Năm Thánh là gì?
Theo truyền thống Do Thái cổ, năm Hồng ân được tổ chức mỗi 50 năm, để khôi phục sự bình đẳng trong tất cả con cái của Israel, tạo cơ hội mới cho các gia đình đã mất tài sản và cả tự do cá nhân nữa.

Ngoài ra, năm Hồng ân còn là lời nhắc nhớ cho những người giàu có rằng sẽ đến thời mà các nô lệ Do Thái của họ lại được bình đẳng với họ và có thể đòi lại quyền lợi của mình.

Truyền thống Công giáo, Năm Thánh được cử hành mỗi 25 năm. Tuy nhiên, khi có sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức Giáo Hoàng có thể công bố mở Năm Thánh đặc biệt. Năm Thánh luôn là cơ hội để đào sâu đức tin và canh tân chứng tá Ki-tô giáo.

2. Năm Thánh Lòng Thương Xót
Ngày 13.03.2015, tại đền thờ Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha đã công bố mở Năm Thánh khi Ngài giảng trong cử hành phụng vụ sám hối bắt đầu “24h cho Chúa”. Sáng kiến này do Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa đề ra nhằm mời gọi các giáo hội địa phương trên toàn thế giới mở cửa nhà thờ trong hai ngày 13-14.03.2015 để các tín hữu đến lãnh nhận bí tích hòa giải và Chầu Mình Thánh Chúa.

Chủ đề “24h cho Chúa” năm nay là “Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót” (Ep 2,4). Việc mở Năm Thánh 2015 đã diễn ra nhân dịp kỉ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vaticano II (1965). Điều này thật ý nghĩa, vì Năm Thánh sẽ thúc đẩy giáo hội tiếp tục công trình mà Vaticano II đã khởi sự.

Trong buổi đọc kinh truyền tin đầu tiên khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy Lòng Thương Xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng Thương Xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút Lòng Thương Xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính (Kinh truyền tin, 17.03.2015).

II. CHÚA KI-TÔ NGƯỜI THỂ HIỆN LÒNG THƯƠNG XÓT

1. Một vài khái niệm nhỏ về Lòng Thương Xót
Đức Cha Albert Marie de Monleon, nguyên Giám mục Giáo phận Maux: “Thánh Âu Tinh đã định nghĩa Lòng Thương Xót như trái tim trắc ẩn đối với sự khốn khổ của người khác và những phương thế để nỗ lực trợ giúp. Qua những mạc khải của Chúa cho Thánh nữ Faustine, Đức Gioan Phaolô II đã nói về Lòng Thương Xót như là tình yêu đang hành động để chặn đứng sự dữ”.

Từ Misericordia trong tiếng La tinh, gồm hai chữ Cor và Miseri, có nghĩa là trái tim rung động trước những khốn khổ của những người bất hạnh. Lòng Thương Xót bao hàm những điều rất cụ thể: cho kẻ đói ăn, khát uống, rách rưới áo mặc, cho khách trọ nhờ, đón tiếp những người túng thiếu, viếng kẻ liệt, loan báo Tin Mừng cho các tù nhân, chôn xác kẻ chết, an ủi kẻ âu lo. Lòng Thương Xót là sự đáp trả rất tự nhiên đối với những khổ đau của con người. Ai chẳng thấy mủi lòng trước một cụ già nghèo khổ, một trẻ em đói khát, một anh lính tàn tật, một cô gái tâm thần hoảng loạn.

2. Chúa Ki-tô, dung mạo của Lòng Thương Xót
Chúng ta đọc thấy nhan nhản trong Tin Mừng có nhiều thành ngữ rất đẹp, ám chỉ, thể hiện lòng thương xót của Chúa Ki-tô:

– Thành ngữ “động lòng trắc ẩn”, tiếng Hy Lạp là “splangcbnizomai” cho ta thấy ý nghĩa sâu sắc và mạnh mẽ của thành ngữ này. Splangcbna” là lục phủ ngũ tạng của con người: bao tử, tim, gan, phèo, phổi, cật,… Đó là nơi những cảm xúc sâu thẳm và thân mật nhất. Khi nói về Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su theo kiểu Ngài thổn thức trong lòng.

– Khi Chúa Giê-su thấy đám đông bơ vơ, vất vưởng như chiên không người chăn. Người cảm thương họ tận cõi lòng (X. Mt 9,36).

– Khi thấy người ta từ mọi nơi, đem đến cho người những người đui mù, què quặt và điếc lác. Người cảm thấy bồi hồi và lòng quặn đau khi chứng kiến những đau khổ thể xác của họ. (X. Mt 14,14)

– Khi thấy từng hàng ngàn Người nhiều ngày, thấy họ đã thấm mệt, đói khát, Ngài đã thốt lên: Thầy xót thương dân này (X. Mc 8,2)

– Và với bà góa thành Naim, đang đưa xác đứa con duy nhất của mình (X. Lc 7,13). Trước mồ anh Lazaro, thấy cô Ma-ri-a khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến… và rồi Người cũng khóc (X. Ga 11,33-35)

Kiểu nói: Ngài là con chiên gánh tội trần gian. Ngài đã ôm lấy mọi sự yếu hèn của con người. Thiên Chúa đã làm cho người trở thành tội nhân (X. 2 Cr 5,21) theo kiểu nói của Thánh Phao-lô. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa đã làm cho Đức Giê-su liên đới với nhân loại tội lỗi bằng cách biến Người thành người hiện thân của tội.

III. SỐNG VÀ LOAN BÁO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

1. Hướng dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Trong thư gửi Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Tân Phúc Âm Hóa, đề ngày mùng 1 tháng 9 năm 2015 ĐTC đã bầy tỏ ước muốn của ngài cầu mong cho mọi thành phần dân Chúa có thể sống kinh nghiệm lòng thương xót Chúa trong Năm Thánh này.

Thật thế, ước mong của tôi đó là Năm Thánh là kinh nghiệm sống động sự gần gũi của Thiên Chúa Cha, hầu như sờ mó được với bàn tay sự dịu hiền của Người, để cho đức tin của mỗi tín hữu được củng cố mạnh mẽ, và như vậy chứng tá của họ luôn trở thành hữu hiệu hơn.

Năm Thánh là cơ hội giáo hội tái khám phá ra sự phong phú chứa đựng trong các công việc của lòng thương xót thể lý và tinh thần. Thật vậy, kinh nghiệm của lòng thương xót trở thành hữu hình, chứng tá cho Lòng Thương Xót của Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

Mỗi khi chính tín hữu sống một hay nhiều công việc thương xót đó, họ sẽ được ơn toàn xá của Năm Thánh. Vì thế phải dấn thân sống lòng thương xót để được ơn tha thứ hoàn toàn và trọn vẹn nhờ sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa Cha, là Đấng không loại trừ ai hết. Do đó, đây sẽ là một ơn toàn xá tràn đầy, hoa trái của chính biến cố được cử hành và sống với đức tin, đức cậy và đức mến.

– Hành hương Năm Thánh

Ngài cầu mong họ được sống kinh nghiệm tinh tuyền lòng thương xót và gặp gỡ gương mặt của Thiên Chúa Cha, Đấng tiếp đón và tha thứ, hoàn toàn quên hết mọi tội lỗi con người đã sa phạm. Để có thể được hưởng ơn toàn xá, tín hữu được mời gọi làm một cuộc hành hương ngắn hướng về Cửa Thánh, mở tại mỗi nhà thờ chính tòa hay các nhà thờ được Giám Mục giáo phận ấn định, như dấu chỉ ước muốn hoán cải thật sự sâu xa.

Trước hết, đây là thời điểm quan trọng hiệp nhất với Bí Tích Hòa Giải và việc cử hành Thánh Thể với một suy tư về lòng thương xót. Cần kèm theo các cử hành này với việc tuyên xưng đức tin và lời cầu nguyện cho ĐGH và cho các ý chỉ của ngài cho thiện ích của Giáo Hội và toàn thế giới.

– Giúp cho những người đau khổ, bệnh nhân, già cả, neo đơn

Tất cả những ai, vì các lý do khác nhau, không thể đến Cửa Thánh được, trước tiên là các bệnh nhân và người già cả và neo đơn, thường không thể ra khỏi nhà. Các anh chị em này có thể sống tình trạng bệnh tật và khổ đau của mình như kinh nghiệm gần gũi Chúa, là Đấng trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài, đã chỉ cho chúng ta thấy con đường chính trao ban ý nghĩa cho khổ đau và cô đơn.

Đối với họ sống thời điểm này với đức tin và niềm hy vọng tươi vui, bằng cách rước lễ hay tham dự Thánh Lễ và việc cầu nguyện cộng đoàn, kể cả qua các phương tiện truyền thông, họ cũng được lãnh nhận ơn toàn xá của Năm Thánh.

– Với những tù nhân

Các tù nhân phải sống kinh nghiệm sự hạn chế tự do. Năm Thánh đã luôn luôn là cơ may ban ân xá lớn đối với biết bao nhiêu người, dù đáng chịu hình phạt, nhưng đã ý thức được sự bất công họ đã phạm và chân thành ước mong tái hội nhập xã hội để góp phần xây dựng liêm chính.

Lòng xót thương của Thiên Chúa Cha cũng đến với những người ấy, Ngài là Đấng muốn gần gũi kẻ cần đến sự tha thứ của Ngài nhất. Các anh chị em này có thể lãnh nhận ơn toàn xã trong nhà nguyện của các nhà tù. Và mỗi lần họ bước qua cánh cửa phòng giam của họ, khi hướng tư tưởng và lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha, thì cử chỉ này đối với họ có thể có ý nghĩa của việc bước qua Cửa Thánh, bởi vì lòng thương xót của Thiên Chúa có khả năng biến đổi các con tim, và có cả khả năng biến các song sắt nhà tù thành kinh nghiệm của sự tự do.

– Với những người phá thai và sống ly thân

ĐTC đặc biệt nghĩ tới tất cả các phụ nữ đã phá thai, và nói rằng ngài biết rõ các điều kiện đã khiến cho họ đi đến quyết định này. Đó là một thảm cảnh hiện sinh và luân lý. Ngài đã gặp biết bao nhiêu phụ nữ mang các vết thẹo trong con tim vì sự lựa chọn đớn đau này. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không bị khước từ đối với bất cứ ai sám hối, nhất là khi với con tim chân thành họ chạy đến với Bí Tích Xưng Tội để được hòa giải với Thiên Chúa Cha.

Vì vậy ĐTC đã quyết định ban phép cho tất cả mọi linh mục, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, xá giải cho những ai đã phá thai mà có lòng sám hối chân thành. Các linh mục là thừa sai của Lòng Thương Xót Chúa. Đức Thánh Cha yêu cầu các ngài phải chuẩn bị mình cho nhiệm vụ cao cả này.

2. Hướng dẫn của Giáo phận Xuân Lộc
Trong thư luân lưu của hai Đức Giám Mục giáo phận đề ngày 09.11.2015 (số 8) đã đề nghị các thành phần dân Chúa trong giáo phận một số vấn đề cần được triển khai trong Năm Thánh này:

– Xin các vị chủ chăn và những người có trách nhiệm của cộng đoàn giúp cho các thành viên cảm nhận và loan báo Lòng Thương Xót Chúa cho thế giới, bằng cách tạo khung cảnh, gây ấn tượng trong thánh đường hay trong khuôn viên giáo xứ.

– Cầu nguyện cho các tội nhân cứng lòng được ơn sám hối

– Vận động giáo dân Đón nhận bí tích hòa giải và tôn thờ Thánh Thể. Xin các Cha hy sinh quảng đại ngồi tòa giải tội để giúp các hối nhân, nhất là trong mùa chay thánh

– Chương trình “24h cho Chúa” cần được triển khai rộng rãi và cổ động mọi người tham dự sốt sắng để cùng hòa nhịp chung với toàn thể Hội Thánh.

– Tổ chức những cuộc hành hương đến những nơi đã được ấn định

– Tổ chức đi thăm viếng những người nghèo, những người neo đơn, bệnh tật,…

– Tổ chức khám bệnh miễn phí nơi các vùng sâu và vùng quê nghèo.

Thay lời kết: Xin cho con luôn ý thức

“Đức Ki-tô vốn dĩ giàu có vô cùng đã trở nên nghèo hèn để chúng ta trở nên giàu có.” (2 Cr 8,9)

Lạy Chúa xin cho con ý thức rằng tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất dấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Chúa có bao nhiêu của cải con giữ mà chẳng dùng, có nhiều thứ con lãng phí, bên cạnh những người La-da-rô túng quẫn mà con không nhạy cảm đoái hoài đến họ.

Lạy Chúa Giê-su, khi đến với chúng con, Chúa thường đến như một người hành khất. Chúa cần chút nước của người phụ nữ Samari, Chúa cần 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa cũng cần nhà ông Gia-kêu để nghỉ chân, Chúa khiêm tốn cuối xuống xin chúng con để rồi tuôn đổ trên chúng con nhiều gấp bội.

Xin dạy chúng con biết cách đến với mọi người và khám phá ra đóm lửa nhỏ của sự thiện vẫn cháy sáng lên lòng người tội lỗi.
Ước gì chúng con nhìn tha nhân bằng ánh mắt của Chúa, dám hy vọng không ngơi vào lòng tốt của mỗi người và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ, nhờ đó thế giới của chúng con trở nên nhân bản hơn và thần linh hơn.

Xin cho chúng con biết cho đi mà không tính toán. Biết đón nhận anh em con trong mọi sự. Amen.

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên