Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Lòng Thương Xót

THẬP GIÁ và LÒNG THƯƠNG XÓT

Thập giá là biểu tượng của sự đau khổ hoặc bất hạnh, vì đó là hình phạt tồi tệ và ghê gớm nhất thời đó – tương tự ngày nay là án tử hình.

Cuộc sống thường nhật cũng chẳng ai “mê” đau khổ, mà cố tránh như tránh quái vật hoặc ma quỷ vậy. Thế mà những người thực sự yêu mến Đức Kitô lại “khoái” đau khổ. Quá ngược đời! Với người không có niềm tin vào Đức Kitô, thậm chí có thể ngay cả một số người nhận mình là người Kitô giáo, không thể hiểu được ý nghĩa của thập giá. Họ cho đó là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, là… “hết nước nói”.

Ai yêu thập giá mà bị người khác coi là điên khùng thì đừng ngại, đừng sợ. Tại sao? Vì Chúa Giêsu đã tiên phong làm “người điên” trước chúng ta, Ngài điên vì quá yêu chúng ta, điên vì yêu say mê, dù chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, hoàn toàn bất xứng với tình yêu Chúa. Thế nhưng đó lại là bằng chứng của Lòng Chúa Thương Xót (x. Rm 5:8). Thực sự chúng ta không thể nào hiểu nổi!

Chính Chúa Giêsu đã từng bảo chúng ta phải “từ bỏ mình” và “vác thập giá mình hằng ngày” (Mt 10:37-38; Mc 8:34; Lc 14:26-27), phải “qua cửa hẹp” (Mt 7:13), phải ăn chay, phải hãm mình, phải hy sinh, phải nhịn nhục, phải yêu kẻ thù (chứ không chỉ thích người cùng phe mình),… Toàn những điều “tự làm khổ mình” thôi. Khó lắm!

Chúa Giêsu không hề có ý “chơi khăm” chúng ta mà Ngài chỉ muốn chúng ta “nên người”, thực sự trưởng thành tâm linh. Chứ Ngài “hô biến” một cái là chúng ta vào Thiên đàng cả đám ngay, nhưng Chúa muốn chúng ta tự thân cố gắng để có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa và giá trị của sự đau khổ, đồng thời mới xứng đáng nhận phần thưởng, vì Ngài coi đó là “công phúc” riêng của mỗi người. Có ăn lạt mới biết thương mèo. Có khổ mới biết thương người khác. Đó là sự đồng cảm cần thiết, nói chính xác hơn thì đó là sự thấu cảm. Nhờ thấu cảm mới khả dĩ “yêu thương người khác như chính mình”.
Tuy nhiên, phàm nhân chúng ta quá yếu đuối, ưa nhàn rỗi, “ngồi mát ăn bát vàng” chứ không muốn “khó đến thân”. Trong Kinh Phật có câu: “Con người là nô lệ vì chưa hủy diệt được ý tưởng về BẢN NGÃ trong nội tâm”. Cái “tôi” thật là rắc rối. Đời là bể khổ mà! Và điều đó cũng cho thấy thực tế phũ phàng của con người: Yếu đuối và mỏng dòn!

Không hề oan uổng chút nào cả! Vì hằng ngày chúng ta lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), chia sẻ vật chất, bỏ công sức đi làm từ thiện, hoạt động liên quan LCTX,… thế nhưng chúng ta đã thực sự sống đúng LCTX chưa? Chúng ta vì Chúa hay vì một cái gì đó – “háo danh” chẳng hạn? Liệu chúng ta có can đảm nhận khuyết điểm hoặc cách giả hình tinh vi?

Thánh nữ Faustina, Tông đồ của LCTX, đã được Chúa Giêsu mặc khải rằng phải cầu nguyện cho các linh hồn, vì bản tính con người yếu đuối nên rất nhiều linh hồn phải vào “tạm trú” ở luyện ngục một thời gian, trong số đó cũng có các giáo sĩ, vì linh mục hay giám mục cũng vẫn là con người với đủ thất tình và lục dục, mà Giáo hội rất cần những linh mục thánh để giúp cộng đồng dân Chúa nên thánh ngay tại trần gian này.

Chuyện kể rằng… có một linh hồn giáo dân xuống luyện ngục và gặp một linh mục quen nên ngạc nhiên hỏi: “Cha cũng ở đây à?”. Linh mục đưa ngón tay lên miệng: “Su… su… suỵt! Giám mục đang ở trong kia kìa!”. Đúng là cười ra nước mắt. Điều đó cho thấy rằng ai cũng bình đẳng trước công lý của Chúa, ai sống tốt thì được thưởng, ai sống dở thì bị phạt. Đơn giản lắm, không ai có thể ý kiến ý cò chi cả!

Suy tôn Thánh Giá cũng là tôn kính LCTX. Nhưng không thể chỉ tôn kính LCTX ở nhà thờ mà phải đưa LCTX vào sâu trong cuộc đời qua từng hơi thở của mình – tức là thể hiện LCTX trong việc yêu người qua từng ánh mắt, cử chỉ, thái độ, hành động,… Khó lắm chứ đâu có khơi khơi như chúng ta tưởng!

Suy tôn Thánh Giá và tôn kính LCTX thì phải SỐNG ĐỨC TIN, mà đức tin phải được thể hiện qua việc làm (x. Gc 2:17-18). Ai sống đức tin thì không phải quan ngại: Ai tin vào Đức Kitô thì không phải chết, mà được sống đời đời (x. Ga 3:15 & 36), và nhờ chính Danh Ngài mà được ơn tha tội (x. Rm 10:43). Được tha tội là được sạch tội, sạch tội thì được công chính hóa, được công chính hóa thì được vào Nước Trời, được vào Nước Trời là nên thánh. Nói ngắn gọn là được giải án tuyên công.
Thánh Giá không là chuyện ngược đời hoặc điên rồ như người ta lầm tưởng, LCTX cũng không là chuyện vu vơ. Thánh Giá càng cay đắng càng ngọt ngào, LCTX càng sâu sắc càng đam mê. Chúa Giêsu đã khởi đầu sự chiến thắng hiển hách bằng chính sự thất bại là chết trên Thập Giá.

Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6:7-10).

Đức tin là điều tối cần thiết, quan trọng hơn cả phép lạ. Vì muốn chúng ta đào sâu về đức tin, tái tuyên xưng đức tin và được củng cố đức tin, Giáo hội đã mở những Năm Thánh để mưu ích cho các linh hồn. Đó là những khoảng thời gian hồng phúc để chúng ta có dịp xem lại đức tin của mình, nhờ đó mà khả dĩ sống LCTX càng ngày càng đúng với Tôn Ý của Chúa Giêsu.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân – trách mình trước, trách người sau. Đó là bí quyết yêu thương và tha thứ. Chúa Giêsu đã nói thẳng: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6:41-42b). Thế gian nhiều loại người này, dù mức độ khác nhau, nên Chúa Giêsu rất ghét loại người “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”. Mỗi chúng ta phải biết tự tra chiếc “hàm thiếc” vào miệng của “con ngựa chứng” là chính mình, mục đích là thuần hóa những thói hư và tật xấu mà có thể sống khiêm nhường, hiền lành và hoàn thiện hơn theo lời khuyến cáo của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Không sống giả nhân giả nghĩa, cố gắng sống trong sạch và cương trực, đó là cách chúng ta suy tôn Thánh Giá, là sống LCTX, là “vác thập giá của mình” mà theo bước Sư Phụ Giêsu lên Can-vê. Lên đó để làm gì? Lên đó để… “chết”. Chết thật chứ không chết giả. Có dám chết cho tội lỗi, sẵn sàng chết với Đức Giêsu Kitô thì mới hy vọng cùng sống lại với Ngài!

Sau cơn mưa thì trời lại sáng. Rồi mọi đau khổ, mọi nhục nhã ê chề sẽ biến thành vinh quang, và người chết sẽ sống lại để được trường sinh. Chắc chắn sẽ đúng như Chúa Giêsu đã hứa với mỗi chúng ta. Đó là điều kỳ diệu còn hơn cả sự tuyệt vời nữa!

Lạy Thiên Chúa, Đấng luôn bảo vệ và độ trì chúng con, xin giúp chúng con biết yêu mến Thánh Giá và sống LCTX như Con Chúa đã tiên phong nêu gương, can đảm yêu mến Thánh Giá mà dám chết cho tội mình, sẵn sàng chết vì chân lý và công lý. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU