Thi sĩ Rumi cho rằng chúng ta sống với một bí mật sâu kín mà có lúc chúng ta biết, có lúc chúng ta không.
Và điều này sẽ giúp chúng ta hiểu nhiều về đức tin của mình.
Một trong những lý do vì sao chúng ta phải vật lộn với đức tin, chính là vì sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta và trong thế giới của chúng ta, hiếm khi rõ ràng, mạnh mẽ như một chuyện không thể bác bỏ.
Thiên Chúa không hành động như thế. Mà sự hiện diện của Thiên Chúa, trước những nản lòng và mất kiên nhẫn của chúng ta, là một sự gì đó lặng lẽ và dường như bất lực bên trong chúng ta. Hiếm khi sự hiện diện đó bùng lên dữ dội.
Vì không hiểu đủ về chuyện này, chúng ta có khuynh hướng hiểu lầm những động lực của đức tin và rồi thấy mình theo thói quen đang cố gắng đặt đức tin của mình trên một điều gì đó ồn ào, rõ ràng, mạnh mẽ hơn.
Chúng ta luôn tìm kiếm một điều gì đó vượt ngoài cái mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta.
Nhưng chúng ta phải nhận biết, từ cách Thiên Chúa đến với thế giới này trong hình hài em bé, rằng đức tin của chúng ta cần phải đặt nền tảng trên một điều gì đó lặng lẽ và không kịch tính.
Như chúng ta biết, Chúa Giêsu sinh ra trong đời, không một uy quyền hay báo hiệu ầm ĩ nào, Ngài là một em bé nằm bất lực trong máng cỏ, như bất kỳ đứa bé nào trên đời.
Việc hạ sinh của Ngài chẳng có gì đặc biệt dưới con mắt người đời.
Rồi, trong đời sứ mạng của mình, Ngài chẳng bao giờ làm phép lạ để chứng tỏ thiên tính của mình, nhưng chỉ làm phép lạ vì lòng thương hay để bày tỏ về Thiên Chúa mà thôi.
Chúa Giêsu không bao giờ dùng quyền năng thiêng liêng để cố gắng chứng tỏ Thiên Chúa tồn tại, bất chấp những hoài nghi của dân chúng.
Đời rao giảng của Ngài, cũng như việc hạ sinh của Ngài, không phải là những nỗ lực cố gắng chứng minh Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng là để dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào và Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện.
Hơn nữa, lời dạy của Chúa Giêsu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta cũng làm rõ rằng sự hiện diện này gần như lặng lẽ và dấu kín, như cái cây lớn dần trong thinh lặng khi chúng ta đang ngủ, như men làm dậy bột mà chúng ta không thấy được, như mùa hè biến cây khô cằn nên xanh tốt, như một cây cải con khiến chúng ta bất ngờ khi thấy nó lớn lên cao đến chừng nào, như một người tha thứ cho kẻ thù của mình vậy.
Dường như, Thiên Chúa hành động theo những cách thinh lặng và khuất khỏi tầm mắt chúng ta.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu là hiện thân, không rõ ràng mạnh mẽ cũng không bừng bừng bùng nổ.
Qua việc này, đây là một bài học đức tin quan trọng cho chúng ta.
Nói đơn giản là, Thiên Chúa ở trong chúng ta, sâu bên trong, nhưng theo một cách gần như không tồn tại, gần như không cảm được, gần như chẳng thấy, và dễ bị lờ đi.
Nhưng, trong khi sự hiện diện đó không bao giờ quá đỗi mạnh mẽ, nhưng lại mang trong mình một mệnh lệnh nhẹ nhàng nhưng không dứt, một cưỡng bách hướng đến một sự cao cả hơn, đang mời gọi chúng ta hòa mình vào.
Và nếu chúng ta hòa mình vào, thì nó sẽ tuôn trào trong chúng ta một dòng chảy bất tận, hướng dẫn, nuôi dưỡng, lấp đầy chúng ta bằng sinh lực vô biên.
Điều này rất quan trọng để hiểu được đức tin.
Thiên Chúa đặt để trong chúng ta một lời mời, hoàn toàn tôn trọng tự do của chúng ta, không bao giờ áp đặt cũng không bao giờ từ bỏ. Điều này ở trong chúng ta, như một trẻ bé bất lực nằm trong máng cỏ, nhẹ nhàng vẫy tay với chúng ta, nhưng không thể tự mình bắt chúng ta phải nắm lấy.
Ví dụ như C.S. Lewis, khi giải thích vì sao cuối cùng ông trở thành «một người trở lại ngoan cố nhất trong lịch sử Kitô giáo» (theo lời của ông), đã viết rằng, trong suốt nhiều năm, ông đã có thể bác bỏ được một tiếng nói bên trong bản thân, vì tiếng đó gần như không tồn tại, gần như không cảm được, và hầu như bị lờ đi.
Mặt khác, khi nhìn lại quá khứ, ông nhận ra rằng tiếng đó luôn luôn có đó, một thôi thúc nhẹ nhàng nhưng không ngớt, ra hiệu cho ông hãy lấy từ nó một sự gì đó mà đến cuối cùng ông nhận ra đó là một mệnh lệnh nhẹ nhàng nhưng không nhượng bộ, và vô cùng khẩn thiết, một «cưỡng bách», mà nếu ông tuân theo, sẽ đưa ông đến với tự do.
Ruth Burrows, nữ tu dòng Carmen và là nhà thần nghiệm người Anh, đã mô tả một cảm nghiệm tương tự trong tự thuật của mình, Trước mặt Thiên Chúa hằng sống. Bà ghi lại tuổi thanh xuân, mô tả tính lửng lơ và thiếu cuốn hút trong đời sống đạo của mình.
Nhưng cuối cùng, bà không chỉ nghiêm túc về đường sống đạo mà còn trở thành một nữ tu dòng Carmen.
Chuyện gì đã xảy ra? Một ngày nọ, trong nhà nguyện, gần như đi ngược lại với ý muốn của mình, và được thúc đẩy bởi một loạt hoàn cảnh tình cờ, bà đã mở lòng mình với tiếng gọi bên trong, mà lâu nay bà đã lờ đi vì nó nằm trong lòng bà nhưng gần như không tồn tại, gần như không cảm được, và hầu như không thấy được.
Nhưng một khi đã chạm đến, thì nó tuôn trào ra như một cái gì thâm sâu nhất và thật nhất trong bà, rồi định hướng để bà đi theo nó suốt đời.
Cũng như C.S. Lewis, bà cũng đã từng mở lòng mình với tiếng đó, cảm được đó là một cưỡng bách tinh thần không nhượng bộ mở con người mình ra với tự do vô hạn.
Tại sao Thiên Chúa không tỏ mình với chúng ta một cách trực tiếp và uy quyền hơn, để làm cho đức tin của chúng ta được dễ dàng hơn?
Đó là một câu hỏi, mà phần nào, không thể có câu trả lời thỏa mãn hoàn toàn.
Nhưng câu trả lời mà chúng ta có, nằm trong việc hiểu được đường lối Thiên Chúa biểu lộ Ngài trong đời chúng ta và trong thế giới chúng ta.
Không như hầu hết mọi sự khác vốn luôn cố gắng lôi kéo sự chú ý của chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ cố gắng để chiếm lấy chúng ta.
Thiên Chúa, hơn bất kỳ ai khác, tôn trọng tự do của chúng ta.
Vì lẽ đó, Thiên Chúa ở mọi nơi, trong chúng ta và quanh chúng ta, gần như không cảm được, hầu như không thấy, và dễ dàng bị lờ đi, như một thôi thúc nhẹ nhàng lặng lẽ, nhưng nếu bắt lấy được, thì sẽ là dòng suối bất tận tuôn trào tình yêu và sinh lực.
Sưu tầm
Anna TThuy NTran