Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

VÌ SAO TÔI TIN VÀO THIÊN CHÚA

Một số tác giả tôi yêu thích là những người theo thuyết bất khả tri, những người chân thành và dũng cảm đối diện cuộc đời mà không có đức tin vào một Thiên Chúa của mình. Hầu như họ đều khắc kỷ, những người bình an với việc có lẽ Thiên Chúa không tồn tại và có lẽ chết là hết. Tôi thấy được điều này nơi James Hillman, một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và là người có rất nhiều điều để dạy cho các tín hữu về ý nghĩa của việc lắng nghe và tôn trọng linh hồn con người.

Nhưng có một điều tôi không ngưỡng mộ nơi các nhà khắc kỷ bất khả tri. Dù họ dũng cảm đối diện với giả định rằng Thiên Chúa không tồn tại và chết là hết, nhưng họ lại không có cùng dũng cảm đó để đặt ra chất vấn về chuyện nếu Thiên Chúa tồn tại và chết không phải là hết thì sẽ thế nào. Nếu như có Thiên Chúa và nếu giáo lý của đức tin chúng ta đúng thì sao? Họ cũng cần phải đối diện với chất vấn đó nữa.

Tôi tin rằng Thiên Chúa tồn tại, không phải bởi tôi chưa từng có chút nghi ngờ, cũng không phải bởi tôi được nuôi dạy trong đức tin với những người đã làm chứng sâu đậm cho chân lý của đức tin đó, cũng không phải bởi đại đa số nhân loại trên hành tinh này tin vào Thiên Chúa. Tôi tin rằng một Thiên Chúa của lòng mình tồn tại vì những lý do mà tôi không thể nói rõ được: là sự tốt lành của các thánh, một hạt giống không bao giờ phôi phai trong lòng tôi, biểu hiện của đức tin trong cảm nghiệm của riêng tôi, lòng dũng cảm của các bậc tử đạo xuyên suốt dòng lịch sử, chiều sâu thăm thẳm trong giáo huấn của Chúa Giêsu, những thấu suốt sâu sắc trong các tôn giáo khác, trải nghiệm thần nghiệm của vô số người, nhận thức của chúng ta về mối liên kết với cộng đoàn các thánh và những người thân yêu đã qua đời, những lời chứng chung và riêng của hàng trăm người đã chết lâm sàng rồi được sống lại, những chuyện chúng ta trực cảm vượt ngoài mọi lý luận lô-gích, vòng tuần hoàn hồi sinh trong cuộc đời chúng ta, chiến thắng của sự thật và sự thiện trong suốt lịch sử, sự thật rằng hy vọng không bao giờ chết, sự cưỡng bách không nguôi trong chúng ta muốn được hòa giải với người khác trước khi chết, chiều sâu vô tận của trái tim con người, và việc các nhà vô thần và bất khả tri trực cảm rằng có thể điều này cũng hợp lý. Tất cả cho tôi thấy sự hiện hữu của một Thiên Chúa sống động của tôi.

Tôi tin Thiên Chúa hiện hữu vì đức tin thành sự, ít nhất là thành sự đến mức độ của chúng ta. Sự hiện hữu của Thiên Chúa tự chứng minh đến mức độ mà chúng ta đón nhận một cách nghiêm túc và sống cuộc đời mình dựa trên điều đó. Nói đơn giản, chúng ta hạnh phúc và bình an đến mức độ chúng ta liều mình sống đức tin, một cách rõ ràng hay không chút nghi hoặc gì. Những người hạnh phúc nhất mà tôi biết cũng là những người đáng kính, dễ thương, vị tha, và quảng đại nhất tôi biết. Đây không phải tình cờ.

Leon Bloy từng nói rằng trong đời chỉ có một nỗi buồn thực sự, đó là không được làm thánh. Chúng ta thấy trong câu chuyện về chàng thanh niên giàu có trong Tin mừng đã từ chối lời mời của Chúa Giêsu muốn anh sống đức tin sâu sắc hơn. Anh đã buồn rầu bỏ đi. Dĩ nhiên, làm một vị thánh và sống buồn bã, không phải là chuyện trắng hay đen, cả hai đều có những mức độ. Nhưng trong chuyện này có sự nối tiếp. Chúng ta hạnh phúc hay buồn bã cũng tương xứng với mức độ chúng ta thành tín hay bất tín với những gì là độc nhất, là chân, thiện, mỹ. Tôi biết rõ điều này trong đời mình. Tôi hạnh phúc và bình an đến mức độ tôi đón nhận đức tin cách nghiêm túc và sống đức tin trong thành tín, càng thành tín tôi càng thấy bình an, và ngược lại.

Trong tất cả chuyện này, còn có một “luật nghiệp quả” nói cụ thể là vũ trụ trả lại cho chúng ta chính xác những gì chúng ta cho nó. Như Chúa Giêsu đã nói, “Anh em đong bằng đấu nào sẽ được đong lại bằng đấu ấy.” Những gì chúng ta thở ra, đến cuối cùng chính là những gì chúng ta hít vào. Nếu chúng ta thở ra ích kỷ thì sẽ hít vào ích kỷ, nếu chúng ta thở ra cay đắng thì sẽ gặp đắng cay, nếu chúng ta thở ra tình yêu, nhân từ và tha thứ thì chúng ta sẽ nhận lại cùng mức độ đó. Cuộc sống và vũ trụ của chúng ta có một cơ cấu yêu thương và công bằng thâm sâu, tự nhiên và không thể bàn cãi đã được viết sẵn, một cơ cấu chỉ có thể được viết nên bởi một trí tuệ thần thiêng sống động và một tâm hồn yêu thương.

Dĩ nhiên, không điều nào trong những điều này chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa với những bằng chứng theo kiểu khoa học hay toán học, nhưng đâu thể tìm được Thiên Chúa bằng một thí nghiệm kinh nghiệm luận, một phương trình toán học hay một tam đoạn luận triết học. Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa, rõ ràng và dứt khoát, nơi một đời sống quên mình, nhân từ, chân thành và tốt lành. Điều này có thể có trong tôn giáo hay ngoài tôn giáo.
Thầy dòng Biển Đức người Bỉ, Benoit Standaert, đã nói rằng khôn ngoan là ba sự thêm một. Khôn ngoan là tôn trọng tri thức, tôn trọng sự chân thật và vẻ đẹp, tôn trọng mầu nhiệm. Và điều thứ tư, khôn ngoan là tôn trọng một Đấng nào đó.