Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

ĐỂ THAY ĐỔI TẤT CẢ, HÃY BẮT ĐẦU BẰNG MỘT THAY ĐỔI…

ĐỂ THAY ĐỔI TẤT CẢ, HÃY BẮT ĐẦU BẰNG MỘT THAY ĐỔI…

Chúng ta thường than thở về điều này, điều kia và cho rằng quá khó để một mình có thể hoàn thành hay cáng đáng.

Ai đó nói: Thà đốt lên một ngọn nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm.

Đúng là cá nhân sẽ khó thay đổi một tác động to tát, khó làm rung chuyển một nếp nghĩ, nếp sống nào, khó làm lung lay quyết định của đồng loại.

Nhưng “khó” không có nghĩa là không thể. Để có thể thay đổi tất cả, hãy bắt đầu bằng một thay đổi: THAY ĐỔI CHÍNH BẢN THÂN.

Khi còn trẻ, bản thân đầy tràn sức sống, đầy nhiệt huyết, tôi muốn thay đổi thế giới. Nhưng chẳng lâu sau, tôi nhận ra thay đổi thế giới là điều khó khăn.

Tôi bắt đầu nghĩ đến thay đổi đất nước. Và rồi tôi lại thấy thay đổi đất nước vẫn là việc vượt quá tầm tay.

Giai đoạn cuối tuổi trẻ, tôi nghĩ, mình sẽ thay đổi quê hương, nơi mình sống. Nhưng chưa bao giờ tôi làm được chấn hưng nào cho quê hương.

Tuổi đời càng ngày càng qua đi. Rất nhanh, tôi đã trung niên. Tôi luống cuống, buồn, lo vì không còn trẻ, khỏe, vậy mà bản thân vẫn loay hoay với hai tiếng thay đổi, mà chưa bao giờ có thể làm gì cho ước mơ “thay đổi” của mình.

Tôi quay nhìn gia đình. Bằng tất cả tâm huyết và nỗ lực, tôi tin, chính gia đình mà tôi yêu quý sẽ là môi trường vừa trưởng thành trong nhận thức, vừa trưởng thành trong ơn gọi. Nhưng tôi chuốc lấy thất bại. Tới bây giờ, tôi chưa thể thay đổi ai, thay đổi gì, hoàn cảnh nào…

Tôi muốn thay đổi người bạn thân bên cạnh. Chẳng mấy chốc tôi tự thấy hỗ thẹn, vì khám phá ra, bản thân đầy bất toàn, kém cõi.

Tôi nhận thấy, ước mơ “thay đổi” ấy nguy hiểm. Tôi là ai mà dám nghĩ mình có thể thay đổi người xung quanh? Tôi đang biến mình thành kẻ kiêu ngạo!

Giờ đây, thật quá trễ tràng, khi đã thật sự vào tuổi già, tôi nhận ra, điều duy nhất tôi có thể làm được, chính là THAY ĐỔI BẢN THÂN.

Tôi xác tín, nếu cố gắng biến đổi mình từ lúc trẻ, tôi đã có thể làm thay đổi bạn bè, gia đình, gây ảnh hưởng đẹp nơi quê hương và tổ quốc…

TRƯỚC KHI CÓ THỂ THAY ĐỔI TẤT CẢ, TÔI CẦN BẮT ĐẦU BẰNG MỘT THAY ĐỔI, ĐÓ LÀ THAY ĐỔI CHÍNH TÔI!

Tự biến đổi, dẫu khó, không ai có quyền cho rằng, mình không làm được. Ai cho rằng, mình không thể tự thay đổi là cố chấp trong tình trạng cũ kỹ, có khi tội lỗi. Nếu cố chấp, ta là kẻ tự mình tách khỏi Thiên Chúa, từ chối ơn Chúa.

Thông thường, chúng ta hay đổ lỗi cho số đông để không làm gì nên tốt hơn, ngay cả khi cần phải vượt qua tình trạng sống nửa vời của bản thân.

Chẳng hạn, sống giữa những kẻ tham lam, hối lộ, lưu manh…, thay vì phải vươn lên cho lòng mình thanh thoát, ta lại ngã nhào vào đám đông ấy, để chước cám dỗ lôi kéo mình.

Còn các Kitô hữu, lắm khi miệng thì nói mình có đức tin, còn biểu hiện của hành vi, lối suy nghĩ lại đi xa đức tin, nhưng vẫn cho rằng nhiều người cũng sống như tôi, vì thế “ai sao tôi vậy”, không hề nuôi một chút ý thức biến đổi nào.

Nếu không chiến đấu với bản thân, ngược lại còn để cho loại suy nghĩ “ai sao tôi vậy” len lỏi vào đời sống đức tin, đó là một mối nguy khó lường. Như thế là tự mình giết chết đức tin của mình.

Ta không bao giờ được phép cho rằng, mình là người Công giáo, là người của Thiên Chúa, mà không cần cố gắng. Vì không ai tự hào mình có đức tin, nhưng trong thực tế không sống đức tin, lại có thể đạt lý tưởng ơn phần rỗi.

Thánh Gioan Tẩy giả khẳng định điều đó, khi dùng những lời rất cứng rắn, đến nỗi như một lời răn đe mạnh:
“Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối; chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Đây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa…” (Mt 3, 7-10).

Có nhiều con đường. Nhưng đường quan trọng là đường dẫn đến cõi lòng.

Con đường không chăm sóc sẽ sinh bụi cây, bờ cỏ, rác rưởi…, cản mất lối.

Cũng vậy, đường vào tâm hồn phải là con đường quang đãng, sạch sẽ. Phải ra sức canh giữ để đường vào tâm hồn không đánh mất nét đẹp ấy.

Đường vào tâm hồn là con đường đưa Chúa đến cõi hồn.

Để Chúa có thể ngự đến, ta hãy biến đổi bằng cách bạt phẳng núi đồi của tự kiêu, tự mãn; lấp những mấp mô, hay hố sâu ngăn cách tình yêu, lòng tha thứ.

Ăn năn thống hối là dọn lòng. Hãy ăn năn thống hối vì Chúa đã gần đến. Nếu không, sẽ rơi vào nguy hiểm. Bởi “Cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa”.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG