Lúc còn trẻ ai ai cũng nhìn về tương lai và muốn thực hiện cuộc sống, muốn thắng vượt được những vấn đề cá nhân, gia đình và xã hội. Chính vì để xây dựng tương lai mà con người chấp nhận vất vả, học hỏi và làm việc, nhiều người đã thành công xây dựng cho mình một địa vị hay có một danh vọng nào đó trong xã hội, có tiền của v.v… Từ đó con người có thể bị cám dỗ thẩm định về cuộc sống mình xem nó tốt xấu thế nào tuỳ mức độ có của cải, tiền bạc, danh vọng sức khỏe, địa vị xã hội nhiều ít. Mọi sự là tốt nếu có tiền bạc, danh vọng và ngược lại sẽ là xấu nếu không tạo ra của cải hay những địa vị vật chất này.
Con người sống theo thực thể bản tính mình là ai chứ không theo những gì mình có. Chúng ta có thể đi lầm đường nếu chúng ta chỉ đánh giá cuộc sống mình theo những gì mình có mà không theo thực thể của bản tính mình là ai và hậu quả cũng là triệu chứng báo động, đó là việc chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng cả khi chúng ta có nhiều của cải vật chất, danh vọng.
Con người không thể nào được thỏa mãn nếu chỉ có tiền của, danh vọng mà quên phát triển phần tâm linh, không có lý tưởng cao thượng để sống, không biết tại sao mình sống và sống để làm gì. Chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn vật chất nếu không có niềm hy vọng và tình thương đối với Thiên Chúa và anh em xung quanh. Chúng ta có thể nghèo vật chất nhưng nội tâm phong phú, tràn đầy tình yêu thương, yêu thương Thiên Chúa và yêu thương anh em thì chúng ta sẽ sống trong an bình hạnh phúc. Mẫu gương những vị Thánh là một bằng chứng và là một khích lệ cho chúng ta.
Trong giây phút cầu nguyện này, chúng ta có thể tự xét lại mình theo hai hướng căn bản sau đây:
– Hướng thứ nhất: tôi đã làm gì chuẩn bị cho chính mình để bước vào sự sống vĩnh cửu? Tôi có chịu khó mất công, mất thời giờ để tìm hiểu lý do tại sao tôi sống và sống để làm gì hay không? Nếu sống mà không biết mình sống để làm gì thì có khác chi người đua xe đạp mà không biết phải chạy theo con đường nào và đích điểm nằm đâu, hay giống như người thợ xây nhà cứ mải mê lo đặt viên gạch này lên viên gạch kia mà không biết họa đồ ngôi nhà phải được xây lên như thế nào. Không biết rõ mục đích cuối cùng của cuộc đời, chúng ta sẽ thất bại, sẽ không thực hiện được trọn vẹn đời sống của mình, dù chúng ta qui tụ được nhiều của cải vật chất và danh vọng.
– Câu hỏi thứ hai là: tôi có thể sống như thế nào đối với Thiên Chúa? Có thể chúng ta còn cho mình là kẻ tin vào Thiên Chúa, còn thực hành những việc đạo đức và đức tin như đọc kinh, dâng lễ v.v… nhưng chúng ta chưa tiến sâu hơn vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã đề ra: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Galat 2,20).
Lạy Chúa, xin thương ban ơn soi sáng cho chúng con để chúng con biết Chúa là ai, xin thương giúp chúng con mỗi ngày một trở nên giống như Chúa nhiều hơn và yêu thương anh em một cách thiết thực và hữu hiệu hơn. Amen.
Trích trong: Nghĩa Cử Yêu Thương