Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Lắng nghe tiếng Chúa – Bước đầu tiên

Theo đuổi nhân đức và xa tránh thói hư tật xấu là bước đầu tiên trong việc lắng nghe tiếng Chúa.

Các tín hữu tin rằng Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi sự, thì tốt lành, luôn mong ước những lợi ích cho mỗi thụ tạo mà Ngài dựng nên.

Nhận ra những ý định và mục đích của Ngài cho thụ tạo mở rộng trí óc và trí tưởng tượng của con người trước những điều kỳ diệu đáng kinh ngạc. Điều này không chỉ đúng với bản chất thể lý mà còn đúng với bản chất con người. Mục đích của Thiên Chúa đối với chúng ta là chúng ta sống theo cách phản ánh chính xác và đẹp đẽ hình ảnh của Ngài và chúng ta sống với Ngài mãi mãi trên Thiên đàng. Do đó, lắng nghe các điều răn của Thiên Chúa và vâng theo chúng là bước đầu tiên trong bất kỳ cuộc hành trình tâm linh nào.

Tất nhiên, việc tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì nói dễ hơn làm. Con người thực sự mong muốn những điều tốt đẹp, nhưng khả năng để nhận biết điều tốt thực sự và những dục vọng của họ đối với điều đó thì rất lộn xộn. Thông thường, người ta muốn quá nhiều thứ tốt này (ví dụ, món tráng miệng) nhưng lại muốn quá ít những thứ tốt kia (ví dụ, tập thể dục).

Tiết độ trong việc ăn uống nói chung là một cách tiếp cận tốt, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của hành vi luân lý của chúng ta. Những câu hỏi luân lý vượt xa sự tiết độ thông thường. Các vấn đề luân lý nghiêm trọng nhất nảy sinh khi các yếu tố tốt đẹp trong mối quan hệ của con người mà Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta bị biến dạng. Ví dụ, duy trì phẩm giá của một người là một điều tốt. Tuy nhiên, hủy hoại danh tiếng của người khác để khiến bản thân trở nên tốt đẹp là một tội lỗi nghiêm trọng – bất kể thông tin đó là đúng hay sai.

Đôi khi chúng ta muốn những điều tốt đẹp nhưng thời hạn dành cho chúng lại không đúng – trước hoặc sau thời điểm tốt nhất để có được chúng. Thí dụ một số trái cây rõ ràng sẽ trở thành quả xanh đắng khi chúng được hái quá sớm, hoặc trở thành quả thối nếu chúng được hái quá muộn.

Thiên Chúa nói với chúng ta trong các điều răn của Ngài về nhiều vấn đề luân lý. Mục đích của Ngài với những điều răn này là hướng dẫn chúng ta đạt được mục đích mà Ngài đã tạo ra chúng ta. Ba điều răn đầu hướng dẫn chúng ta trong việc yêu mến Thiên Chúa và phụng sự Ngài, Thiên Chúa duy nhất, với tình yêu mến và sự kính trọng thích hợp dành cho Ngài. Bảy điều răn khác giúp chúng ta sống hòa thuận với đồng loại, những người mà chúng ta cùng trải nghiệm tình yêu thương và sự hiệp thông tự hiến. Đồng thời, việc tuân giữ tất cả các điều răn giúp chúng ta đạt được sự công chính để chúng ta có thể sống với chính mình trong bình an và chấp nhận.

Chúng ta cần để cho các điều răn hướng dẫn cuộc sống của mình, đặc biệt là trong giai đoạn lịch sử hiện nay, vốn được đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân cấp tiến và chủ nghĩa tương đối. Văn hóa đương đại cố gắng miêu tả khả năng của mỗi cá nhân để suy nghĩ của mình là một điều tốt đẹp hơn khả năng tuân theo bất kỳ điều răn nào, kể cả của Thiên Chúa. Xu hướng con người sa ngã và tội lỗi thường khiến chúng ta theo đuổi những lựa chọn mang tính tương đối đó, khiến chúng có vẻ tự nhiên nhất. Thông thường, chỉ khi hậu quả cay đắng của những hành động của chúng ta – sự gia tăng của tội phạm, bạo lực, khủng bố, gia đình tan vỡ và đau lòng – thì chúng ta mới biết rằng Thiên Chúa đã đúng. Tuy nhiên, nếu trái đắng không giết chết chúng ta, thì chúng ta có cơ hội học hỏi từ những sai lầm của mình và sửa chữa chúng. Đây là sự khởi đầu của sự thống hối và lắng nghe tiếng Chúa.

Các tín hữu trưởng thành trong đời sống đức tin của mình nhận thức được rằng Thiên Chúa đã rất kiên nhẫn với họ khi họ dần dần biết được tội lỗi sai trái và xúc phạm như thế nào. Họ để cho ân sủng của Thiên Chúa kiện toàn đức tin của họ và nhận ra những điểm tương đồng quan trọng với người xưa trong Kinh thánh. Khi học Kinh Thánh và quan sát sự trưởng thành và phát triển của những người mà Thiên Chúa gọi là những người đặc biệt của Ngài, chúng ta cũng có thể hy vọng vào sự trưởng thành tâm linh để kiên trì trong đời sống đức tin và cầu nguyện như những người xưa đã làm. Vua Đavít là một ví dụ điển hình về điều này: ngài đã thống hối sâu sắc về tội lỗi ngoại tình của mình với bà Bathsheba và việc giết chồng của bà là tướng Uria, và ngài đã sáng tác một Thánh vịnh sám hối xúc động nhất trong tất cả các Thánh vịnh. Thánh vịnh 50 đã được hàng triệu tội nhân cầu nguyện cho đến ngày hôm nay.

Thiên Chúa tiếp tục thích ứng với nỗi sợ hãi, thiếu đức tin, và thậm chí tội lỗi của các tín hữu hôm nay, nhưng chỉ để đưa họ lên những cấp độ mới của đức tin và sự thánh thiện. Trên thực tế, thần tính của Thiên Chúa gợi lên sự kinh ngạc và ngạc nhiên khi thấy rõ rằng Ngài yêu thương những người chưa trưởng thành, yếu đuối và tội lỗi vô điều kiện và Ngài giúp đỡ hoặc thậm chí thúc đẩy họ phát triển trong đời sống thiêng liêng. Ngài tiếp tục kêu gọi những người yêu mến và đi theo Ngài tới những lời giải thích và những lời giáo huấn sâu sắc hơn như đã được ban cho mười hai tông đồ (Ga 13-17). Các môn đệ của Chúa Giêsu đã học cách lắng nghe sự khôn ngoan này và sau đó chia sẻ nó với thế giới.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người chúng ta tới quỹ đạo nội tâm đó. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta sự khôn ngoan và tình yêu sâu sắc của Ngài để chúng ta cũng có thể chia sẻ nó với một thế giới thiếu thốn. Hãy cùng khám phá làm thế nào chúng ta có thể trở thành những người biết lắng nghe như người môn đệ của Chúa Giêsu để có thể nghe thấy tiếng Chúa trong thế giới hiện đại hôm nay, ở bất cứ nơi nào hoặc hoàn cảnh nào.

Nguồn: https://wau.org/resources/article/re_listening_to_god/
Fr. Mitch Pacwa, SJ. –
Br. Phaolô Vũ Đức Thành chuyển ngữ