Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Bài giảng

05.03 Thứ Hai Tuần V Mùa Phục Sinh NămB THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ – Lễ Kính 1 Cr 15, 1-8; Ga 14, 6-14


Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.
Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. (Ga 14,21)


BÀI ĐỌC I: 1 Cr 15, 1-8“Chúa hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em, và anh em đã lãnh nhận và đang tin theo, nhờ đó anh em được cứu độ, nếu anh em tuân giữ lời lẽ tôi đã rao giảng cho anh em, bằng không anh em đã tin cách vô ích.

Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non.

Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM:  Ga 14, 6-14“Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.

Philipphê thưa: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”.

Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?’ Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.    

Đó là lời Chúa.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, nhiều lần con cảm thấy tâm hồn thật sốt sắng, tâm trí lâng lâng bay bổng, tưởng chừng như đang say đắm trong tình yêu mến Chúa hết lòng hết sức. Thế nhưng, những giây phút ấy qua đi, tâm hồn con không còn những xúc cảm nồng nàn nữa. Nhưng con biết đó chưa phải là yêu mến Chúa thật. Dù con không có những rung cảm sốt sắng ấy, con cũng sẽ cố gắng luôn thi hành Ý Chúa, tuân giữ Lời Chúa, để chứng tỏ lòng mến Chúa đích thật. Biết bao lần con đã sốt sắng nồng nàn, nhưng con lại cứ sống theo ý con, coi thường Lời Chúa, không đón nhận Thánh Ý Chúa. Xin Chúa đừng để con yêu mến Chúa cách hời hợt giả tạo như vậy. Xin đừng để con ảo tưởng.

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì được biết Chúa và yêu mến Chúa. Yêu mến Chúa là hạnh phúc của con. Và con sẽ cố gắng trung thành tuân giữ Lời Chúa mỗi ngày. Qua việc giữ Lời Chúa, xin Chúa ban cho con niềm vui chân thật vĩnh cửu. Amen.

Lm Phê-rô Maria Bùi Công Minh

Ngày 03/05 THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ

34.1 Ơn gọi của hai thánh Philipphê và Giacôbê

Trong số những người Galilê diễm phúc được Chúa Giêsu tuyển chọn vào nhóm Mười Hai để sống thân mật bên Chúa có thánh Philipphê, con ông Alphê, và thánh Giacôbê Hậu.

Thánh Giacôbê Hậu sinh tại Cana xứ Galilê, gần Nazareth. Ngài họ hàng với Chúa Giêsu. Thánh Kinh không kể đích xác Chúa Giêsu đã gọi thánh nhân khi nào, nhưng cho biết vai trò quan trọng của ngài tại Giáo Hội Jerusalem.1

Thánh Giacôbê là một trong những người được gặp Chúa Phục Sinh hiện đến, như chúng ta đọc trong bài đọc Một.

2. Thánh Philipphê là người quê Bethsaida, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Gennesaret. Có lẽ ngài là bạn thân của anh em thánh Anrê và thánh Phêrô. Một ngày nọ trên bờ sông Jordan, Philipphê đã gặp Chúa Giêsu khi Người đang đi về hướng Galilê cùng với các môn đệ đầu tiên. Thầy Chí Thánh lên tiếng gọi: Hãy theo Ta.

Đó là cách Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ, tương tự như các giáo trưởng Do Thái. Philipphê lập tức theo Chúa Giêsu, và sau đó giới thiệu cho các bạn hữu về Đấng đã vĩnh viễn trở thành tâm điểm cho cuộc đời ngài. Philipphê gặp Natanael và nói, ‘Chúng tôi đã gặp Đấng mà Moses và các tiên tri đã nói, đó là Đức Giêsu thành Nazareth, con ông Giuse.’5 Trước thái độ nghi ngờ của Natanael, Philipphê đã khôn khéo trả lời: Hãy đến mà xem. Thế là Natanael đã đến, và mãi mãi theo Chúa Kitô.

Chúa Giêsu không bao giờ làm ai phải thất vọng. Sứ vụ tông đồ là dẫn đưa các thân nhân và bạn hữu đến cùng Chúa: nhiệm vụ chúng ta là thông mở một con đường, và dẹp bỏ mọi cản trở khiến làm họ không thể nhìn thấy Chúa Kitô. Chúa đã gọi chúng ta và muốn đi vào linh hồn những ai đến cùng Người, như trong trường hợp Natanael. Về sau Natanael đã trở thành một trong mười hai Tông Đồ của Chúa, mặc dù lúc đầu tỏ ra nghi ngờ lời giới thiệu của Philipphê. Thái độ của Natanael là: Ở Nazareth nào có cái chi hay? Chúng ta cũng thường gặp cảnh ngộ như thế, và câu trả lời của chúng ta sẽ là: Hãy đến mà xem! Bất kỳ ai nghe lời chúng ta và đến gặp Chúa Giêsu nhất định sẽ không bao giờ cảm thấy bị dối lừa.
Thánh Philipphê và thánh Giacôbê hiện nay đang cầu bầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Chúng ta trao phó cho các ngài sứ vụ tông đồ nơi những thân nhân và bạn hữu của chúng ta.

34.2 Chúa Giêsu luôn gần gũi với các môn đệ, và vẫn gần gũi bên chúng ta.

6. Trong Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã giải thích cho các Tông Đồ rằng Người đã sửa soạn chỗ cho họ trên trời, để họ sẽ được ở với Người mãi mãi, và họ đã biết cách để đến nơi đó. Cuộc hàn huyên cứ tiếp tục – các Tông Đồ nêu câu hỏi, và Thầy Chí Thánh trả lời. Lúc ấy, Philipphê nêu lên một câu hỏi dường như lạc lõng: Lạy Thầy, xin tỏ chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con. Chúa Giêsu đã trách yêu người môn đệ: Thầy đã ở với con bấy lâu rồi, mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Philipphê? Hễ ai nhìn thấy Thầy là đã nhìn thấy Cha Thầy, sao con lại nói, ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha.’ Có lẽ nhiều lần Chúa Giêsu cũng phải trách chúng ta như đã trách thánh Philipphê! Thầy đã ở với con bấy lâu rồi mà con vẫn không nhận ra Thầy sao! Chúa có thể kể cho chúng ta hết trường hợp này đến trường hợp khác, những lần chúng ta có lẽ đã vì áp lực hoàn cảnh mà quên mất mình là con cái Chúa và sự gần gũi của Người. Chúng ta thấy lời đáp của Chúa Giêsu dành cho người Tông Đồ thật an ủi biết bao! Chúng ta cũng nhận ra nơi vị Tông Đồ ấy con người của chúng ta.

Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Cha. Nhân tính Chúa Kitô là con đường để nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa Con và Thiên Chúa Thánh Thần. Cách thế thông thường để đến với Thiên Chúa Ba Ngôi là chiêm ngắm Chúa Kitô. Nơi Người, chúng ta có mặc khải tối chung về Thiên Chúa dành cho nhân loại. Chính Người… đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải, bằng tất cả sự hiện diện của Người, và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và sự sống lại vinh quang, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến. Người xác nhận Thiên Chúa hằng ở với chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi bóng tối tội lỗi và sự chết, rồi cho chúng ta sống lại để được sống đời đời.

7. Chúa Kitô làm cho cuộc đời của chúng ta được sung mãn. Thánh Augustinô đã nói, Thiên Chúa đủ cho bạn rồi. Ngoài Người ra, không gì có thể nói được như thế. Thánh Philipphê đã hiểu điều này rất rõ khi nói rằng, ‘Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con.’

8. Chúng ta đã có một niềm xác tín như thế chưa?

34.3 Truyền bá sứ điệp các Tông Đồ. Công việc tông đồ trên nền tảng siêu nhiên.
Trong bài đọc Một thánh lễ hôm nay, chúng ta đọc những lời thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Côrintô: Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Thánh Kinh, và Người đã hiện ra với ông Cephas.

9. Thánh Phaolô đã nhận lãnh từ các Tông Đồ một sứ điệp mà sau đó ngài đã loan truyền. Đó cũng chính là sứ điệp thánh Philipphê và thánh Giacôbê đã rao giảng và đã hiến mạng sống để minh chứng. Hai ngài, cũng như vị Tông Đồ dân ngoại, biết rõ rằng cốt lõi sứ điệp các ngài rao giảng chính là Chúa Giêsu Kitô, con đường đến cùng Chúa Cha. Đây là Tin Mừng đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, như chúng ta đã đọc trong phần Đáp Ca: Sứ điệp truyền tụng ngày này sang ngày khác, đêm này sang đêm kia.

10. Chúng ta không có một sứ điệp nào mới lạ để rao truyền, bởi vì nội dung sứ điệp ấy vẫn không thay đổi: Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đã sống lại, và hiện nay Người vẫn đang sống bên chúng ta. Người yêu thương, Người đã sắm sẵn một hạnh phúc muôn đời cho chúng ta bên Người, khi chúng ta được diện đối diện với Người.

Việc tông đồ của chúng ta chính là rao giảng cho mọi người giáo lý mà các Tông Đồ đã rao giảng: rằng Chúa Kitô đang sống, và chỉ có Người mới có thể giải đáp mọi ưu tư cho tâm trí và con tim nhân loại. Chỉ có nơi Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm được hạnh phúc thật. Người là Đấng mặc khải về Chúa Cha. Các Tông Đồ, cũng như chúng ta, đã từng gặp những khó khăn và trở ngại khi rao giảng Nước Chúa. Nếu các ngài quyết định chờ đợi một cơ hội thuận tiện hơn, có lẽ sứ điệp Phúc Âm đã không bao giờ truyền đến chúng ta, và đã chẳng thay đổi cuộc đời của chúng ta như giờ đây. Khi bị tước đoạt tất cả của cải và bị thính giả chống đối, các ngài – đặc biệt là thánh Philipphê – có lẽ đã nhớ lại ngày các ngài được Chúa Giêsu truyền hãy cho đám đông ăn bánh, trong lúc không có bánh mà cũng chẳng có khả năng để kiếm được của gì.

11. Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông đến với mình thì nói cùng Philipphê: Chúng ta làm sao mua được bánh cho những người này ăn? Philipphê đã tính nhẩm và thưa với Thầy: Hai trăm đồng bạc cũng không đủ mua bánh cho ngần ấy người, mỗi người một chút. Ngài đã ước lượng, và tức khắc nhận ra khả năng trong tầm tay không thể đáp ứng nhu cầu cho đám đông.

Một lần nữa, chúng ta lại thấy Chúa Giêsu xúc động và cảm thương dân chúng, những người cần được cảm thông và an ủi. Nhưng Chúa muốn các Tông Đồ đừng quên Người luôn ở bên cạnh họ: Này đây Thầy ở cùng các con luôn mãi.

12. Chúa đã cho các ngài biết như thế trong những ngày cuối đời của Người trên dương thế. Thầy đã ở với con bấy lâu nay mà con vẫn chưa biết Thầy sao, hỡi Philipphê? Thiên Chúa là Đấng cho chúng ta nương cậy và sống cho quân bình. Trong việc tông đồ nơi thân nhân, bạn hữu, những người thân quen, quả thật chúng ta đã tính đến những phương tiện nhân loại, tính đến hai trăm đồng bạc, và thấy chẳng bao giờ đủ; nhưng chúng ta đừng quên Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta với quyền năng và lòng thương vô biên. Hiện giờ Chúa vẫn đang ở bên chúng ta. Những nhu cầu và khó khăn trong công việc tông đồ càng chồng chất, sự trợ giúp của Chúa Giêsu càng lớn lao. Chúng ta đừng ngần ngại chạy đến với Người.

Thánh Philipphê quê ở Bethsaida. Giống như thánh Phêrô và thánh Anrê, ngài là người đầu tiên trong số các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đi theo Chúa Giêsu, và sau đó được chọn vào nhóm Mười Hai. Thánh nhân đã báo tin cho Natanael biết mình đã gặp Đấng Cứu Thế. Nhờ Phúc Âm thánh Gioan, chúng ta biết được thánh Philipphê cũng chứng kiến phép lạ tại tiệc cưới thành Cana. Từ phép lạ hóa bánh ra nhiều, chúng ta có thể suy ra vai trò quán xuyến của thánh Philipphê. Ngài đã nhanh chóng tính toán cần phải có hai trăm đồng để mua bánh cho đám đông. Ngài đã cùng với thánh Anrê can thiệp cho những người Hy Lạp hành hương muốn gặp Chúa Giêsu. Thánh Philipphê là người trong bữa Tiệc Ly đã xin Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Cha. Truyền thống cho biết ngài đã đến xứ Phrygia thuộc miền Tiểu Á giảng đạo và chịu tử đạo đóng đinh ở đó.

Thánh Giacôbê là người bà con với Chúa Giêsu, được gọi là Giacôbê Hậu để phân biệt với thánh Giacôbê, anh của thánh Gioan. Ngài làm giám mục tiên khởi Jerusalem, và thực hiện công cuộc truyền bá Tin Mừng tại đó. Truyền thống cho chúng ta biết ngài là một người rất khắc khổ, nhưng đầy nhân ái với người chung quanh. Thánh Phêrô, thánh Gioan, và thánh Giacôbê Hậu được coi như những ‘cột trụ’ của Giáo Hội thời sơ khai. Thánh Giacôbê chịu tử đạo tại Jerusalem vào khoảng năm 62. Ngài là tác giả của một thư trong bộ Tân Ước.