Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Cầu nguyện để tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa

 

Trong quyển tự truyện Nỗi cô đơn triền miên (The Long Loneliness), Dorothy Day kể một giai đoạn khó khăn trong đời bà. Lúc đó bà vừa trở lại đạo Ki-tô sau một thời gian dài sống vô thần, rồi bà sinh đứa con gái. Trong thời gian sống vô thần, bà yêu một người đàn ông, là cha của đứa con gái; bà và người đàn ông này – hai người vô thần đã bị vỡ mộng với xã hội chính thống – đã thỏa thuận với nhau sẽ không bao giờ làm đám cưới, như một lời tuyên bố chống lại những quy ước truyền thống của xã hội.

Nhưng việc bà trở lại đạo đã làm cho cuộc sống của bà bị đảo lộn. Người cha của đứa con ra tối hậu thư; nếu bà rửa tội cho con thì ông chấm dứt mối quan hệ với bà. Dorothy chọn làm lễ rửa tội cho con, nhưng đã trả giá rất đắt. Bà yêu sâu đậm người đàn ông này và hết sức đau đớn khi chia tay. Hơn nữa, vì chuyện trở lại đạo, bà bị cắt đứt khỏi tất cả người quen biết cũ trước đây, làm cho bà đau còn hơn mất bạn tâm giao. Nó làm cho bà mất việc, không nguồn hỗ trợ nuôi con, và không còn mục đích trước đây trong đời. Bà cảm thấy cô đơn và lạc lối một cách đau đớn.

Việc này làm cho bà phải quỳ gối xuống, theo đúng nghĩa đen. Một ngày nọ, bà đi tàu lửa từ New York đến thủ đô Washington và dành cả ngày hôm đó cầu nguyện ở Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và, như bà chia sẻ trong quyển tự truyện, lời cầu nguyện của bà hôm đó trực tiếp không e ngại, khiêm tốn và rõ ràng. Thiết yếu, bà lặp đi lặp lại với Chúa, rằng bà lạc lối, bà cần một hướng đi rõ ràng cho cuộc đời, bà cần sự hướng dẫn đó ngay bây giờ, không phải ở một tương lai nào xa xôi cả. Và, như Chúa Giê-su trong Vườn Giếtsêmani, bà lặp đi lặp lại lời cầu nguyện nhiều lần.
Tối hôm đó, bà đi tàu về nhà, khi bước lên căn hộ của mình, bà thấy ông Peter Maurin đang ngồi đợi trên bậc cấp. Ông mời bà khởi công làm việc cho Catholic Worker. Phần còn lại của câu chuyện đã đi vào lịch sử.

Những lời cầu nguyện của chúng ta không phải bao giờ cũng được đáp lại nhanh chóng và trực tiếp như vậy, nhưng luôn luôn được đáp lại, như Chúa Giê-su đã đoan chắc với chúng ta, bởi vì Chúa không từ chối Thần Khí cho những ai xin nhận. Nếu chúng ta cầu nguyện xin hướng dẫn và hỗ trợ, chúng ta sẽ nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ.

Trong Thánh Kinh, chúng ta thấy nhiều ví dụ nổi bật về những người, như Dorothy Day, tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa trong cầu nguyện, đặc biệt khi họ cô độc và sợ hãi lúc đứng trước chấn động lớn nào đó hay sắp phải chịu đau khổ trong đời. Ví dụ, chúng ta thấy nơi các nhà Tiên tri, khi lạc lối trong sa mạc và đứng trước cuộc nổi loạn do chính dân của mình, họ đã lên núi Horeb để xin lời khuyên của Chúa. Và chúng ta thấy điều đó khi Chúa Giê-su cũng lên núi Horeb để cầu nguyện, và cầu nguyện suốt đêm trong nhiều đêm, gắng gỗ để tìm được cả sự hướng dẫn lẫn lòng can đảm mà Người cần để thực hiện sứ mạng của mình.

Nhìn vào lời cầu nguyện của các nhà Tiên tri, Chúa Giê-su, Dorothy Day và vô số những người khác đã cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn, chúng ta thấy lời cầu nguyện của họ, đặc biệt khi họ cảm thấy cô độc và tuyệt vọng nhất, có ba đặc điểm: chân thật, trực tiếp và khiêm nhường. Họ nâng trái tim và trí óc của mình lên Chúa, không phải là trái tim hay trí óc của ai khác. Không hề có chuyện làm ra vẻ, biện minh, hay giấu diếm điểm yếu. Họ để tuôn trào nỗi sợ hãi, sự bất tương xứng, nỗi thèm muốn, rối loạn của họ, như những đứa trẻ con vẫn làm khi cầu xin bàn tay của ai đó giúp đỡ.

Có một điều tương đương thú vị trong một số câu chuyện thần tiên kinh điển của chúng ta, trong đó nhân vật Chúa thường xuất hiện dưới dạng thiên thần, nàng tiên, con cáo hay con ngựa. Và luôn luôn những ai tiếp cận nhân-vật-Chúa đó với lòng tự tin thái quá, kiêu căng, hay giả tạo, thì họ không nhận được lời khuyên hay phép lạ nào. Ngược lại, ai tiếp cận những nhân-vật-Chúa đó với lòng khiêm nhường và công nhận họ lạc đường trong khi đi tìm kiếm thì họ sẽ được cho lời khuyên và phép lạ. Có một bài học cầu nguyện quan trọng trong đó.

Tất cả chúng ta, vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, đều có lúc cảm thấy cô đơn, lạc lối, rối loạn, và bị quyến dụ hướng về con đường chết. Những lúc đó, chúng ta cần tới bên Chúa với lời cầu nguyện chân thật không e ngại, trực tiếp và khiêm tốn. Giống như Dorothy Day, chúng ta cần tỏ bày ra và dâng nỗi sợ hãi và bất an có thực của chúng ta lên Chúa, cầu nguyện, lặp đi lặp lại nhiều lần: “Con sợ! Con cảm thấy quá cô đơn và cô lập trong chuyện này! Con không muốn làm điều này! Con hoàn toàn không thích hợp! Con không còn sức lực nào cả! Lòng con tràn đầy giận dữ! Con cay đắng về bao nhiêu là chuyện! Con căm ghét một số chỗ mà luân lý Ki-tô của con đã đưa con tới! Con bị quyến dụ theo những cách mà con quá hổ thẹn không dám nói ra! Con cần được hỗ trợ nhiều hơn mức Người vẫn hỗ trợ cho con! Xin gửi đến cho con một ai đó hay gửi cho con điều gì đó! Nếu Người muốn con tiếp tục con đường này thì Người phải giúp con nhiều hơn nữa! Con cần điều đó ngay bây giờ!”

Và rồi chúng ta cần phải chờ đợi, một cách kiên nhẫn, hướng vọng về. Có lẽ chẳng ông Peter Maurin nào sẽ xuất hiện trước bậc cửa nhà chúng ta vào đêm đó, nhưng, khi sự bất-lực-hoang-mạc đã phát huy tác dụng thì một thiên thần sẽ đến truyền sức mạnh cho chúng ta.

Sưu tầm