Hãy thử tưởng tượng, nếu nơi dương thế này vắng bóng tình yêu, thì trái đất nơi chúng ta sống sẽ ra sao?
Sẽ nên như bãi sa mạc khô cằn đầy ma quái, trong đó mỗi người có thể sẽ như những con ác thú sẵn sàng phanh thây bất cứ ai xâm phạm đến quyền lợi của mình, nhưng đồng thời lại dùng mọi thủ đoạn để cưỡng chiếm hạnh phúc người khác.
May thay, cơn ác mộng tưởng tượng này chỉ có trong địa ngục, nơi không ai bị bắt buộc phải vào. Và vì để cứu loài người khỏi rơi vào “thiên đàng của những tên khủng bố” đó, Con Thiên Chúa đã bỏ trời cao xuống thế, để mạc khải cho loài người về tình yêu đích thực.
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4:16). Và khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã phán: “Chúng ta hãy tạo dựng lên con người giống hình ảnh Ta” (St.1:26-27). Như thế, chúng ta cũng có thể nói: “Vì con người là hình ảnh Thiên chúa, nên con người cũng là hình ảnh của Tình Yêu”!
Tình yêu như giọt sương sa ướp mát những cánh hoa nở về đêm; như trận mưa rào làm dịu cơn nóng buổi trưa hè; như liều thuốc bổ làm hồi sinh những trái tim đang hấp hối. Tình yêu như vầng thái dương rực rỡ sua tan bóng tối hận thù, ghen ghét, đem lại tình người cho những tâm hồn cần nâng đỡ ủi an. Do đó, con người sống không thể thiếu vắng tình yêu. Tình yêu, cuộc sống, con người như làn khói lam chiều quyện lẫn vào nhau. Đó là mẫu mực sống mà từ đầu Thiên Chúa đã xếp đặt cho con người.
Vậy lẽ ra con người phải có một cuộc sống thần tiên trên trái đất này, trước khi được diện hưởng Tình Yêu trọn vẹn đích thực là Thiên Chúa trên thiên giới. Tiếc thay, Adong và Evà qua hành động dại dột bất tuân, đã mở cửa thiên đàng hạ giới cho bóng ma hận thù của địa ngục vào chung sống, để rồi làm méo mó, mờ nhạt tình yêu trong sáng thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã phú nơi con người. Dần dà tình yêu có pha lẫn ích kỷ. Hạnh phúc pha trộn đau thương. Tình yêu đã có hai mặt như hai mặt cuộc đời. Con người một đàng muốn yêu và muốn thi thố tình yêu, nhưng đồng thời nằm dưới lớp than nóng bỏng của tình yêu đó, lại có thể ẩn chứa mối hận thù, băng giá. Người ta hy sinh cho nhau, nhưng lại muốn người khác cũng phải hy sinh cho mình. Kết quả người ta đang hưởng hạnh phúc đó, nhưng có thể chẳng bao lâu, niềm hạnh phúc lại trở thành nỗi đau nhức khôn nguôi.
Lịch sử của tình yêu nhân loại đã ghi lại biết bao kỳ tích: Nếu có những mối tình thơ mộng, đầy nước mắt kiểu Romeo Juliet, thì bên cạnh đó là hình ảnh của những hoạn thư đủ ác tâm để rạch mặt, tạt ác xít vào mặt tình địch, hay làm tàn phế người mình yêu. Nếu có những mối tình chung thủy như hình ảnh Hòn Vọng Phu, thì cũng có những mối tình phụ bạc, được kết thúc bằng chết chóc, thù hận.
“Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”.
Phải chăng đó là mối tình con người dành cho nhau? Một bức tranh tình yêu bất toàn, khiếm diện, gây lên bởi những nét chấm phá của nỗi tân toan lòng ích kỷ.
Nhưng Thiên Chúa yêu con người bằng mối tình tinh ròng tuyệt đối. Thiên Chúa thi thố Tình Yêu của Ngài với con người một cách mãnh liệt, trọn vẹn và vô điều kiện. Nhưng Tình Yêu của Ngài thường là Tình Yêu một chiều, chờ đợi và tha thứ. Do đó, trong mọi giây phút của cuộc sống, ngay cả những khi con người phụ bạc, rẫy từ, thì Tình Yêu ấy vẫn tròn đầy và bao phủ lấy con người.
Không gì đau đớn cho người phải ôm mối tình một chiều. Yêu mà không được đáp lại. Không gì tủi phận, bẽ bàng cho người rộng rãi thi ân, để rồi chỉ nhận lại bằng thờ ơ, lạnh nhạt. Dù rằng Chúa Giesu là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là con người, cho nên Ngài thấm thía hơn ai hết nỗi buồn tủi của một người phải ôm mối tình cô đơn. Nhưng Chúa đã không phản ứng. Chúa chỉ buồn, buồn đến toát mồ hôi máu và cầu nguyện như trường hợp trong vườn Gietsimani, vì chỉ một lát nữa, Chúa sẽ phải đối diện với sự thật chua chát, bị người môn đệ yêu dấu phản bội, nỡ tâm đem bán thày lấy ba chục đồng bạc, bị dân riêng được Chúa yêu thương tuyển chọn chối từ, hạ nhục. Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người đã đạt tới tột đỉnh, khi Ngài chấp nhận để bị treo trên thập giá nhục nhằn hầu minh chứng lời Ngài dạy, “Không có Tình Yêu nào lớn lao hơn kẻ thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga.15:13).
Và đường biểu diễn Tình Yêu của Thiên Chúa không phải là biểu đồ đi lên rồi đi xuống, mà là một đường thẳng hướng lên cao mãi, cao đến tận cửa Trời, để mở ra cho những ai tin vào Ngài được vào. “Thày về trước dọn chỗ cho các con” (Ga.14:2). Khi còn tại thế, Chúa Giesu đã yên ủi các môn đệ như thế. Và không nỡ để các ông mồ côi, Chúa lại hứa, “Thày sẽ ở lại với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt.28:20). Cho nên vào ngày thứ Năm, một ngày trước khi lên đường thụ nạn, Chúa Giesu đã thiết đãi các Tông Đồ bữa ăn sau hết. Trong bữa Tiệc Ly này, Chúa đã bộc lộ rõ ràng nhất chân tướng của một vị Thiên Chúa Tình Yêu, và đã được thánh Gioan Tông Đồ ghi lại với ngòi bút thật chân thành, sống động, để lưu lại cho các thế hệ, để bất cứ ai muốn đi tìm hình ảnh một Giesu Tình Yêu đều có thể tìm thấy được. Một bữa tiệc ly Chúa dùng để thố lộ tâm tình, cùng những lời trăn trối nồng nàn. Trong bữa tiệc này, Chúa đã thực hiện hai việc để biểu lộ Tình Yêu: Rửa chân cho các môn đệ và lập Bí Tích Thánh Thể, một Bí tích cao cả như lời thánh Augustine nói: “Mặc dù Thiên Chúa quyền phép vô cùng, Ngài cũng không thể cho gì hơn. Mặc dù Ngài khôn ngoan vô cùng, Ngài cũng không biết cho gì hơn. Mặc dù Ngài giầu có vô cùng, Ngài cũng không còn cho gì hơn”.
Đó là Tình Yêu tự hiến của Thiên Chúa trao ban cho con người. Tình Yêu Thiên Chúa không chỉ thăng hoa nơi khía cạnh tích cực, nhưng còn lên ngôi chính nơi hư đốn, khờ dại và tàn nhẫn của con người. Kinh Thánh bảo đảm rằng: “Nơi đâu tội lỗi lan tràn, thì Ân Sủng đã tràn ngập hơn” (Rom. 5:20). Điều này được hiểu: Nếu trong khi con người đang sống trong tội, quay mặt đi với Tình Yêu Thiên Chúa, thì Đấng ban Sự Sống và Ân Sủng đã không nỡ bỏ rơi con người trong sự chết, nhưng Ngài còn hoạt động mạnh hơn, để Tình Yêu và Ân Sủng Ngài luôn cao vượt trên mọi núi đồi tội lỗi của con người.
Tình Yêu phi thường này của Thiên Chúa sẽ đeo đuổi con người cho tới khi con người giã từ cuộc sống dương thế, nơi đã một lần cưu mang hang Belem nghèo hèn, vườn Gietsimani phiền muộn, dinh Cai Pha bị vả mặt, dinh Hêrôđê bị làm hề, dinh Philatô bất công và ngọn đồi Golgotha bi thương tím màu. Khoảnh khắc đó cũng chính là lúc con người mặt đối mặt với Đấng là Tình Yêu, để trả lời Ngài về ân tình Ngài trao ban.
Sưu tầm