Chúng ta mạnh hơn những vết thương của mình. Sự sống thì mạnh hơn cái chết. Sự tốt lành của Thiên Chúa thì hơn mọi mất mát. Nhưng khóc than cho những mất mát của mình là cách để chúng ta hiểu được những chân lý đó.
Nền văn hóa của chúng ta khiến chúng ta không dễ khóc than. Đặc nét nền tảng của nó là chúng ta nhanh chóng bỏ qua những mất mát và đau đớn, nín lặng những tang thương, và luôn luôn mạnh mẽ, tiếp tục tiến bước trong đời.
Nhưng khóc than là một điều quan thiết với sự lành mạnh của chúng ta, một điều mà chúng ta buộc phải làm cho bản thân mình. Không có than khóc thì chúng ta chỉ còn cách là ngày càng cứng rắn và cay đắng trước những thất vọng, loại trừ, và mất mát. Và những điều này lại luôn tồn tại.
Chúng ta có nhiều điều để than khóc trong đời: Chúng ta liên tục mất đi người thân và sự vật. Những người yêu thương qua đời, mối quan hệ tan vỡ, bạn bè rời đi, hôn nhân đổ vỡ, một tình yêu ta mong mỏi mà không có cứ mãi ám ảnh ta, một ước mơ kết thúc trong thất vọng, con cái lớn lên rồi xa, mất công việc, và mỗi ngày qua là mất đi tuổi trẻ và sức khỏe. Ngoài quá nhiều những mất mát phải đau lòng này, chúng ta còn nhu cầu cần đau lòng cho sự bất xứng trong đời mình, cho bản giao hưởng dang dở và sự hòa hợp mà ta không bao giờ có được. Như con gái của Jephthah, tất cả chúng ta đều phải khóc than cho cuộc đời dang dở của mình.
Sao lại thế? Chúng ta than khóc thế nào để sự than khóc của ta không phải là một thứ ủy mị không lành mạnh, nhưng là một tiến trình phục hồi sự lành mạnh và tinh thần cường tráng của ta?
Không có một công thức đơn giản nào, và mỗi người lại có một công thức khác nhau. Đau lòng, cũng như yêu thương, phải tôn trọng sự dè dặt độc nhất vô nhị của chúng ta, những gì mà chúng ta thấy thoải mái và không thoải mái. Nhưng có những điều mà ai ai cũng như nhau.
Thứ nhất, chúng ta có nhu cần cần chấp nhận nhìn nhận những mất mát và nỗi đau của mình. Chối bỏ mất mát hay nỗi đau, chẳng ích gì cho ta. Chúng ta phải chấp nhận sự thất vọng và bất lực của mình, và phải chấp nhận với nhận thức rằng không có nơi nào để cho nỗi đau ngoại trừ, như lời của thi sĩ Rilke, cho nó về lại dương gian, về chốn nặng nề của đại dương, nơi nảy sinh nước muối cũng là nước mắt của ta. Những giọt nước mắt kết nối chúng ta với đại dương nảy sinh ra ta.
Tiếp theo, khóc than là một tiến trình cần có thời gian, đôi khi là rất nhiều thời gian, chứ không phải là một thứ chúng ta có thể nhanh chóng đạt được với một quyết định đơn giản. Chúng ta không thể cứ thế làm chủ cảm xúc, cho nó lành mạnh trở lại được. Chúng cần được chữa lành, và chữa lành là một tiến trình hữu cơ. Và tiến trình đó cần những gi?
Trong nhiều trường hợp, cần phải cho mình được quyền nổi giận, thịnh nộ trong một thời gian, cho mình cảm thấy thất vọng, mất mát, bất công và giận dữ. Mất mát có thể cay đắng, và sự cay đắng đó cần được thật tâm chấp nhận, nhưng cũng cần được chấp nhận với lòng dũng cảm và khuôn khổ để nó không khiến chúng ta trút giận lên người khác. Và để như thế, để chúng ta không đổ tội và trút giận lên người khác, thì chúng ta cần được giúp đỡ. Mọi nỗi đau có thể chịu được nếu nó được chia sẻ, và vì thế chúng ta cần có người lắng nghe và chia sẻ nỗi đau với mình mà không cố sửa đổi nó. Và trong hoàn cảnh này, sự tự đại là địch thủ của chúng ta. Chúng ta cần khiêm nhượng để tin tưởng cho người khác thấy vết thương của mình.
Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, là chúng ta cần kiên nhẫn, chịu đựng, bền bỉ. Khóc than không thể gấp gáp được. Sự chữa lành tâm hồn, cũng như chữa lành thân xác, là một tiến trình hữu cơ, với những hạn mức thời gian không thể chi phối được. Nhưng đây có thể là phép thử lớn cho sự kiên nhẫn và hy vọng của chúng ta. Chúng ta có thể trải qua những thời kỳ dài đầy tăm tối và đau buồn, khi dường như chẳng thể thay đổi gì, khi sự nặng nề và tê tái vẫn cứ còn đó, và chúng ta có cảm giác rằng mọi chuyện sẽ chẳng bao giờ khá lên, rằng chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy ánh sáng trong lòng nữa. Nhưng đau buồn và than khóc cần có sự kiên nhẫn, cần kiên nhẫn để tiếp tục với sự nặng nề và bất lực. Sách Ai Ca nói rằng đôi khi chúng ta chỉ có thể vùi miệng trong bụi đất và chờ đợi. Sự chữa lành trong chờ đợi.
፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨ ፨
Henri Nouwen là một người rất quen với than khóc và mất mát. Là một tâm hồn quá nhạy cảm, đôi khi cha chịu những trầm cảm và ám ảnh khiến cha tê liệt về cảm xúc và cần đến chuyên gia tâm lý. Một lần như thế, khi đang cố vượt qua một cơn trầm cảm nặng, cha đã viết quyển sách đầy thấu suốt của mình, Tiếng Nói Nội tại của Tình yêu [The Inner Voice of Love]. Cha khuyên chúng ta thế này: “Thách thức lớn chính là sống với những vết thương của mình mà không nghĩ đến chúng. Khóc than thì tốt hơn là lo lắng, cảm nhận thương tích của mình thì hơn là hiểu chúng, để chúng đi vào câm lặng thì hơn là nói chuyện với chúng. Bạn không ngừng phải đối diện với chọn lựa là dùng cái đầu hay con tim để đương đầu với những vết thương đó. Với cái đầu, bạn có thể phân tích chúng, tìm ra nguyên nhân hậu quả của chúng, và những từ ngữ đẹp để nói và viết về chúng. Nhưng trong đó, chẳng có sự chữa lành tận cùng nào. Bạn phải để những thương tích đi vào trong con tim. Như thế bạn mới sống qua chúng và khám phá ra rằng chúng sẽ không hủy hoại được bạn. Con tim bạn mạnh hơn những vết thương đó.”
Chúng ta mạnh hơn những vết thương của mình. Sự sống thì mạnh hơn cái chết. Sự tốt lành của Thiên Chúa thì hơn mọi mất mát. Nhưng khóc than cho những mất mát của mình là cách để chúng ta hiểu được những chân lý đó.
Ronald Rolheiser