“Nếu một chi thể nào bị đau, thì mọi chi thể khác cũng đều đau chung” (1Cr 12,26). Những lời này của Thánh Phao-lô đang dội lại trong con tim của Cha với tất cả độ mạnh mẽ của nó, khi một lần nữa Cha tái hình dung ra nỗi khổ đau mà nhiều trẻ em vị thành niên đã phải trải qua vì những lạm dụng tình dục cũng như những lạm dụng quyền lực và lương tâm do một số lớn những Giáo sĩ Triều và những Linh mục Dòng gây ra. Đó là một tội ác mà nó đang tạo ra những vết thương sâu hoắm đầy khổ đau và bất lực, đặc biệt là nơi những nạn nhân, nhưng cũng còn cả nơi những thành viên trong gia đình của họ nữa, và trong toàn bộ xã hội, dù đó là các tín hữu hay những người vô thần. Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ, thì chúng ta sẽ thấy được rằng, những gì chúng ta đang làm là quá ít, khi chúng ta chỉ cầu xin sự tha thứ và cố gắng khắc phục những thiệt hại có sẵn. Chúng ta hãy nhìn vào tương lai, và qua đó, chúng ta sẽ thấy được những gì mà chúng ta có thể thực hiện, sẽ không bao giờ là quá nhiều để tạo ra một nền văn hóa mà nó ở trong tình trạng giúp cho những hoàn cảnh như thế không những không bị lập lại nữa, nhưng cũng còn không thể tìm ra được một không gian, nơi chúng có thể sống sót một cách ngấm ngầm. Nỗi khổ đau của các nạn nhân và của các gia đình họ cũng là nỗi đớn đau của chúng ta; vì thế, một lần nữa, chúng tai phải khẩn thiết tăng cường những nỗ lực của chúng ta để bảo đảm cho các trẻ em vị thành niên cũng như cho những người trưởng thành một sự bảo vệ trong những hoàn cảnh nhậy cảm.
- Nếu một chi thể bị đau…
Cách nay một ít ngày, một bản báo cáo đã được công bố, trong đó, những kinh nghiệm của ít nhất một ngàn người đã được kể ra, họ là những nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục cũng như của những vụ lạm dụng quyền lực và lương tâm do các Linh mục gây ra trong suốt bảy mươi năm vừa qua. Ngay cả khi người ta có thể nói rằng, phần lớn những vụ việc đó đều liên quan đến quá khứ, thì trong quá trình thời gian, chúng ta cũng vẫn phải ý thức về nỗi đớn đau của các nạn nhân, và phải khẳng định rằng, những vết thương đó đã không bao giờ biến mất, và với cường độ mạnh, chúng ép buộc chúng ta phải lên án những tội ác tàn bạo ấy, cũng như phải cố gắng khử trừ nền văn hóa sự chết ấy; những vết thương đó “không bao giờ mất hiệu lực”. Nỗi khổ đau của các nạn nhân chính là một tiếng thét gào thấu tới tận trời cao và đụng chạm tới tâm hồn, nhưng sau một thời gian dài, đã không được ghi nhận, và đã bị giấu giếm cũng như đã bị đẩy vào thinh lặng. Nhưng tiếng thét gào của họ đã mạnh mẽ hơn những biện pháp của tất cả những kẻ đã cố gắng bưng bít nó, hay ngỡ rằng, có thể khắc trị nó bằng những quyết định mà chúng đã làm cho vấn đề còn thêm trầm trọng hơn, vì chúng đã bị rơi vào sự đồng lõa và tòng phạm. Đó là tiếng thét gào mà Thiên Chúa đã nghe thấy. Một lần nữa, Ngài làm cho chúng ta tái thấy được Ngài đang đứng về phía nào. Bài Ca Tạ Ơn của Đức Maria đã không bị trật đích, và vẫn đang tiếp tục băng qua lịch sử như một bản nhạc nền; vì Thiên Chúa đã nhớ tới lời hứa mà Ngài đã dành cho các Tổ Phụ chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giầu có lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53). Và chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta ý thức được rằng, lối sống của chúng ta đã phủ nhận điều đó, cũng như phủ nhận điều mà chúng ta đọc thuộc lòng với giọng nói của mình.
Với tư cách là cộng đoàn Giáo hội, và với sự xấu hổ và lòng thống hối, chúng ta thú nhận rằng, chúng ta đã không hiện diện ở nơi mà chúng ta thực sự cần phải hiện diện, cũng như thú nhận rằng, chúng ta đã không hành động kịp thời khi chúng ta phát hiện ra mức độ và sự nặng nề của sự tổn hại, mà nó đã để lại hậu quả rất lớn trong cuộc sống của rất nhiều người. Chúng ta đã bỏ mặc những người bé nhỏ và đã để họ phải đơn độc. Cha muốn biến những lời của Đức Hồng Y Ratzinger hồi đó thành của mình, bởi trong bài suy ngắm Đàng Thánh Giá được Ngài biên soạn cho ngày Thứ Sáu Tuần Thành vào năm 2005, Ngài đã hiệp với tiếng thét gào đau khổ của rất nhiều nạn nhân, cũng như đã nói với sự nhấn mạnh rằng: “Phải chăng đang có biết bao nhiêu là sự dơ bẩn trong Giáo hội, kể cả trong số những kẻ mà cứ sự thường, họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa trong sứ vụ Linh mục? Phải chăng đang có biết bao nhiêu là những kiêu ngạo và những độc đoán chuyên quyền? Phải chăng chúng ta đã quá ít coi trọng Bí Tích Giao Hòa, trong khi qua Bí Tích đó, Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta để nâng chúng ta chỗi dậy sau khi chúng ta ngã sa? Tất cả những điều đó đều đã hiện hữu trong cuộc khổ hình của Ngài. Sự phản bội của các môn đệ, sự đón nhận cách bất kính trước Mình và Máu Thánh Ngài, đều trở thành nỗi thống khổ sâu xa nhất của Đấng Cứu Độ, mà nó liên hệ đến tận nơi sâu thẳm của Ngài. Chúng ta chỉ có thể kêu lên với Ngài từ thẳm sâu tâm hồn: Kyrie, eleison – Lạy Chúa, xin thương xót con cùng (xc. Mt 8,25)” (Ngắm thứ IX).
- Thì mọi chi thể khác cũng đều đau chung:
Mức độ và quy mô của những sự kiện đòi hỏi phải tiếp nhận vấn đề này theo một cách thức đầy đủ, và với sự thống nhất của tất cả mọi sức lực. Mặc dù trong quá trình hoán cải, điều quan trọng và cần thiết là người ta phải biết ý thức về những vấn đề đã xảy ra, nhưng tự nó, điều ấy vẫn chưa đủ. Trong thời đại hôm nay, với tư cách là Dân Thiên Chúa, chúng ta bị đòi hỏi phải đón nhận về cho mình những nỗi đau khổ của những người anh chị em đã bị gây thương tổn cả nơi thể xác lẫn trong tâm hồn. Nếu như trong quá khứ, sự bỏ qua có thể là một hình thức trả lời, thì trong thời đại hôm nay, chúng ta muốn rằng, tình liên đới, trong ý nghĩa sâu thẳm và cao nhất của nó, chính là cách thức của chúng ta để mô tả lịch sử hôm nay và tương lai trong một môi trường, nơi những xung đột, những căng thẳng và đặc biệt là những nạn nhân của bất cứ hình thức lạm dụng nào, sẽ có thể thấy được một cánh tay giơ ra, mà cánh tay đó có khả năng bảo vệ họ, cũng như có thể cứu họ thoát khỏi nỗi khổ đau (xc. Thông Điệp Evangelii gaudium, 228). Về phía mình, sự liên đới này đòi hỏi chúng ta phải tố cáo tất cả những gì có thể đẩy tính nguyện vẹn của bất cứ con người nào vào chỗ nguy hiểm. Đó là một tình liên đới mà nó mời gọi người ta chiến đấu chống lại bất cứ hình thức hủ hóa nào, đặc biệt là sự hủ hóa về mặt thiêng liêng, “vì đó là một sự mù lòa khoan khoái và tự gây thỏa mãn, mà với nó, rốt cục xem ra tất cả đều được phép: sự giả dối, nói xấu người khác, ích kỷ và rất nhiều những hình thức tinh vi khác của việc quy về cái tôi – vì “Sa-tan vẫn tự hóa trang thành một thiên thần ánh sáng” (2Cr 11,14)” (Tông Huấn Gaudete et exsultate, 165). Lời kêu gọi của Thánh Phao-lô – hãy cũng đau chung với những người đang khổ đau -, chính là phương dược tốt nhất chống lại bất cứ áp lực nào xúi chúng ta tiếp tục lập lại những lời của Ca-in: “Tôi có phải là người bảo vệ em tôi đâu?” (St 4,9).
Cha biết rõ những cố gắng và những công việc mà chúng đang được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau trên khắp thế giới để đảm bảo và hiện thực hóa những dàn xếp mà chúng tạo ra sự an toàn và bảo vệ tình trạng nguyên vẹn của trẻ em cũng như của những người trưởng thành trong những hoàn cảnh nhậy cảm. Việc phổ biến “thái độ bất khoan dung” (đối với những vụ lạm dụng) và những biện pháp nhằm bắt tất cả những ai đã phạm phải tội ác hay đã che giấu tội ác ấy phải chịu trách nhiệm, cũng thuộc về những công việc đó. Chúng ta đã vận dụng những biện pháp và những hành động này với sự chậm trễ, nhưng Cha tin chắc rằng, những biện pháp đó sẽ góp phần để bảo đảm một nền văn hóa bảo vệ tốt hơn, cả trong hiện tại lẫn trong tương lai.
Việc liên kết với những nỗ lực ấy chính là một điều cần thiết mà bất cứ người nào đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể cũng đều phải biết liên hệ đến mình trong việc cải tổ Giáo hội lẫn xã hội mà chúng ta đang rất cần tới. Một sự cải tổ như thế đòi hỏi một sự hoán cải cả về phương diện cá nhân lẫn cộng đồng. Nó dậy cho chúng ta biết nhìn vào cùng một hướng mà Thiên Chúa đang nhìn vào. Vì thế, Thánh Gio-an Phao-lô II đã nói: “Nếu chúng ta thực sự bước ra từ sự chiêm ngưỡng Chúa Ki-tô, thì chúng ta sẽ ở trong tình trạng nhận ra Ngài, đặc biệt là trong dung mạo của những người mà Ngài đã thích đồng hòa bản thân mình với họ” (Tông Huấn Novo millennio ineunte, 49). Học để nhìn về hướng mà Chúa Giê-su đã nhìn. Học để hiện diện ở nơi mà Thiên Chúa muốn chúng ta ở đó, để hoán cải con tim đang đứng trong sự hiện diện của Ngài. Lời cầu nguyện và sự thống hối sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu đó. Cha mời gọi toàn thể Dân thánh Chúa hãy thực hiện việc sám hối cầu nguyện này, cũng như hãy thực hiện việc chay tịnh theo yêu cầu của Chúa[1]. Ngài khơi lên trong lương tâm chúng ta tình liên đới và sự dấn thân cho một nền văn hóa bảo vệ cũng như cho một nền văn hóa “không bao giờ tái lặp” bất cứ hình thức lạm dụng nào.
Không thể hình dung ra được một sự thay đổi về cách hành xử trong Giáo hội nếu như không có sự tham gia tích cực của tất cả mọi thành viên của Dân Thiên Chúa. Hơn nữa: Mỗi lần, khi chúng ta cố gắng trấn áp Dân Chúa để bắt họ phải thinh lặng, hầu lảng tránh vấn đề hay để giản lược vấn đề vào một nhóm nhỏ, thì chúng ta đã tạo ra những cộng đoàn, những chương trình, những quyết định Thần học, những linh đạo và những cấu trúc không hề có gốc rễ, không hề có sự hồi tưởng, không hề có dung mạo, không hề có những cơ thể, và rốt cục thì không hề có sự sống[2]. Điều đó biểu lộ một cách rõ ràng trong một các thức hiểu biết bất thường về quyền bính trong Giáo hội – rất ư là phổ biến trong vô vàn các cộng đoàn, mà trong những cộng đoàn đó, những hành vi lạm dụng tình dục cũng như lạm dụng quyền lực và lương tâm đã xảy ra -, cụ thể hơn, đó là chủ nghĩa Giáo sĩ trị, tức hành vi mà nó “không chỉ hủy hoại cá nhân các Ki-tô hữu, nhưng còn có xu hướng hạ thấp và coi thường hồng ân Thanh Tẩy mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào tâm hồn của Dân chúng ta”[3]. Chủ nghĩa Cha Cố mà giờ đây nó được ủng hộ bởi chính các Linh mục hay bởi các Giáo dân, sẽ tạo ra một sự rạn nứt trong thân thể Giáo hội, mà Giáo hội ấy đang trù tính và đang góp phần vào việc làm cho vô vàn những điều bất hạnh mà ngày nay chúng ta đang hối tiếc, vẫn tiếp tục diễn ra. Việc nói không với sự lạm dụng có nghĩa là nói không một cách mạnh mẽ và rõ ràng với bất cứ hình thức chủ nghĩa Cha Cố nào.
Sẽ luôn luôn là điều tốt đẹp khi nhớ được rằng, Thiên Chúa “đã cứu độ một Dân trong Thánh Sử. Sẽ không có căn tính đầy đủ nếu như không có tư cách thành viên của một Dân tộc. Vì thế, không ai có thể tự cứu độ chính mình với tư cách là một cá nhân độc lập, nhưng Thiên Chúa lôi kéo chúng ta trong lúc Ngài lưu ý đến toàn bộ sự đan xen của những mối tương quan giữa những con người với nhau, mà sự đan xen đó chính là đặc tính vốn có của cộng đồng nhân loại: Thiên Chúa muốn bước vào trong sự năng động xã hội, trong sự năng động của một Dân” (Tông Huấn Gaudete et exsultate, 6). Vì thế, khả năng duy nhất mà chúng ta có để đáp lại những nỗi bất hạnh mà chúng đã cướp đi rất nhiều mạng sống, chính là việc sống theo những nghĩa vụ mà nó bao hàm và liên quan đến tất cả chúng ta với tư cách là Dân Thiên Chúa. Niềm ý thức rằng, chúng ta cảm thấy mình là thành phần của một Dân và của một lịch sử chung, sẽ cho phép chúng ta nhận ra được những tội lỗi và những thiếu sót của chúng ta trong quá khứ, với một sự sẵn sàng để sám hối, mà sự sẵn sàng ấy có khả năng làm cho mình được biến đổi và canh tân từ bên trong. Tất cả những gì người ta thực hiện để khử trừ nền văn hóa lạm dụng khỏi tất cả những cộng đồng của chúng ta, mà không cho phép tất cả các thành viên của Giáo hội được tham gia một cách tích cực vào đó, thì sẽ không ở trong tình trạng tạo ra những động lực cần thiết cho một cuộc cải tổ lành mạnh và công hiệu. Chiều kích thống hối của việc chay tịnh và lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta – với tư cách là Dân Thiên Chúa -, đặt mình trước Thiên Chúa và trước những người anh chị em đã bị gây tổn thương của chúng ta – với tư cách là các tội nhân, những người đang khẩn khoản nài xin sự tha thứ cũng như ơn biết xấu hổ và hoán cải, nhờ đó, tìm ra những biện pháp mà chúng tạo ra sự năng động trong sự tương hợp với Tin Mừng. Vì “mỗi khi chúng ta cố gắng quay trở về với cội nguồn cũng như tái đoạt lại sự tươi mới nguyên tuyền của Tin Mừng, thì những cách thức mới, những phương pháp sáng tạo, những hình thức diễn tả khác, những dấu chỉ có sức diễn cảm, và những lời nói giầu ý nghĩa mới đối với thế giới ngày nay, sẽ xuất hiện” (Tông Huấn Evangelii gaudium, 11).
Điều vô cùng cần thiết là chúng ta – với tư cách là Giáo hội – phải nhìn nhận và lên án với sự đau đớn và xấu hổ trước những hành vi tội ác mà các Tu sĩ và các Linh mục, cũng như tất cả những ai có trách nhiệm phải bảo vệ và nâng đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, đã phạm phải. Chúng ta hãy cầu xin ơn tha thứ cho tất cả những tội lỗi của riêng mình cũng như cho những tội lỗi của người khác. Niềm ý thức về tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhận ra những khuyết điểm, những lỗi phạm và những vết thương đã bị gây ra trong quá khứ, và điều đó cũng sẽ giúp chúng ta mở tâm hồn mình ra, cũng như dấn thân trong hiện tại một cách mạnh mẽ hơn cho một con đường tái hoán cải.
Đồng thời, sự thống hối và lời cầu nguyện cũng sẽ giúp chúng ta làm cho cặp mắt và con tim của mình trở nên sắc sảo hơn trước nỗi khổ đau của người khác, cũng như chiến thắng nỗi thèm khát thống trị và sở hữu, mà chúng thường là gốc rễ của nỗi bất hạnh ấy. Ước chi sự ăn chay và lời cầu nguyện sẽ mở đôi tai chúng ta ra cho nỗi khổ đau thầm kín của những em nhỏ, của những bạn trẻ và của những người tàn tật. Ước gì sự ăn chay sẽ có thể giúp chúng ta đói khát sự công chính, cũng như thôi thúc chúng ta biến đổi trong chân lý, và hỗ trợ chúng ta bằng tất cả mọi phương tiện pháp lý. Rất cần tới một sự ăn chay như thế. Đó là một sự ăn chay mà nó sẽ lay động chúng ta và đưa chúng ta tới chỗ tham gia hoạt động chung với tất cả những ai thành tâm thiện chí, cũng như với toàn thể xã hội trong chân lý và Đức Ái, để chiến đấu chống lại bất cứ hình thức lạm dụng tình dục cũng như lạm dụng quyền lực và lương tâm nào.
Bằng cách đó, chúng ta sẽ có thể làm cho sứ mạng của chúng ta được nên sáng tỏ, tức sứ mạng mà chúng ta được kêu gọi để thực hiện, cụ thể, đó là trở nên “những dấu chỉ và những khí cụ cho sự hiệp nhất nội tại nhất với Thiên Chúa, cũng như cho sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (Lumen gentium, 1).
“Nếu một chi thể nào bị đau, thì mọi chi thể khác cũng đều đau chung” – Thánh Phao-lô nói với chúng ta như thế. Nhờ vào thái độ cầu nguyện và thống hối, chúng ta sẽ có thể bước vào trong sự hòa hợp vừa mang tính cá nhân lẫn tính cộng đoàn với lời nhắc nhớ trên, nhờ thế, những hồng ân cảm thông, công chính, ngăn ngừa và khắc phục sẽ có thể phát triển giữa chúng ta. Đức Maria đã có thể đứng vững dưới chân Thập Giá của Con mình. Mẹ đã thực hiện điều đó không phải theo bất cứ cách nào, nhưng đã đứng thẳng và trực tiếp ngay bên cạnh Thánh Giá. Với thái độ đó, Mẹ đã cho thấy cách thức mà qua đó, Mẹ hiện diện trong cuộc sống. Nếu chúng ta phải trải qua nỗi tuyệt vọng mà những vết thương của Giáo hội gây ra cho chúng ta, thì với Đức Maria, điều đó sẽ rất có lợi cho chúng ta để “kiên tâm hơn nữa trong sự cầu nguyện cùng với Đức Maria” (Thánh I-nha-xi-ô, Sách Linh Thao, 319), bằng cách là chúng ta cố gắng lớn lên trong Tình Yêu và trong sự trung tín với Giáo hội. Mẹ – Nữ Môn Đệ đầu tiên -, sẽ dậy cho tất cả các môn đệ chúng ta biết cách cư xử thế nào khi phải chứng kiến nỗi khổ đau của những người vô tội mà không hề né tránh hay nhụt chí nản lòng. Nhìn lên Đức Maria có nghĩa là học để khám phá ra cách thức chúng ta nên hiện diện nơi đâu và như thế nào với tư cách là những môn đệ của Chúa Ki-tô.
Cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn hoán cải cũng như ơn tăng cường nội lực, để chúng ta có thể diễn tả sự thống hối của mình khi chứng kiến những tội ác lạm dụng này, cũng như có thể diễn tả quyết định của chúng ta trong việc can đảm chiến đấu chống lại những tội ác đó.
Từ Vatican, ngày 20 tháng 08 năm 2018
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
……………………………………………………………………..
Ghi chú:
[1] Loài quỷ này chỉ có thể bị trừ khử nhờ vào việc cầu nguyện và ăn chay” (Mt 17,21).
[2] Xc. Thư gửi Dân Lữ Hành của Thiên Chúa tại Chi-lê, ngày 31.05.2018.
[3] Thư gửi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Mỹ Châu La-tinh, ngày 31.03.2016.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ