LỜI CHÚA: Ga 20:1-8 – Gioan đã thấy Ngôi Lời TC mặc lấy xác phàm và ông đã tin
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.
4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.
5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,
7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
SUY NIỆM: Chúng ta đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng, đã chạm điều gì?
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Gioan Tông Đô, hay còn gọi là thánh Gioan Thánh Sử vì ngài đã viết ra cuốn Phúc Âm Thánh Gioan.
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành; ở nơi Người là sự sống. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” (Ga 1:1,2,9,14)
Ngôi Lời, chính là Đức Giê-su Ki-tô, đã làm người, sinh ra tại Bethlehem, sống ẩn nhật 30 năm tại làng Nazareth, 3 năm ra đi rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, chữa lành bịnh tật và chia sẻ nỗi đau khổ của phận người, cùng ngồi ăn uống với những người tội lỗi và bị loại bỏ xã hội và tôn giáo; sau cùng Đức Giê-su đã bị kết án, bị đóng đinh và chết trên thập giá thay cho tội lỗi con người, và sau 3 ngày Đức Giê-su đã sống lại trao ban Thánh Thần, Đấng thánh hoá và Đấng ban sự sống cho nhân loại.
Thánh Gioan Tông Đồ là chứng nhân của Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Giê-su Nazareth: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1:14)
Thánh Gioan cùng với anh Gia-cô-bê sống nghề ngư phủ ở hồ Galilê, con ông Dê-bê-đê và đã được Chúa Giêsu gọi khi đang vá lưới với cha trong thuyền (Mc 1:20).
Từ đó, thánh Gioan đã theo Đức Giê-su, đã trở thành môn đệ, đã sống và chia sẻ với Thầy mình khi vui buồn, vinh nhục, đói khát, khổ đau, bị chống đối, bị bắt, bị kết án, bị đóng đinh và bị giết chết trên thập giá.
Tuy mang bản tính nóng nảy có lần muốn xin lửa từ trời xuống đốt một làng Samaria (Lc 9:54) và có lòng tham vọng muốn hai anh em mình chiếm vị trí bên tả bên hữu của Thầy mình (Mc 10:37), thánh Gioan là người môn đệ duy nhất trung thành với Đức Giê-su cho đến cùng, đứng dưới chân thập giá khi Đức Giê-su tắt thở và khi đại dương Lòng Thương Xót của Thiên Chúa tuôn trào ra từ Trái Tim Đức Giê-su bị đâm thâu.
Chính vì thế, trong Thư thứ nhất của mình hôm nay, thánh Gioan đã tuyên xưng, làm chừng về và loan báo hồng ân cứu độ của Đức Giê-su:
“Điều chúng tôi đã nghe,
điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” (1Ga 1:1)
Trong Phúc Âm hôm nay của mình, thánh Gioan kể lại: “Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20:3-8)
Trong 12 Tông Đồ, chỉ có thánh Gioan chứng kiến việc táng xác và đem xác Đức Giê-su an táng trong hang đá; chỉ có thánh Gioan chứng kiến khi tảng đá đóng ngôi mộ lại; và trong 3 năm sống chung với Thầy, thánh Gioan biết cách của Đức Giê-su xếp và cuốn lại khăn che đầu như thế nào và cách để như thế nào. Vì thế, khi nhìn thấy cách cuốn, xếp và để, thánh Gioan biết ngay là chính Thầy đã sống lại. Và khi nhìn vào và đi vào ngôi mộ của đời mình, thánh Gioan đã biết Thầy đã yêu thương, chịu đau khổ, chết và sống lại cho mình.
Tóm lại,
Bạn là Ki-tô Hữu, người môn đệ của Đức Giê-su:
Bạn đã gặp gỡ Đức Giê-su chưa?
Bạn đang nghe điều gì về Tin Mừng Đức Giê-su?
Bạn đang thấy tận mắt Chúa Giê-su đang làm gì?
Bạn đang chiêm ngưỡng Đức Giê-su về điều gì?
Bạn đang chạm đến Đức Giê-su, Đấng Emmauel?
Bạn có bao giờ dừng lại để nhìn vào ngôi mộ của đời mình để thấy được Đức Giê-su đang ‘cuốn lại, sắp xếp và đặt để” đời mình như thế nào?
Hãy cảm tạ Chúa!
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Thánh Thần, . . .
Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, xin đến với chúng con luôn mãi, mỗi ngày tháng trong đời, xin chỉ cho chúng con biết sâu xa hơn nữa ơn làm con cái Thiên Chúa, trở nên người anh em của Chúa Giêsu qua việc trở thành dưỡng tử, những người đã được vực dậy từ lời hứa một Đấng Mêsia đã chào đời. Xin dạy chúng con chiến thắng con người tự nhiên của chúng con. Xin soi sáng cho chúng con để chúng con và những người chúng con yêu thương để tất cả được trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa Cha.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cháy lửa yêu mến Chúa như thánh Gioan khi xưa. Ngợi khen Chúa. Amen.
Lm Phêrô Maria Bùi Công Minh
Lạy Chúa phục sinh, vì Chúa đã phục sinh nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.
Vì Chúa đã phục sinh nên con được tự do bay cao, không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối, sợ thất bại, sợ khổ đau, sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.
Vì Chúa đã phục sinh nên con hiểu cái liều của người Kitô hữu là cái liều chín chắn và có cơ sở.
Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.
Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.
Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.
Sự phục sinh của Chúa là một lời mời gọi mang một sức thu hút mãnh liệt khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời: nhìn tất cả từ trên cao để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo. Sự phục sinh của Chúa giúp con dám sống tận tình hơn với Chúa và với mọi người. Và con hiểu mình chẳng mất gì, nhưng lại được tất cả. Amen. Tạ Ơn Chúa!