Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Hơi thở (sự thổi vào) của Thiên Chúa

Truyền thống Công giáo công bố với Timôthêu trong thư 2 Tm 3,16 và với tất cả Kitô hữu rằng Thánh Kinh đều do “Thiên Chúa linh hứng.” Điều này có nghĩa là gì?

Ở đây, từ ngữ Hy Lạp ẩn sau từ “linh hứng” có nghĩa là “thở hoặc thổi vào.” Từ ‘thần khí” trong ngôn ngữ Do Thái phong phú là ruah, có nghĩa là “cơn gió mạnh” bao trùm vực thẳm trong buổi tạo dựng (St 1,2) cũng như “sinh khí” của Thiên Chúa được thổi vào loài người trong St 2,7. Chúa Giêsu Phục Sinh “thổi hơi” vào các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20,22) Để rồi Thánh Kinh chính là “Thiên Chúa thổi hơi” – tràn đầy sự sống, sứ điệp và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Vậy sự linh hứng không có nghĩa là gì? Sự lý giải của Giáo Hội về sự linh hứng Thánh Kinh là một sự phủ quyết các quan điểm khác. Thánh Kinh không:

1. Thuần túy là một bản văn của con người

2. Được Thiên Chúa đọc từng từ cho con người hành động như những con rối.

Linh hứng Thánh Kinh là một sự linh hứng được liên kết giữa ân sủng và tự do nhân loại. Trong một lời chú thích ở cuối trang dành cho đoạn 2 Tm 3,16, NABRE (New American Bible Revised Edition) nói rõ rằng “Thiên Chúa là tác giả chính của Thánh Kinh, với sự cộng tác của các tác giả nhân loại. Chính vì thế Thánh Kinh chính là lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người”.

✠ ✠ ✠ ✠ ✠

Bốn bước sau cho thấy nguồn gốc của Thánh kinh một cách tổng quát:

1. Con người có kinh nghiệm về Thiên Chúa – từ tổ phụ Abraham cho đến Môsê, Đavít, Êlia và nhiều người khác. Sự kinh nghiệm về Thiên Chúa và Mạc Khải đạt đỉnh điểm trong chính Chúa Giêsu Kitô.

2. Con người chia sẻ bằng lời nói (trong một truyền thống truyền khẩu) với nhau những câu chuyện về những kinh nghiệm với Thiên Chúa.

3. Các tác giả được Thiên Chúa linh hứng đã thu thập, viết ra và biên tập các câu chuyện (truyền thống thành văn).

4. Giáo hội sơ khai xác định danh sách chính thức (quy điển) của các tác phẩm vốn tạo thành những bản văn do Thiên Chúa linh hứng.

Kết quả là một thư viện gồm 73 tác phẩm bao gồm các thể loại khác nhau, được biên soạn qua nhiều thế kỷ và nối tiếp qua những bối cảnh khác nhau. Trong những tác phẩm này, 46 tác phẩm là các bản văn thánh từ di sản của Do Thái Giáo (Các Kitô hữu gọi những tác phẩm này là Cựu Ước); 27 tác phẩm còn lại được soạn thảo phù hợp với mạc khải về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu (Tân Ước).

Nhờ thẩm quyền của Giáo Hội để bảo vệ, giải thích và thông truyền Mạc Khải của Thiên Chúa, người môn đệ Công giáo có thể tin rằng Kinh Thánh không sai lầm trong những vấn đề liên quan đến đức tin và luân lý. Điều này không có nghĩa là Thánh Kinh trả lời mọi vấn nạn, nhưng Thánh Kinh chứa đựng Tin Mừng cứu độ mà Thiên Chúa muốn mặc khải.

✠ ✠ ✠ ✠ ✠

Thánh Kinh có đúng không?

Hãy nghĩ về những cách thức giao tiếp phong phú và đa dạng của chúng ta – viết, nói, biểu cảm khuôn mặt, giọng nói, thơ ca, những thống kê bằng số, âm nhạc (có lời hoặc không lời), nghệ thuật, hoặc nhảy múa. Thậm chí ngay cả việc chuẩn bị bữa trưa cho con cái cũng có thể chuyển tải tình yêu thương, sự quan tâm và sự cung ứng. Các phương thức giao tiếp truyền đạt ý nghĩa tùy theo giới hạn của thể loại và và trong sự liên hệ về văn hóa của người nói và người nghe. Khi chúng ta muốn biết về chân lý trong Thánh Kinh thì tất cả những yếu tố này đều đóng một vai trò quan trọng.

Vậy chúng ta có hiểu Thánh Kinh theo nghĩa đen không? Theo Đức cha Robert Barron, Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận Los Angeles, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách nhưng là một thư viện. Vì thế câu hỏi là: “Bạn có hiểu thư viện theo nghĩa đen không?” Nó còn phụ thuộc vào phần bạn đang đứng. Nếu bạn đi vào phần báo chí hoặc bạn đi vào phần lịch sử, bạn sẽ hiểu điều đó khá đơn giản. Nhưng nếu bạn thơ thẩn vào phần thơ hoặc bạn miên man vào phần thần thoại hoặc bạn lang thang vào quan điểm chính trị, thì điều đó còn phụ thuộc vào thể loại bạn đang giải quyết. Thánh Kinh không phải là “một cuốn sách” nhưng là một bộ sưu tập những cuốn sách từ nhiều thể loại văn học khác nhau. Vì thế bạn phải biết mang loại kính nào cho thích hợp. Một vài cuốn Thánh Kinh dễ hiểu hơn, vì những cuốn này mang tính chất lịch sử nhiều hơn. Nghĩ về những cuốn sách đề cập đến vua Đavit và Salômôn, v.v…, bạn có những cuốn Thánh Kinh với nội dung là phóng sự lịch sử. Tiếp đến bạn có những cuốn sách giống như khởi đầu của sách Sáng Thế, hay bạn có câu chuyện về ngôn sứ Giôna, và những cuốn sách này không phải là những bản văn phóng sự dễ hiểu về các sự việc đã xảy ra. Chúng là những bản tường thuật và thơ giàu ý nghĩa thần học. Vì thế, tôi không tiếp cận những cuốn sách đó với cùng một lăng kính mà tôi đã dùng để đọc những bản văn mang tính lịch sử nhiều hơn. Vì thế đó là một nguyên tắc nghiên cứu Thánh Kinh đơn giản mà bạn phải có để nhìn vào thể loại mà bạn đang tìm kiếm.

Hầu hết các bản Thánh Kinh Công Giáo đều có những lời nhập đề cho mỗi cuốn Thánh Kinh cũng như những phần cước chú nhằm giúp cho những người không phải là học giả hiểu biết những thể loại và chủ đề văn hóa phức tạp hơn.

✠ ✠ ✠ ✠ ✠

Những nguyên tắc phiên dịch Công Giáo

Sự linh hứng Thánh Kinh là một sự linh hứng được liên kết giữa ân sủng và tự do nhân loại. “Để giải thích Thánh Kinh cách chính xác, người đọc phải lưu ý tới những gì mà các tác giả nhân loại thực sự muốn xác quyết và đến những gì Thiên Chúa muốn mạc khải cho chúng ta qua ngôn ngữ của họ” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 109).

Giáo Lý Công Giáo trình bày ba nguyên tắc cho việc giải nghĩa Thánh Kinh:

1.“Phải hết sức chú ý đến ‘nội dung và sự duy nhất của toàn bộ Thánh Kinh’. Mặc dầu các sách hợp thành bộ Thánh Kinh có khác biệt nhau mấy đi nữa, Thánh Kinh vẫn là một, bởi kế hoạch của Thiên Chúa chỉ có một và Đức Kitô Giêsu là trung tâm điểm và là trái tim kế hoạch ấy, một trái tim rộng mở từ cuộc Vượt Qua của Người” (GLHTCG số 112).

2. “Phải đọc Thánh Kinh trong ‘Truyền Thống (Thánh Truyền) sống động của toàn thể Hội Thánh’”. (GLHTCG số 113)

3.  “Hãy lưu ý đến ‘tính tương hợp của đức tin’. Thuật ngữ ‘tính tương hợp của đức tin’, có nghĩa là sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin với nhau và trong toàn bộ chương trình Mạc Khải” (GLHTCG, số 114).

Chúng ta có thể tóm tắt những nguyên tắc này bằng cách nói rằng chúng ta không chỉ đọc riêng một dòng hay riêng một cuốn của Thánh Kinh và cố gắng hiểu trọn ý nghĩa của Thánh Kinh. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa có thể nói với chúng ta bằng một cách thức đơn giản, trực tiếp xuyên qua bất cứ dòng Thánh Kinh nào. Tuy nhiên, sự hiểu biết đầy đủ hơn những ý nghĩa phong phú của Thánh Kinh sẽ đến khi chúng ta cũng nhớ toàn bộ Mặc Khải bao gồm toàn bộ Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Chúng ta không cần trở thành những chuyên gia về Thánh Kinh và Thánh Truyền để để khai thác sức mạnh của Lời Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta bắt gặp những câu hỏi hóc búa và những đoạn Thánh Kinh khó hiểu, chúng ta có thể tin chắc rằng sự rõ ràng hơn xuất hiện từ quan điểm rộng hơn về Thánh Kinh và Thánh Truyền. Các mục tử, thầy dạy, học giả và các nguồn của Công Giáo có thể hỗ trợ công việc nghiên cứu của chúng ta khi chúng ta tìm kiếm các đáp án cho những vấn nạn cấp bách nhất của chúng ta. Còn nữa chúng ta phải thanh tẩy tất cả những cuộc truy tầm này trong lời cầu nguyện; ngay cả các học giả và “chuyên gia” cũng đứng trước Thiên Chúa trong cùng mối tương quan như mỗi người chúng ta – những người con yêu dấu của Người.

Đây là một trích đoạn từ cuốn sách Nextstep, quyển 2, của The Evangelical Catholic, được xuất bản bởi Tạp chí The Word Among Us Press (2020). Có sẵn tại nguồn www.wau.org/books.

Theo the Word Among us – Prayer Resources

Nguồn: https://wau.org/resources/article/re_breath_of_god/