Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: _Tiêu điểm

Những Chìa Khoá cho Sự Chữa Lành


Bốn bí quyết để trải nghiệm về quyền năng của Chúa Giêsu

Tất cả lý thuyết và giáo huấn có thể thú vị, nhưng nó vẫn có những giới hạn của nó.

Cho dù chúng ta đào sâu thế nào vào việc chữa lành và phục hồi, câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được sự đụng chạm chữa lành của Chúa Giêsu hay không? Chúng ta vẫn phải tự hỏi điều gì sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những gì đang ràng buộc chúng ta. Vì thế hãy suy nghĩ về bốn bước sau đây, chúng sẽ giúp chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an”.

Hãy Tin Tưởng.

Hạn từ tin tưởng có thể có nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau. Nhưng loại niềm tin mà chúng ta đang nói tới ở đây có liên quan đến một điều gì đó còn hơn cả việc chấp nhận về mặt trí tuệ rằng điều gì đó là đúng. Nó mang tính cá nhân hơn: nó liên quan nhiều đến tâm hồn chúng ta cũng như nó liên quan đến trí óc của chúng ta. Đó là loại đức tin mà người phụ nữ bị băng huyết đã có – một đức tin thúc đẩy chúng ta đến với Chúa; một đức tin thúc đẩy chúng ta dám đặt cược cuộc đời quan trọng của mình vào Chúa Giêsu và điều Người muốn thực hiện trong cuộc sống của chúng ta.

Loại đức tin này không chỉ có nghĩa là nhận biết Thiên Chúa tốt lành, hoặc Thiên Chúa yêu thương nhân loại cách chung chung. Nhưng còn nhận biết rằng Người yêu thương bạn, rằng Chúa Giêsu đồng hành với bạn cách riêng. Điều đó có nghĩa là tin tưởng rằng Thiên Chúa không muốn gì khác ngoài những điều tốt lành cho bạn và Người vui thích canh tân bạn và đưa dẫn bạn vào mối tương quan với Người – một mối tương quan biến đổi cách nhìn của bạn và ban cho bạn một triết lý mới về cuộc sống của mình. Điều đó có nghĩa là tin tưởng rằng ngay cả khi chúng ta không nhận được chính sự chữa lành thể lý mà chúng ta đang cầu xin, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận được sự chữa lành trong tâm hồn và trong tâm trí khi chúng ta phó thác cuộc sống của chúng ta cho Đấng sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Loại tin tưởng này không phải là điều gì đó mà chúng ta có thể tự có được. Thực vậy, sự tin tưởng như vậy thường không được sự logic của con người chấp nhận. Thoạt nhìn, người phụ nữ bị băng huyết hoàn toàn phi lý khi nghĩ rằng chỉ cần chạm vào áo Chúa Giêsu là bệnh của bà được khỏi. Nhưng Thánh sử Máccô trình thuật cho chúng ta rằng bà ấy đã nghe nói về Chúa Giêsu và những câu chuyện bà ấy nghe được – cả những lời dạy cũng như những phép lạ Người đã thực hiện – đã giúp bà tin rằng Chúa Giêsu thực sự có thể chữa lành cho bà. Đó không phải là sự logic của chính bà. Chính cách những người khác chia sẻ với bà về Chúa Giêsu đã giúp bà liên kết với Chúa Thánh Thần, Đấng đã ban cho bà đức tin để tự mình tìm kiếm Chúa Giêsu.

Bạn đang tìm kiếm loại chữa lành nào? Lãnh vực nào trong cuộc sống của bạn cần được Chúa chữa lành nhất? Đó có thể là một căn bệnh hay một tình trạng sức khỏe mà bạn dường như không thể hồi phục. Đó có thể là một loại tội lỗi mà bạn thấy khó khăn để từ bỏ. Đó có thể là một cảm thức tội lỗi hoặc sự xấu hổ về một tội lỗi nào đó trong quá khứ. Hoặc đó có thể là những vết thương in dấu trong bạn bởi tội lỗi hay sự bất cẩn của ai đó. Bất kể đó là gì, Chúa Giêsu muốn nói với bạn rằng Người có thể giúp bạn tìm thấy sự tự do và sự bình an. Tất cả những gì Người đòi hỏi nơi bạn là hãy tin tưởng Người có thể chữa lành cho bạn trong năm nay – quyền năng của Thiên Chúa vượt xa những gì bạn có thể tự mình đạt được.

Hãy Cầu Xin (kêu lên với Chúa). 

Đức tin mà chúng ta vừa mô tả là loại đức tin sẽ thúc đẩy chúng ta kêu lên với Chúa. Đức tin ấy sẽ thúc đẩy chúng ta kiên nhẫn trong cầu nguyện, để cầu xin Chúa chữa lành và giải thoát chúng ta. Tin Mừng có đầy những câu chuyện đề cao những người đã vượt qua những trở ngại để đến với Chúa Giêsu – như anh mù Bartimê, anh đã kêu cầu với Chúa Giêsu, ngay cả khi mọi người bắt anh phải im lặng.

Tin Mừng thuật lại có lần trong sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình biết cách cầu nguyện với Cha trên trời. Người kể cho họ một dụ ngôn về một bà góa kiên trì trong việc tìm kiếm sự công minh nơi một quan tòa không hề quan tâm đến nỗi khốn khổ của bà. Cuối cùng, bà góa này đã thắng bởi vì bà không bao giờ ngừng cầu xin. Rồi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ rằng: Nếu ông quan tòa bất chính đó cuối cùng đã nhượng bộ bà góa, thì Thiên Chúa hẳn sẽ lắng nghe và đáp lại lời con cái Người biết chừng nào khi chúng ta cầu xin Người? Đây là những lời đầy khích lệ, nhưng rồi Chúa Giêsu lại đặt ra một câu hỏi: “Khi Con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8).

Dụ ngôn này cho chúng ta thấy cách Chúa Giêsu liên kết đức tin với việc kiên trì cầu nguyện. Người nói với chúng ta rằng chỉ dâng lên Chúa vài lời lời cầu nguyện rồi phó mặc cuộc sống của mình cho bất cứ điều gì xảy ra thì chưa đủ. Không, loại đức tin mà Chúa muốn ban cho chúng ta là loại đức tin kiên vững. Đó là loại đức tin nhận biết rằng cho dù cuộc sống tâm linh có thể bị thách đố như thế nào đi nữa, thì chúng ta vẫn  phải tiếp tục cầu nguyện, cầu xin, tìm kiếm và gõ cửa. Chúa Giêsu muốn chúng ta có loại đức tin này bởi vì Người biết việc phó dâng các nhu cầu của mình trong bàn tay Thiên Chúa thì dễ dàng cho chúng ta hơn – nhưng chỉ cần chúng ta biết cầu nguyện luôn.

Anh chị em thân mến, hãy cầu xin Cha trên trời luôn luôn! Đừng nghĩ cứ lặp đi lặp lại là đức tin yếu kém. Đúng hơn, cứ tiếp tục cầu nguyện, giống như bà góa kiên trì đã làm, rồi Thiên Chúa sẽ thay đổi không chỉ tình huống mà cả tâm hồn của bạn nữa. Ai biết được? Người có thể không ban cho bạn sự chữa lành mà bạn đang cầu xin, nhưng chắc chắn Người sẽ kéo bạn tới gần với Người và ban ân sủng của Người cho bạn – có thể những ân sủng còn tốt lành hơn cả điều bạn đang cầu xin!

Hãy Làm Hòa với Thiên Chúa. 

Không có gì cản trở kinh nghiệm của chúng ta về quyền năng chữa lành của Thiên Chúa cho bằng tội lỗi. Mỗi sự xúc phạm, mỗi hành động ích kỷ hay bất tuân đều giống như một lớp bụi mỏng phủ lên tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta không tẩy sạch những tội lỗi này, các lớp bụi sẽ tích tụ nhiều hơn, nhấn chìm chúng ta vào bóng tối ngày càng sâu hơn. Hoặc cuối cùng chúng ta sẽ cảm thấy mình quá tội lỗi đến nỗi chúng ta tin rằng Chúa Giêsu sẽ không yêu thương chúng ta nữa, hoặc lương tâm của chúng ta sẽ trở nên u mê đến nỗi chúng ta không còn nhận thấy – hoặc không quan tâm mình đã xa cách Chúa biết chừng nào. Và càng xa Chúa, chúng ta càng khó mở lòng đón nhận sự chữa lành của Người trong cuộc sống của chúng ta.

Đó là lý do tại sao sự hoán cải và Bí tích Hòa Giải rất quan trọng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xưng thú tội lỗi của mình không phải vì Người muốn chúng ta cảm thấy tội lỗi hoặc bởi vì Người muốn đánh bại chúng ta. Hoàn toàn ngược lại! Người muốn giải thoát chúng ta. Người muốn chữa lành chúng ta, cả tinh thần và thể lý. Và đó thường là trường hợp chữa lành thể lý theo sau sự chữa lành tâm linh. Đây là lý do Thánh Giacôbê khuyến khích chúng ta: “Anh em hãy xưng thú tội với nhau và hãy cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát” (Gc 5,16). Vì ngài biết rằng khi chúng ta loại bỏ những rào cản tâm linh của tội lỗi, chúng ta đang mở đường cho Thiên Chúa đến gần với chúng ta và chữa lành cho chúng ta.

Hãy suy gẫm về người phụ nữ tội lỗi trong Tin Mừng Luca chương 7. Chúa Giêsu có thể đã nói rằng người phụ nữ này đã được Tin Mừng của Chúa đụng chạm và đã đón nhận lòng thương xót cũng như sự tha thứ của Người. Thực vậy, sự trải nghiệm được ơn tha thứ này đã thúc đẩy chị lau chân cho chân Chúa Giêsu và rơi những giọt nước mắt của niềm vui và lòng biết ơn đối với Người. Bởi vì chị đã từ bỏ cuộc sống quá khứ của mình, chị cảm thấy được tự do để chạy đến với Chúa Giêsu và lắng nghe Người hứa với chị rằng chị không chỉ đã được tha thứ, mà còn được cứu độ và chữa lành! Vì thế đừng để bất cứ tội lỗi nào ngăn cản giữa Chúa và bạn. Nếu bạn đã phạm tội lâu rồi, hãy đi xưng tội và làm hòa với Chúa. Hãy sám hối và bạn sẽ cảm nghiệm được quyền năng của lòng thương xót  của Chúa Giêsu có sức chữa lành và phục hồi.

Hãy Vững Lòng. 

Bí quyết cuối cùng là lắng nghe lời Chúa Giêsu nói với bạn rằng: Lòng tin của bạn đã cứu chữa bạn. Hãy vững lòng! Hãy yên tâm vì Cha trên trời biết rõ những gì bạn cần trước cả khi bạn cầu xin (x. Mt 6,8). Hãy tin rằng Người sẽ không cho bạn con rắn khi bạn xin Người con cá, hoặc Người sẽ không ban cho bạn con bọ cạp khi bạn xin trái trứng (x. Lc 11,11-12). Chính Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta: “Hỡi đoàn chiên bé nhỏ của Thầy, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,13).

Thật khó để tin – đặc biệt trong một thế giới luôn nói với chúng ta rằng chúng ta phải tự mình tiến thân- rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thật khó để tin rằng Người yêu thích chữa lành chúng ta và ban cho chúng ta những ân huệ tốt lành. Nhưng đây là trọng tâm của Tin Mừng. Đây là lý do tại sao giáo huấn của Chúa Giêsu được gọi là “Tin Mừng”.

Hãy tin rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với bạn. Hãy kiên trì gắn bó với Chúa Giêsu để Người có thể đụng chạm và chữa lành cho bạn. Và nhất là, hãy yên tâm vì biết rằng Cha trên trời của bạn hằng ao ước tuôn đổ sức mạnh của Người trên cuộc sống của bạn – thậm chí, hơn cả bạn khao khát được chữa lành và phục hồi. Đây là đức tin chữa lành. Đây là đức tin cứu độ. Đây là đức tin mang lại nụ cười trên khuôn mặt của Chúa Giêsu. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho bạn bằng ân sủng chữa lành trong năm mới này.

Theo the Word Among us – Personal Spirituality ResourcesNguồn: https://wau.org/resources/article/re_keys_to_healing_1/