Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Bài giảng

07.09 * Thứ Năm XV: Is 26:7-9,12,16-19; Mt 11:28-30

   

Suy Niệm:

Trong Tin Mừng Mát-thêu hôm nay, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Tôi cảm thấy Đức Giê-su cũng rất là lạ. Đức Giê-su mời gọi những ai đang mang gánh nặng và ách vất vả đến với Chúa để được bồi dưỡng và nghỉ ngơi. Nhưng khi những người đau khổ vất vả đến với Chúa, thì Chúa lại bảo họ hãy mang ách của Chúa: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi.”

  Một ngày kia, tôi đã hỏi Đức Giê-su, “Chúa ơi, con đang vất vả và cái ách của con quá nặng nề đang đè lên đời con, thì Chúa lại muốn con vác thêm ách của Chúa? Làm sao con có thể mang cả hai ách? Đức Giê-su đã cho tôi hiểu rằng mỗi con bò thì chỉ có một cái ách. Nếu tôi muốn đặt một một cái ách mới khác trên con bò, thì tôi phải bỏ cái ách cũ. Vì vậy, Đức Giê-su muốn nói với tôi: “Con hãy cỡi bỏ ách nặng của con để Ta mang cho con! Con hãy mang lấy ách của Ta vì ách của Ta thì êm ái! Hãy để cho Ta mang lấy gánh vất vả của con và con hãy mang lấy gánh của Ta vì gánh của Ta thì nhè nhàng!”

Vậy, ách và gánh của Đức Giê-su là gì? Ách của Đức Giê-su chính là Tin Mừng, Lời của tình yêu, lòng thương xót, bình an, hy vọng, niềm vui, và Bát Phúc. Gánh của Đức Giê-su chính là niềm vui và hồng ân cứu độ, sự đau khổ, chết và sống lại của Người.

Có rất nhiều gánh nặng và ách đau khổ trong cuộc đời, đặc biệt gánh nặng tội lỗi yếu đuối, nghiện ngập và ách thống trị của quyền lực Sa-tan. Đức Giê-su đã đến thế gian để chia sẻ nỗi khổ đau của con người và Ngài đã giải thoát con người khỏi gánh nặng của tội lỗi và ách thống trị quyền lực bóng tối.

Hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy trao cho Người tất cả gánh nặng và ách vất vả của đau khổ tâm hồn và thể xác chúng ta. Chính Đức Giê-su sẽ cho chúng ta được nghỉ ngơi và bồi dưỡng.

Lm Phêrô Maria Bùi Công Minh