Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Chiêm nghiệm và cầu nguyện

Lời Khuyên Thực Tế Giúp Bạn Đi Vào trong Sự Hiện Diện của Chúa

Lạy Chúa, Này Con Đây!
Lời Khuyên Thực Tế Giúp Bạn Đi Vào trong Sự Hiện Diện của Chúa

Môsê có một mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Ông có quyền tự do vào nhà tạm và nói chuyện với Thiên Chúa “mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11). Chẳng lẽ, bạn không muốn bạn có thể có cùng một kinh nghiệm đó sao?

Vâng, có lẽ bạn có thể. Kinh Thánh cho biết rằng chúng ta có thể có “sự mạnh dạn (nói năng) và tin tưởng đến gần” với Thiên Chúa qua đức tin của chúng ta (Ep 3,12). Chúng ta được khuyến khích tiến lại gần Thiên Chúa “với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn” (Dt10,22).

Đây là một số ý kiến thực tế giúp bạn đi vào trong sự sự hiện diện của Chúa.

Thứ tự và thái độ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống tốt là cảm thức về sự trật tự và tính nhất quán. Điều này có nghĩa là thiết lập thời gian cụ thể để cầu nguyện mỗi ngày. Nhiều người tìm thấy buổi sáng là thời gian tốt nhất, trước khi họ bắt đầu bận rộn với ngày sống. Tuy nhiên, bạn sẽ phải thử nghiệm và tìm ra thời gian phù hợp nhất với bạn.

Cũng thật hữu ích để sắp xếp được một nơi cụ thể: một nơi yên tĩnh trong nhà của bạn, chỗ ngồi ưa thích của bạn tại nhà thờ, hoặc một công viên địa phương. Hãy nhớ rằng bất cứ nơi nào và khi nào bạn cầu nguyện, thì mục đích của bạn là phải chọn một thời điểm và một nơi chốn mà những sự sao nhãng giảm đến tối thiểu. Như Chúa Giêsu nói: “Hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6).

Ngoài việc phải có trật tự, thái độ đóng một vai trò quan trọng. Ngay từ đầu giờ cầu nguyện của bạn, hãy đặt trái tim và tâm trí của bạn vào đúng nơi. Hãy nghĩ đến Môsê, người đã thưa với Thiên Chúa: “Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây” (Xh 33,15). Hoặc nhớ lại Thánh Phêrô, người đã hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời “ (Ga 6,68).

Làm thế nào để cầu nguyện với mục đích này trong tâm trí: để tìm thấy Chúa và ở bên Người. Hãy thưa với Chúa rằng: “Cha ơi, con ở đây vì con cần Cha. Con ở đây vì Cha là Đấng duy nhất có thể ban cho con những ân sủng cần thiết để con được bình an và thực hiện thánh ý của Cha hôm nay”.

Tôn Thờ (Thờ Phượng). Vậy bạn sẽ làm gì một khi bạn đã sắp xếp được thời gian và địa điểm cho bạn cũng như khi bạn đã có được thái độ đúng đắn? Bạn bắt đầu tôn thờ. Hãy sử dụng các thánh vịnh hoặc lời của Chúa Giêsu. Hãy hát những bài thánh ca yêu thích của bạn, hoặc nghe nhạc cầu nguyện. Hãy nhớ những gì Thánh Augustine đã nói: “Những người hát là cầu nguyện hai lần”. Hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp của sự sáng tạo của Thiên Chúa. Hãy nhớ lại những lần mà Thiên Chúa đã làm việc trong đời sống của bạn. Hãy đọc các chân lý về đức tin mà bạn đã học trong giáo dục tôn giáo hoặc trong Kinh Thánh.

Tôn thờ Thiên Chúa vì Người là Đấng: hoàn hảo, mạnh mẽ, thường hằng, công chính, từ bi và trắc ẩn. Thờ phượng Chúa vì Người yêu bạn. Hãy nhớ lại những lần Chúa đã làm việc trong cuộc sống của bạn hoặc trong cuộc sống của một người thân yêu của bạn. Thờ phượng Chúa vì lòng trung thành và lòng tốt của Người. Hãy mở Kinh Thánh và để cho lời của Thiên Chúa truyền cảm hứng cho sự thờ phượng của bạn. Hãy để Thánh vịnh 100 giúp bạn uốn nắn thái độ của bạn. Hãy để Thánh vịnh 23 giúp bạn tập trung vào sự bảo vệ yêu thương của Thiên Chúa. Hãy để Thánh vịnh 139 giúp bạn tập trung vào sự khôn ngoan và lòng trung thành của Người.

Hãy để những lời này trở thành của riêng bạn. Hãy lập đi lập lại nhiều lần những lời ấy, và để cho các sự thật được thấm nhuần vào trái tim bạn. Khi bạn làm như thế, bạn sẽ nhận thấy mình gần gũi hơn với Chúa. Bạn sẽ cảm thấy một cảm giác bình an và một hương vị của tình yêu của Người. Bạn sẽ tìm thấy chính mình tự tin hơn, thư thái hơn, và cởi mở hơn với thánh ý của Người. Bạn sẽ thấy mình nói những điều như: “Lạy Chúa, con cảm động vì tình yêu Chúa”. “Lạy Chúa  Giêsu, con rất biết ơn Chúa vì Chúa đã cứu con khỏi tội lỗi”. Và “Lạy Cha, con muốn phục vụ Cha”. Tóm lại, bạn sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào sự trong hiện diện của Chúa.

Một Trí Tưởng Tượng Được Chiếu Sáng. Một khi bạn đã tìm thấy chính mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa, hãy thực hiện bước tiếp theo, và xin Chúa Thánh Thần nói với trái tim bạn. Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là sử dụng trí tưởng tượng khi bạn suy niệm Thánh Kinh. Bạn bắt đầu bằng cách đọc một đoạn từ Kinh Thánh – có lẽ là một câu chuyện từ một trong các Tin Mừng hoặc từ cuộc đời của Đavít hoặc Môsê. Đọc kỹ; hãy chắc chắn bạn hiểu câu chuyện. Nếu Kinh Thánh của bạn có chú thích, hãy sử dụng chúng để giúp hướng dẫn bạn.

Nhưng đừng chỉ dừng lại ở việc nắm bắt được một điểm của câu chuyện. Cũng hãy sử dụng trí tưởng tượng của bạn. Trong tâm trí của bạn, hãy quay ngược thời gian và tự tưởng tượng mình là một vai nào đó trong câu chuyện. Hãy là người phụ thêm đó với Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly hoặc cùng với Môisê khi ông tách nước biển làm đôi. Hãy quan sát các biểu hiện trên khuôn mặt của mọi người và cử chỉ của họ. Hãy ngửi mùi không khí. Hãy so sánh các phản ứng của các nhân vật khác nhau với chính bạn. Bạn có thể đã nói gì hoặc làm gì nếu bạn ở đó?

Sử dụng trí tưởng tượng của bạn như thế có thể giúp bạn làm cho cảnh tượng trở nên sống động cho bạn. Nó có thể cho bạn những hiểu biết mới về Thiên Chúa và đường lối của Người. Nó có thể giúp bạn nhìn thấy Chúa Giêsu và các thánh trong một ánh sáng mới. Thánh Ignatiô thành Loyola đã từng sử dụng hàng giờ để tưởng tượng xem cuộc sống của Thánh Gia như thế nào khi Chúa Giêsu lớn lên. Thánh nhân thường nói về việc ngài vui như thế nào khi ngài anh tưởng tượng chính mình tham gia cùng các Ngài đi dạo, ăn tối với các Ngài, hoặc ngồi với các Ngài khi các Ngài cầu nguyện với nhau.

Một Thử Nghiệm trong Cầu Nguyện. Hãy thử ngay bây giờ. Hãy mở Kinh Thánh của bạn để đọc dụ ngôn của Chúa Giêsu về đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32). Hãy đọc câu chuyện vài lần thật cẩn thận, với bút và giấy trong tay. Hãy tập trung chú ý vào cuộc trò chuyện của người cha với hai người con trai. Hãy thử tưởng tượng sự căng thẳng và cảm giác thất bại trên khuôn mặt của người đi hoang và quần áo rách rưởi của anh khi trở về. Hãy lắng nghe giọng nói của anh. Hãy tưởng tượng những gì anh cảm thấy như thế nào và giọng nói của anh có vẻ như thế nào.

Bây giờ, bạn hãy nhìn xem người con hết căng thẳng và bạo dạn hơn với nụ cười nhẹ nhàng khi anh nghe những lời yêu thương và sự chào đón của cha anh. Hãy tưởng tượng nụ cười mỗi lúc mỗi rạng rỡ hơn trên khuôn mặt của người cha khi ông dang tay ra ôm lấy cậu con trai bé bỏng của mình. Ông không qua tâm đến cách anh đã lãng phí một nửa tài sản của gia đình. Tất cả vấn đề người cha quan tâm đó là con trai ông đã về nhà an toàn và mạnh khỏe. Điều này có giúp bạn nhận biết Cha của bạn yêu thương bạn đến mức nào và luôn chào đón bạn về nhà mỗi khi bạn ăn năn sám hối không?

Bây giờ, hãy tưởng tượng người con lớn đang xông vào hiện trường. Hãy nhìn sự căm phẫn trên khuôn mặt anh. Hãy lắng nghe sự cay đắng và giận dữ trong giọng nói của anh. Hãy chú ý “cái bướu” trên của vai anh và cách nắm đấm của anh đang nắm chặt. Anh ta hẳn rất khó chịu vì sự bất công này!

Hãy lắng nghe tiếng của người cha từ bi biết bao khi ông xin người con trai lớn tha thứ cho em trai anh ta. Hãy hình dung cái nhìn quan tâm trên khuôn mặt người cha khi ông đang cố gắng giải cứu con trai lớn của ông khỏi sự ghen tuông và khỏi một sự nhấn mạnh thái quá về sự phán xét hơn là lòng thương xót.

Hãy tiếp tục và hình dung cảnh tượng. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần giúp bạn xem câu chuyện này liên hệ thế nào tới cuộc sống hoặc tới mối tương quan của bạn với Thiên Chúa. Hãy dành vài phút để kéo dài thêm bất cứ tư tưởng gì có thể đi vào tâm trí bạn.

Đừng lo lắng nếu không có gì đến với bạn lúc đầu. Đôi khi chúng ta phải quen với việc làm tâm hồn mình lắng xuống. Đôi khi chúng ta phải dành nhiều thời gian hơn để thờ phượng. Và đôi khi Thiên Chúa chỉ muốn dạy chúng ta phải chờ đợi trong sự tin cậy và kiên nhẫn như thế nào.

Được Biến đổi bởi Vinh quang của Người. Thánh Francis de Sales, một lần đã so sánh những ánh sáng mà chúng ta nhận được từ cách cầu nguyện này với một bó hoa, bạn có thể giữ như một lời nhắc nhở của Chúa trong suốt cả ngày sống của bạn. Đó không phải là toàn bộ điểm cầu nguyện sao? Đó chẳng phải là hãy để cho sự giúp đỡ của Cha bạn giúp bạn thay đổi cách bạn suy nghĩ và hành động sao, hầu bạn có thể mang thiên đàng đến thế gian?

Như thế khi bạn nhận thấy chính mình đang trở nên ân cần và quan tâm đến người khác hơn, thì hãy biết rằng đó chính là vì Chúa Thánh Thần đang hoạt động để làm cho bạn nên giống Chúa hơn. Khi bạn thấy mình ngày càng quảng đại hay kiên nhẫn hơn hoặc sẵn sàng chia sẻ đức tin của bạn hơn, đó là vì Thiên Chúa đang làm việc trong bạn. Bất kỳ điều nào trong số những điều đó có thể xảy ra – tất cả vì bạn đã bắt gặp được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cầu nguyện, và cuộc gặp gỡ đó đã làm cho bạn muốn nên giống như Người hơn.

Theo the Word Among us
Prayer Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương