Đây là một thánh lễ có một không hai. Thánh lễ này bắt đầu bằng đoàn rước từ thành thánh Giêrusalem, đi qua các con phố trong thành. Trong đoàn rước có quân lính đi theo hộ tống và có rất nhiều tham dự từ già trẻ lớn bé, thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Linh mục chủ tế cũng chính là lễ vật. Người mang trên vai mình cây Thánh giá cũng chính là bàn thờ. Khi đến nơi đã được bàn thờ được dựng lên. Vị linh mục đó bước lên bàn thờ bắt đầu dâng thánh lễ đời mình. Máu từ Thánh Giá đổ ra đã thanh tẩy mọi tội lỗi và vết nhơ của nhân loại. Mang lại ơn cứu độ đó chính là sự sống đời đời và muôn ơn lành cho tất cả mọi người. Từ trên bàn thờ đó Người đã giảng một bài giảng bất hủ. Vị linh mục chủ tế đó chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta và toàn thể nhân loại. Bài giảng đó chính là bẩy Di ngôn của Đức Giêsu. Như lời một nhà văn đã nói: “trên thế gian không gì cao đẹp bằng Đức Giê-su, trong cuộc đời của Đức Giê-su không gì cao đẹp bằng cái chết trên thập giá của Người, trong cái chết đó không gì cao đẹp bằng những lời Người trao ban cho chúng ta”.
Trước giờ phút lâm chung, dù đang rất đau đớn vì khổ hình thập giá nhưng Chúa Giêsu đã dùng những sức lực cuối cùng của mình để thốt ra những lời nói quí giá, những lời nói không chỉ là những bài học luân lý nhưng còn là những lời mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Khi bước vào Tam Nhật Thánh chúng ta hãy dành ra ít phút để suy gẫm những lời mang lại ơn cứu độ và sự sống đời đời này đặc biệt là mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ. Bảy lời này có liên quan mật thiết đến các phần trong Thánh Lễ. Trong khuôn khổ bài viết này ta không thể nêu ra hết các khía cạnh liên quan trong cấu trúc nội tại của Thánh Lễ và Bảy Di Ngôn hay còn gọi là Bảy Lời Cuối Cùng Của Đức Giê-su. Bài viết này xin được so sánh và đưa ra tương quan giữa Bẩy Di Ngôn của Đức Giêsu và Thánh Lễ. Bảy Di Ngôn đó tóm lại những ý chính sau: tha thứ luôn luôn, sống trong hiện tại, dâng hiến mọi sự, tin tưởng tuyệt đối, khao khát luôn luôn, chu toàn mọi sự và phó thác trọn vẹn tương ứng với bẩy phần trong Thánh lễ đó là nghi thức sám hối đầu lễ, phần Phụng vụ lời Chúa, phần dâng lễ vật, phần truyền phép, rước lễ, kết lễ và Tin Mừng cuối lễ.
Lời thứ nhất: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ” (Lc 23, 34)” Câu này có thể tương ứng với nghi thức Sám hối đầu lễ – tôi thú nhận cùng anh chị em…. hay Kinh Xin Chúa Thương Xót. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ và đọc kinh này chúng ta nhớ đến hình ảnh Chúa đang nói với chúng ta từ trên Thánh Giá, và nhớ rằng chính lúc này Chúa Giêsu cũng đang chuyển cầu cho chúng ta trước toà Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34) Tâm tình sám hối ăn năn và tha thứ là giáo huấn quan trọng của Đức Giêsu. Ngay khi mở đầu sứ mệnh rao giảng Đức Giêsu đã kêu gọi mọi người “Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15) Đặc biệt là khi Phêrô hỏi phải tha thứ bao nhiêu lần Đức Giêsu trả lời cần phải tha thứ “bảy mươi lần bảy” có nghĩa là tha thứ luôn luôn. Giờ đây ngay trên Thánh Giá Chúa Giêsu lại một lần nữa nhắc lại giáo huấn quan trọng này để chúng ta ghi nhớ và là bài học quan trọng cho mình. Trong cuộc sống không ít lần chúng ta vô tình hoặc cố ý xúc phạm đến người khác và không ít lần chúng ta bị người khác xúc phạm nếu vì vậy chúng ta phải luôn luôn tha thứ cho nhau. Đó là nội dung di ngôn đầu tiên của Chúa Giêsu.
Lời thứ hai: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43) Câu này tương ứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa hay các bài đọc trong Thánh Lễ. Trong Tin Mừng chúng ta thấy Đức Giêsu đã dạy rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” hoặc là “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy, tai được nghe những lời anh em đang nghe” (Lc 10,23) Nhờ học hỏi và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta được thấy những phép lạ Người thực hiện khi còn ở thế gian và cả khi đã về trời. Quá khứ là ký ức của hiện tại và tương lại của dự phóng, là sự căng hướng về phía trước của lúc này và bây giờ. Tuần thánh chúng ta tưởng nhớ đến cuộc tử nạn và sự sống lại của Chúa Kitô. Qua tưởng nhớ này mà người hiện diện tại đây và lúc này với chúng ta. Người vẫn đang nói với ta qua Lời của Người. Trong Thánh Lễ khi nghe Lời Chúa và bài giảng chúng ta phải tự hỏi Chúa nói gì với tôi qua các bài đọc và tôi cần ơn nào của Chúa trong lúc này? Điều này thể hiện chiều kích hiện tại hóa Lời Chúa. Giống như môn đệ Emmaus, được cảm nghiệm Chúa Giêsu đang nói với họ “hôm nay” “ở đây”. Chúng ta phải tìm cách thức để đưa Lời Chúa vào đời sống đặc biệt là đời sống bí tích và hãy luôn luôn sống trong hiện tại vì quá đi rồi. Tương lai thì chưa tới. Mọi tội lỗi của chúng ta đã được thứ tha hết rồi dù nó có nặng nề thế nào.
Lời thứ ba: “Thưa Bà, đây là con Bà” (Ga 19, 26) Câu này tương ứng với phần dâng lễ phẩm bánh rượu và những vật dụng khác cần thiết cho phụng vụ Thánh Thể. Như Chúa Giêsu đã trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan và trao phó thánh Gioan cho Đức Mẹ. Đây là cũng lúc chúng ta dâng hiến chính bản thân mình cho Chúa Cha cùng với Đức Kitô. Đức Tổng Giám mục Fulton Sheen cho chúng ta thấy một hình ảnh rất đẹp mang tính biểu tượng sâu sắc. Ngài nói Đức Giêsu là tấm bánh lớn – bánh linh mục cầm đi đọc lời truyền phép, còn mỗi chúng ta là những tấm bánh nhỏ. Khi Đức Giêsu hiến dâng bản thân mình cho Chúa Cha, chúng ta cũng dâng hiến chính mình chúng ta cho Thiên Chúa. Tấm bánh lớn là chính Đức Giêsu đã lên Thiên Đàng thì chúng ta những tấm bánh nhỏ cũng được lên thiên đàng giống như vậy. Khi hiến dâng thân mình như vậy chúng ta được trở nên những lễ vật làm đẹp lòng Chúa và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Ở đây, chúng ta cũng thấy vai trò của Đức Mẹ. Đức Giêsu đã muốn Thân Mẫu của mình trở nên giương mẫu hoàn hảo về sự thánh thiện cho chúng ta. Chúng ta cần sự thánh thiện và muốn dâng hiến bản thân chúng ta lên Chúa trong thánh lễ trong tình trạng ân sủng và thánh thiện hết sức có thể. Trong Thánh lễ đôi khi chúng ta quên đi vai trò của Đức Mẹ trong thánh lễ. Chúng ta thường bỏ Đức Mẹ ra ngoài trong khi cử hành Thánh lễ. Có khi chúng ta chỉ nhớ đến Mẹ qua bài hát cuối cùng của Thánh lễ. Mong rằng chúng ta không quên nhớ đến Đức Mẹ trong suốt buổi cử hành Thánh lễ đặc biệt là khi Dâng Của Lễ bắt đầu phần Phụng Vụ Thánh thể.
Lời thứ tư: “Lạy Thiên Chúa! lạy Thiên Chúa của con!” (Mt 27, 46). Tiếng kêu xin tha thiết của Đức Giêsu là cũng là tiếng kêu của toàn thể nhân loại bị tách lìa khỏi Thiên Chúa. Tội lỗi là sự tách lìa hay là sự ly dị khỏi Thiên Chúa. Chính vì sự tách biệt này đã dẫn đến mà những tội lỗi khác tiếp tục xảy ra. Tiếng kêu của Đức Giêsu cũng chính là tiếng kêu của nhân loại đang cô đơn do sự thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc sống. Đây là câu nói thứ bốn và cũng là câu nói quan trọng nhất trong các di ngôn của Đức Giêsu. Câu này tương ứng với lời tường thuật hay còn gọi là hiến thánh hay gọi theo ngôn ngữ bình dân là khi linh mục truyền phép bánh rượu trở nên mình và máu Chúa Kitô. “Này là mình Thày sẽ bị nộp vì các con…., này là chén máu Thày máu giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.” Khi vị chủ tế đọc lời này là chính Đức Giêsu linh mục đang đọc. Đây là “Hy Lễ được thực hiện nhờ lời nói và việc làm của Đức Kitô, hy lễ do chính Đức Kitô đã thiết lập trong bữa Tiệc Ly, khi dâng tiến Mình và Máu Người dưới hình bánh và hình rượu, khi ban cho các tông đồ để ăn và uống, và khi truyền cho các ngài phải làm cho mầu nhiệm này tồn tại mãi.” (QCSL 79) Hơn nữa, đây không chỉ là lời tương thuật nhưng còn là một lời nguyện. Lời nguyện này nhắc cho chúng ta và nhắc cho Chúa nhớ lại những gì đã xảy ra cho Đức Giêsu, đặc biệt là nhắc lại việc trước khi ly trần Người đã để lại cho chúng ta một cuộc tưởng niệm này. Thánh Phao-lô còn khẳng định rằng chúng ta không chỉ tưởng niệm mà chúng ta còn loan báo cái chết của người mỗi khi chúng ta tưởng nhớ Người (1 Cr. 11, 26) Tưởng niệm là một ý tưởng then chốt của trong cử hành phụng vụ, bắt nguồn từ Cựu Ứơc đây không chỉ là một hành vi tâm lý bình thường mà là một hành động của Thiên Chúa. Hội Thánh cầu xin Chúa tiếp tục tái diễn công cuộc cứu độ ngay lúc này.
Lời thứ năm: “Ta Khát” (Ga 19, 28). Câu này tương ứng với phần hiệp lễ hay là rước lễ. Đây chính là tiếng kêu thể hiện sự khao khát sự hiệp thông. Tiếng kêu của vị mục tử đối với đoàn chiên, lời kêu gọi của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thiên Chúa luôn luôn kêu mời con người quay trở lại và hiệp thông Người. Đức Giêsu xuống thế gian để dạy chúng ta về sự khát khao này. Người chính là thày dạy khát khao. Người khao khát các tâm hồn và linh hồn chúng ta. Con người có thể khao khát Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa chắc chắc khao khát con người. Ngay từ khi sáng tạo khi Người mời con người trở nên bạn hữu trong vườn địa đàng; trong mặc khải Cựu Ước, Người cố gắng mang trái tim tội lỗi của con người bằng cách tỏ cho họ biết những bí mật của tình yêu Người; trong Nhập Thể khi Người trở thành giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi bởi vì yêu. Giờ đây người khao khát con người trong Cứu Chuộc, là một tình yêu lớn hơn bất kỳ một tình yêu nào của con người vì người đã hi sinh mạng sống cho bạn hữu của mình. Đây lời kêu mời hiệp thông trước khi Người kết thúc cuộc đời trần thế và trở về với Chúa Cha. Khi chúng ta đi vào sự hiệp thông và đón nhận một cách xứng đáng, chúng ta được thoả mãn khát vọng của bản thân và khao khát của Đức Kitô. Người muốn đi vào tương quan với chúng ta nhưng hơn thế nữa Người muốn được hiệp thông với chúng ta, và liên kết với chúng ta. Khi rước lễ chúng ta được kết hiệp trọn vẹn nên một với Chúa cả theo nghĩa tinh thần và thể xác. Chính vì vậy Thánh thể được gọi là bí tích của sự hiệp nhất.
Lời thứ sáu: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30) Câu này tương ứng với câu “Ite, Missa Est – Thánh Lễ Đã Xong”. Từ “Thánh Lễ” bắt nguồn từ từ “Missa”. Từ Latinh Ite, Missa Est cũng có nghĩa là “Hãy đi, hãy giải tán.” Thánh lễ là sự hoàn thành cuối cùng của Đức Kitô. Ngài mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Và giờ đây tin mừng cứu độ phải được lan truyền đến tận cùng trái đất. Đức Giêsu phán rằng: “thế là đã hoàn tất” bởi vì ơn cứu độ con người đã hoàn thành. Ơn cứu độ đã được Chúa chinh phục về cho con người. Tình yêu của Người đã hoàn thành sứ vụ của mình, bởi vì Tình Yêu đã làm tất cả nó có thể. Có hai điều Tình Yêu có thể thực hiện đó là bản tính của Tình Yêu hướng đến Nhập Thể, và Nhập Thể hướng đến Thập Giá. Chúng ta được giải tán khỏi Thánh Lễ và được sai đi để yêu. Chúng ta vừa chứng kiến hành động lớn nhất của tình yêu và bây giờ chúng ta được mời gọi để bắt trước tình yêu đó, mang tình yêu nhập thể và thập giá vào trong đời sống của chúng ta và cuộc sống của người khác. Ngày nay, các tác giả giải thích rằng từ missa giống như từ missio nghĩa là sứ mạng và sứ vụ. Thánh lễ đã xong, giờ đây các tín hữu được “sai đi” mang Tin Mừng cho nhân loại.
Lời thứ bảy: “Lạy Cha! con phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46) Câu này tương ứng với phần cuối cùng của Thánh Lễ Nghi Thức Latinh Ngoại Thường hay còn gọi là nghi thức Công đồng Triđentinô. Ngày nay hầu như không còn dùng trong phụng vụ nữa. Trong nghi thức ngoại thường này, Tin Mừng Cuối Cùng được công bố ở cuối thánh lễ. Tin Mừng cuối cùng này luôn luôn dùng chương đầu tiên tư Tin Mừng Gioan để nhắc nhở chúng ta rằng: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Quả là nghịch lý khi kết thúc Thánh lễ bằng việc khởi đầu. Nhưng sự “khởi đầu” mà lời tựa trong Tin Mừng thánh Gioan biểu dương không thuộc về quá khứ nhưng nó hiện diện ở trung tâm của lịch sử nhân loại. Nó là nguồn mạch trào vọt sự sống được biểu lộ hôm nay trong định mệnh lịch sử của Đức Giêsu. Nghịch lý này nhằm đưa chúng ta trở lại bắt đầu. Và như vậy là cuộc sống cuối cùng của cuộc đời này là sự khởi đầu của kế tiếp. Đức Giê-su đã hoàn tất Thánh lễ trên đồi Can-vê. Người bắt đầu Thánh lễ của mình với các từ: “Lạy Cha” và Ngài kết thúc với cùng một từ đó. Mở đầu là lời xin cha tha thứ và cuối cùng là lời phó thác mọi sự trong tay cha. Ngay nay ở một số nơi giáo xứ có thói quen đọc lại đoạn Tin Mừng ở cuối Thánh lễ trước khi ra về nhằm nhắc nhở các tín hữu mang Lời Chúa vào trong cuộc sống của mình. Chính nhờ Lời Chúa mà chúng ta được tác thành và chính nhờ Lời Chúa và Thánh thể mà chúng ta được cứu độ.
Kết Luận: Trên đây ngoài đưa ra những nét tương đồng giữa các Di Ngôn của Đức Giêsu. Bẩy di ngôn của Đức Giê-su không chỉ là những bài học giáo lý nhưng là những lời mang lại ơn cứu độ. Ước mong sao mỗi khi tham dự Thánh lễ chúng ta luôn luôn nhẩm đi nhắc lại những lời đó trong lòng. Hy tế Thánh lễ làm hiện thực những hành vi của Chúa Giêsu trên Thập giá đồng thời với cuộc Phục Sinh Của Người nữa. Hy tế Thập giá và các di ngôn của Đức Giêsu hiện diện một cách “mầu nhiệm” trong Thánh lễ. Tất cả những hành vi của Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế từ sinh ra cho đến khi chết và sống lại đều mang tính cách vĩnh viễn trong Đức Kitô phục sinh. Chúng ta thường hay phân biệt thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai. Nhưng đối với Thiên Chúa chỉ có “hôm nay”. Bởi vì những hành vi cứu độ của Chúa Kitô mang tính cách vĩnh viễn, vượt lên trên chiều kích thời gian, cho nên luôn luôn có thể hiện diện ở bất cứ mọi nơi và mọi lúc trong các cuộc cử hành bí tích. Hy tế Thánh lễ làm hiện thực những hành vi của Chúa Giêsu trên thập giá đồng thời với cuộc phục sinh của Người nữa. Trong Thánh lễ, chúng ta không chỉ cử hành bữa Tiệc Ly, nhưng còn cử hành sự chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Sự “tưởng nhớ” của Thánh lễ không chỉ là một kỷ niệm, nhưng là tác động bí tích, qua đó, điều Chúa Kitô đã thực hiện một lần duy nhất trong quá khứ được ban cho chúng ta thực sự trong hiện tại của đức tin Kitô giáo.
Thánh lễ là một cuộc tưởng niệm biến cố khổ nạn (passion) và phục sinh (resurrection) của Chúa do đó sẽ rất thích hợp nếu chúng ta áp dụng Bảy Di Ngôn vào trong những phần khác nhau của Thánh lễ. Nhằm phác họa cho chúng ta thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của hy tế Thánh Giá trong nhiệm cục cứu độ của chúng ta. Cho dù có đề cao những giá trị khác trong Kitô Giáo nhưng cũng không thể loại bỏ được hình bóng của Thánh Giá của Đức Kitô. Có thể nói đối với các Kitô hữu mỗi ngày đều là ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Bởi vì, đây chính là chính là Biến Cố Cứu Độ Nền Tảng (fundamental saving act) đối với các Kitô hữu. Thánh Giá chính là những cao điểm của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Chính Đức Kitô đã phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32) .
Thân ái trong Chúa Kitô và Đức Bà Núi Cát Minh
Lm. Antôn Nguyễn Văn Trung O.Carm.,