Thông Báo

Chứng Nhân

LOẠI BÀI VIẾT: Chiêm nghiệm và cầu nguyện

SUY NIỆM: TIN NHẮN YÊU THƯƠNG

Có những hình ảnh, những vật đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Nó giúp cho người đang yêu bày tỏ tình yêu một cách lãng mạn mà không cần nói bằng lời. Với một trái tim đỏ thắm hoặc hình trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua đều là biểu tượng cho tình yêu. Trái tim đỏ thắm nói: tôi xin dâng tặng cả trái tim này! Một trái tim có mũi tên đâm qua như muốn nói: Tôi đã yêu đơn phương! Hai trái tim có mũi tên xuyên qua diễn tả: Chúng mình đã gắn kết với nhau bởi tình yêu!

Hoa hồng cũng là biểu tượng tình yêu. Theo truyền thuyết kể rằng: có một thiếu nữ tên Rodanthe. Nàng đẹp kiều diễm nên rất nhiều chàng trai theo đuổi. Thấy nàng bị dồn ép quá mức, nữ thần săn bắn Diana biến nàng thành một bông hồng rực rỡ và ngát hương, biến những chàng trai yêu cô thành những gai nhọn tua tủa. Một truyền thuyết khác lại cho rằng những bông hoa hồng này sinh ra từ những giọt rượu tiên mà Thần Tình Yêu Cupid đã vô tình đánh rớt xuống mặt đất. Tình yêu đẹp, tình yêu nồng nàn nhưng cũng đầy đau khổ…

Bí tích Thánh Thể cũng là biểu tượng tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không dùng những hình tượng bên ngoài nên dấu chỉ tình yêu mà Ngài dùng chính Thân Thể Ngài trở thành tình yêu tự hiến cho con người. Thật cụ thể. Thật gần gũi. Qua tấm bánh Chúa ở lại với con người và hiến dâng thân mình nên thần lương nuôi sống cho con người. Thánh Thể Ngài thực sự trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến đến tan biến cho người mình yêu.

Quả thực, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người tự hiến vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chết cho người mình yêu mà còn hiến ban chính Thánh Thể Ngài nên nguồn sức sống cho con người. Vì yêu con người nên Ngài đã nhỏ những giọt rượu tiên ân phúc xuống cho dương gian. Từ đây “Ai ăn và uống máu Ngài thì sẽ có sự sống đời đời”. Từ đây qua bí tích Thánh Thể Ngài sẽ ở cùng con người mọi ngày cho đến tận thế.

Điều tâm huyết mà Chúa muốn nơi chúng ta thực thi đó chính là “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi Chúa cầm bánh và rượu dâng lên và trao ban cho các môn đệ Ngài đều tha thiết mời gọi: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đó là việc của hiến tế, việc của yêu thương đến trao ban chính máu thịt mình cho anh em. Chúa muốn người môn sinh của Chúa lập lại hằng ngày trên mọi nẻo đường dương gian hành vi của yêu thương và tự hiến cho người mình yêu.

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chính là hãy bẻ đời mình ra như tấm bánh đem lại niềm vui, sức sống, hạnh phúc cho tha nhân. Có lẽ ai cũng đã từng nâng niu chiếc bánh. Ai cũng từng vui sướng khi mẹ trao cho tấm bánh. Tấm bánh nào cũng có những giá trị riêng. Tấm bánh nào cũng mang lại niềm vui cho người được nhận vì tấm bánh tự bản thân là tự hiến cho con người. Do đó, cuộc đời người tín hữu cũng được mời gọi hãy là tấm bánh mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cuộc đời người tín hữu cũng trở nên tự hiến để yêu thương và phục vụ con người. Không có yêu thương phục vụ thì đời người tín hữu không có giá trị như tấm bánh đã hết date hay đã không còn sử dụng làm của ăn cho con người.

Có lẽ chúng ta còn nhớ tới vụ động đất tại Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 với một câu chuyện thật cảm động về tình mẹ. Chuyện kể rằng: Sau khi động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên với vẻ đầy ngạc nhiên: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”.

Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”.

Một tin nhắn thật cảm động. Cảm động vì nó nói lên một tình yêu hy sinh cao đẹp mà người mẹ dành cho con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu cũng để lại cho chúng ta một tin nhắn: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta hãy nhớ rằng Ngài rất yêu thương chúng ta mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy tiếp tục thi thố tình yêu ấy đến cho anh em.

Ước gì là người ky-tô hữu chúng ta hãy làm cho tình yêu của Chúa được hiện tại hóa qua đời sống yêu thương phục vụ của mình. Ước gì từng lời nói, từng việc làm của chúng ta cũng để lại một tin nhắn cho anh em chính là tin nhắn của tình yêu tự hiến cho anh em. Amen.

Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền